Trung Quốc bất chấp danh dự nhằm đạt tham vọng lãnh thổ

Năm 2012, Trung Quốc bắt đầu kiểm soát bãi cạn Scarborough, thách thức tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với khu vực này. Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao phủ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và chồng lấn với vùng ADIZ của Nhật Bản. Tháng 5/2014, Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý của mình bằng việc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế.

Theo Ankit Panda, chuyên gia phân tích về ngoại giao khủng hoảng và an ninh quốc tế, chính sách công nghệ và địa chính trị tại Đại học Princeton (Mỹ), kết quả của những hành động trên và một số hành động khác, Trung Quốc giờ đây được coi là kẻ bắt nạt trong khu vực. Thay vì sử dụng các luận chứng pháp lý để xác định tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc lại lặp đi lặp lại rằng đó là “vùng nước lịch sử”, cố tình diễn giải quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong phạm vi “đường 9 đoạn” đã có cách đây 2.000 năm, rõ ràng là việc làm vô căn cứ, một lập luận hết sức vô lý mà Trung Quốc vẫn cố tình bảo vệ. Mọi chứng cứ mà Bắc Kinh đưa ra nhằm thỏa mãn tham vọng lãnh thổ của mình chỉ là những “tin đồn” và sự “hoang tưởng”. 

Các tàu cỡ lớn của Trung Quốc được huy động xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 gây cản trở tự do, an ninh và an toàn hàng hải. Ảnh do Cục Cảnh sát biển cung cấp, VTV phát


Một chiến thắng có ý nghĩa trong đời sống chính trị quốc tế đó là chiến thắng với danh dự, uy tín và ảnh hưởng. Trong năm 2003 và 2004, Trung Quốc đã đưa ra khái niệm về ''trỗi dậy hòa bình'' và ''phát triển hòa bình'' để trấn an thế giới về sự phát triển của mình, cam kết không trở thành bá quyền. Năm 2013, Trung Quốc giới thiệu chính sách ngoại giao láng giềng, theo đó lãnh đạo Trung Quốc đề xuất sáng kiến con đường tơ lụa trên biển và đề nghị ký hiệp định láng giềng hữu nghị với ASEAN.

Tuy nhiên, với những hành động gây hấn và khiêu khích đặc biệt mạnh lên từ năm 2009 trở lại đây trên Biển Đông và cả biển Hoa Đông, Trung Quốc đã cho thế giới thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc và đưa ra một hình ảnh Trung Quốc ngày càng ưa sử dụng sức mạnh trong việc khẳng định chủ quyền dựa trên việc tạo ra những “thực tế mới” trên Biển Đông. Từ đó, trong con mắt của công luận quốc tế, Trung Quốc đã trở thành một nước ngày càng hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định khu vực.

Khoảng cách giữa lời nói và hành động của Trung Quốc càng lớn thì lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc càng giảm, Trung Quốc càng bị cô lập trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Và khi niềm tin về sự "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc càng thiếu cơ sở thì việc các nước trong khu vực tìm kiếm các biện pháp tài phán, xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế mới, thậm chí tăng cường khả năng tự vệ là điều cần thiết và hợp lý. Điều này hoàn toàn đi ngược với lợi ích của Trung Quốc, cả về ngắn hạn và dài hạn, bởi vì nước lớn nào cũng phải tạo dựng một môi trường hòa bình và hợp tác ở khu vực địa lý kề cận với mình. Một môi trường như vậy không thể được tạo dựng bằng chính sách cường quyền và một chính sách cường quyền thì không thể giúp xây dựng các mối quan hệ bè bạn.

Ông Murat Ryszard, Thiếu tướng danh dự quân đội Ba Lan, cho rằng các hành động này của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế, các hành động như vậy phải được ngăn chặn bởi Liên Hợp Quốc (LHQ). Ông cũng thấy một thực tế đó là Trung Quốc cũng là một thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ nên có trách nhiệm và nghĩa vụ đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực và trên thế giới, nhưng hiện nay Trung Quốc đang làm điều ngược lại. Dường như Trung Quốc vẫn chưa có động thái gì gọi là lắng nghe mà ngược lại họ đã biện hộ và đưa ra những luận điệu ngược lại UNCLOS 1982 và vẫn tiếp tục leo thang gây hấn ở Biển Đông.


Kể từ khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, những hành động của họ ở Biển Đông chứng tỏ rằng các nước trong khu vực và cả Nhật Bản không những tỏ ra quan ngại mà còn coi Bắc Kinh là một kẻ gây hấn và là mối đe dọa trong khu vực. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục cách hành xử như vậy ở các vùng biển trong khu vực châu Á, trước mắt, nước này có thể chỉ đạt được một số mục đích tầm thường của riêng mình, nhưng về lâu dài nó đang hủy hoại niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với quốc gia đông dân nhất thế giới này. Vẫn chưa phải là quá muộn để giữ lại danh dự và uy tín của mình ở châu Á nếu Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm hơn, tuân thủ luật pháp quốc tế và ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vô điều kiện.


Công Thuận (Tổng hợp)
Vũ điệu nguy hiểm Trung–Nhật trên biển Hoa Đông-Kỳ 1: Ăn miếng, trả miếng
Vũ điệu nguy hiểm Trung–Nhật trên biển Hoa Đông-Kỳ 1: Ăn miếng, trả miếng

Trung Quốc và Nhật Bản cần phải có một động cơ để hành động và làm giảm căng thẳng trước khi sự việc trở nên tồi tệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN