Trang mạng "Topix" của Nam Phi vừa đưa tin Trung Quốc sẽ cung cấp cho châu Phi một gói tín dụng trị giá 20 tỷ USD trong vòng ba năm tới và kêu gọi tăng cường phối hợp giữa Trung Quốc và châu Phi trong các vấn đề quốc tế nhằm chống lại cái gọi là "sự bắt nạt" của các nước giàu.
Tuyên bố trên được Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đưa ra trong phiên khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) tại Bắc Kinh tuần trước. Gói tín dụng lần này lớn gấp đôi gói tín dụng được đưa ra tại diễn đàn lần trước diễn ra tại Ai Cập vào năm 2009.
Ông Hồ Cẩm Đào phát biểu: "Trung Quốc và châu Phi cần tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề quốc tế. Chúng ta cần chống lại việc nước lớn ức hiếp nước nhỏ, nước mạnh chi phối nước yếu và nước giàu ép buộc nước nghèo". Một lần nữa ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc cũng là một nước đang phát triển như các nước châu Phi và hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như Liên hợp quốc.
Toàn cảnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh ngày 19/7. Ảnh: THX/TTXVN |
Bày tỏ mong muốn "được mãi mãi làm bạn tốt, đối tác tốt và người anh em tốt của nhân dân châu Phi", ông Hồ Cẩm Đào đã đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy quan hệ Trung - Phi. Ông nói: "Trong vòng 3 năm tới, chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp trong 5 lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ sự nghiệp hòa bình và phát triển ở châu Phi và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Trung - Phi".
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hồ Cẩm Đào nói, thứ nhất Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác đầu tư và tài chính để hỗ trợ phát triển bền vững ở châu Phi, gói tín dụng 20 tỷ USD sẽ giúp các nước châu Phi phát triển hạ tầng, nông nghiệp, sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ thực hiện các dự án đem lại lợi ích thiết thực cho người dân châu Phi như xây dựng thêm các trung tâm giới thiệu công nghệ nông nghiệp để giúp các nước châu Phi nâng cao năng lực sản xuất; thực hiện Chương trình Tài năng châu Phi để đào tạo 30.000 nhân lực thuộc nhiều lĩnh vực, cấp 18.000 học bổng chính phủ và xây dựng các cơ sở đào tạo văn hóa và ngành nghề; tăng cường hợp tác y tế và sức khỏe, cử 1.500 nhân viên y tế tới châu Phi và tiếp tục thực hiện chiến dịch chữa trị miễn phí cho các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể; củng cố năng lực trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng và hạ tầng khí tượng, và tiếp tục thực hiện các dự án khoan giếng và cấp nước ở châu Phi để cung cấp nước sạch cho người dân châu Phi.
Thứ ba, Trung Quốc sẽ ủng hộ quá trình hội nhập của châu Phi và giúp châu Phi nâng cao năng lực để phát triển toàn diện. Trung Quốc sẽ thiết lập quan hệ đối tác với châu Phi trong lĩnh vực phát triển hạ tầng xuyên quốc gia và xuyên khu vực, hỗ trợ việc nghiên cứu khả thi và lập kế hoạch cho các dự án liên quan, khuyến khích các công ty và thể chế tài chính Trung Quốc tham gia vào việc phát triển hạ tầng xuyên quốc gia và xuyên khu vực ở châu Phi, và giúp các nước châu Phi cải thiện các cơ quan kiểm soát thuế và hàng hóa để thúc đẩy thương mại trong khu vực.
Thứ tư, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh mối quan hệ nhân dân để tạo một nền tảng hỗ trợ vững chắc cho sự tăng cường phát triển quan hệ Trung - Phi với đề xuất thực hiện chương trình hành động hữu nghị nhân dân Trung - Phi để ủng hộ và thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân, phụ nữ và thanh niên của hai bên, thành lập Trung tâm Trao đổi Báo chí Trung - Phi tại Trung Quốc để khuyến khích các hoạt động trao đổi và gặp gỡ giữa các cơ quan truyền thông Trung - Phi.
Thứ năm, Trung Quốc sẽ bắt tay vào thực hiện "Sáng kiến quan hệ đối tác hợp tác Trung - Phi vì hòa bình và an ninh", đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác với Liên minh châu Phi (AU) và các nước châu Phi trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh ở châu Phi, hỗ trợ tài chính cho các sứ mạng gìn giữ hòa bình của AU và sự phát triển của Lực lượng Dự bị châu Phi (ASF) cũng như đào tạo thêm các sĩ quan an ninh và gìn giữ hòa bình cho AU".
Trong bài phát biểu của mình, ông Hồ Cẩm Đào cho rằng Trung Quốc và châu Phi cần củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau qua việc mở sang trang mới mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai bên, duy trì động lực của những cuộc trao đổi cấp cao, thúc đẩy đối thoại chiến lược, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài và làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Hiện nay, Trung Quốc đang nổi lên như một đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt ở châu Phi, với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt con số kỷ lục 166,3 tỷ USD vào năm 2011, tăng gấp ba lần so với năm 2006. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc đã tăng 25,5% lên 50 tỷ USD. Trong khi đó, theo đánh giá của giới chuyên gia, đầu tư trực tiếp của nước này vào châu Phi đã tăng ít nhất 100 lần trong vòng một thập niên qua, và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã vượt cả Ngân hàng Thế giới (WB) để trở thành nhà cung cấp tín dụng lớn nhất cho các nước vùng Hạ Sahara.
TKT