Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, một số quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đã áp dụng chiến lược Zero COVID-19, đưa tỉ lệ lây nhiễm về số 0 và trở thành những khu vực không có virus lây lan.
Theo trang Bloomberg, giờ đây, với sự gia tăng của các ca nhiễm liên quan đến biến thể Delta và mức độ bao phủ vaccine ngày rộng rãi, chỉ còn một quốc gia duy nhất kiên quyết duy trì mục tiêu “nhổ tận gốc” COVID-19, đó là Trung Quốc.
Khi nhiều quốc gia đã điều chỉnh chiến lược từ không khoan nhượng với COVID-19 sang sống chung an toàn với dịch bệnh, chẳng hạn New Zealand, Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu của họ bằng việc đóng cửa biên giới, phong tỏa bất ngờ nếu ghi nhận ca mắc. Điều này đã liên tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế và xã hội của nước này.
Các quốc gia như Singapore và Australia cũng đã lần lượt cho rằng "Zero COVID" là cách tiếp cận không bền vững. Thay vào đó, họ tập trung vào tiêm chủng để bảo vệ người dân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong, nhằm giảm bớt áp lực kiểm soát số ca mắc bệnh.
Ngược lại, quyết tâm của Trung Quốc trong việc “nhổ tận gốc” ca mắc bệnh dường như ngày càng mạnh mẽ hơn, dù 75% dân số đã tiêm phòng đầy đủ. Quốc gia này đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 do biến thể Delta gây ra suốt thai tháng qua. Tuần này, một tỉnh ở phía tây Tân Cương đã ghi nhận 2 ca mắc không triệu chứng vào đúng mùa du lịch cao điểm.
Tuy nhiên, nhiệm vụ loại bỏ tận gốc COVID-19 có khả năng trở nên khó khăn hơn khi thời tiết lạnh giá đang tới gần, điều kiện khiến virus lây lan tốt nhất. Ba tháng nữa, Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông, đón hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới.
Peter Collignon, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và giáo sư tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia cho rằng: “Việc theo đuổi chiến lược 'Zero COVID' trong trung và dài hạn là không bền vững. Sự xuất hiện của biến Delta cho thấy điều đó gần như không thể xảy ra. Thật khó để biết Trung Quốc sẽ làm thế nào để có thể đối phó với COVID-19 vào mùa đông này.”
"Zero COVID-19" được ca ngợi là niềm tự hào của Trung Quốc. Nhờ có chiến lược này, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã kiểm soát thành công các làn sóng dịch bệnh trước đó.
Song các chuyên gia cho rằng sự điều chỉnh của New Zealand càng nhấn mạnh hiệu quả ngày càng giảm của chiến lược "Zero COVID-19". Hồi giữa tháng 8, New Zealand đã áp đặt biện pháp hạn chế ở mức cao nhất khi phát hiện 1 ca mắc bệnh ở Auckland. Người dân không được ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Mọi người phải làm việc trực tuyến, không được đến nhà thờ, đi ăn tối hoặc tập thể dục ngoài trời.
7 tuần sau, New Zealand vẫn ghi nhận trên 20 ca mắc mới mỗi ngày, khiến Thủ tướng Jacinda Ardern phải thừa nhận rằng mục tiêu “không COVID-19” đã thất bại.
Singapore và Australia, hai hình mẫu thành công trong việc ngăn chặn các ca lây nhiễm, cũng đã điều chỉnh chiến lược "Zero COVID-19" của mình. Ở cả hai quốc gia, việc áp đặt các biện pháp hạn chế trong nhiều tuần đã khiến người dân mệt mỏi.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), giới chức cho biết quá khó để đạt được mục tiêu "nhổ tận gốc" COVID-19 vào đầu năm nay sau một đợt bùng dịch lớn, dù hiện tại vùng lãnh thổ này không ghi nhận trường hợp mắc mới nào trong vài ngày liên tiếp.
Song việc từ bỏ mục tiêu "Zero COVID-19" không có nghĩa là chiến lược này sai lầm ngay từ đầu. Cách tiếp cận này đã giúp nhiều nền kinh tế ngăn chặn tỷ lệ tử vong xuống mức rất thấp, vượt qua thời kỳ tiền vaccine của đại dịch với ít thiệt hại hơn, không giống như Mỹ và các nước châu Âu. Tính đến nay, New Zealand chỉ ghi nhận 27 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, còn Singapore chỉ có 121 bệnh nhân không qua khỏi.
Câu hỏi đặt ra là chiến lược của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ như thế nào.Trong đợt bùng phát mới nhất ở Tân Cương, giới chức đã tiến hành xét nghiệm cho hàng chục nghìn cư dân. Thành phố Nghi Ninh cũng đã tạm dừng tất cả các chuyến tàu, chuyến bay và đóng cửa các tuyến đường cao tốc ở địa phương.
Thành phố Horgos, Tân Cương, giáp với Kazakhstan đã ghi nhận 2 ca nhiễm virus vào ngày 3/10. Tuy nhiên, toàn bộ 38.376 cư dân đã được xét nghiệm, tất cả khách du lịch ở quận Yili cũng không được trở về và phải ở tại khách sạn cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, giới chức cũng đã phong tỏa thành phố Cáp Nhĩ Tân ở miền bắc Trung Quốc sau khi ghi nhận một bệnh nhân COVID-19 hồi tháng 9. Cảng Ninh Ba, một trong những cảng hàng hóa nhộn nhịp nhất thế giới, cũng đã phải đóng cửa vào tháng 8 sau ghi phát hiện một số ca nhiễm virus. Các hạn chế đã khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng đáng kế.
Các chuyên gia y tế công cộng cho biết những đợt bùng phát lẻ tẻ ở Trung Quốc khó có thể chấm dứt. Nhưng Chính phủ Trung Quốc đã đạt được những thành công ngoài sức tưởng tượng so với hầu hết các quốc gia khác.
Michael Baker, giáo sư tại Khoa Y tế Công cộng của Đại học Otago ở Wellington, thành viên nhóm Cố vấn COVID-19 của Chính phủ New Zealand, cho biết: “Năng lực và mức độ kiểm soát mà Trung Quốc có thể thực hiện là đáng chú ý. Chúng tôi sẽ không thể thực hiện các biện pháp kiểm soát như Trung Quốc, ngay cả khi đạt được kết quả tốt.”
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cho biết họ sẽ không gắn bó mãi mãi với chiến lược "Zero COVID-19". Nhưng họ sẽ chỉ xem xét điều chỉnh khi cách tiếp cận này không thể duy trì hoặc chi phí quá cao. Việc Trung Quốc xây dựng cơ sở cách ly chuyên dụng với sức chứa hàng nghìn du khách quốc tế cũng báo hiệu rằng những hạn chế du lịch khó có thể được nới lỏng trong thời gian tới.
Việc đạt được mục tiêu “không COVID-19” cũng đã giúp cuộc sống ở Trung Quốc trở lại bình thường trong hầu hết năm 2020 và 2021. Điều đó đã cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của nước này ngay cả khi hầu hết các quốc gia khác phải chịu tác động kinh tế nặng nề vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi các đợt phong tỏa vẫn và hạn chế di chuyển vẫn tiếp diễn trong năm nay - khi các nền kinh tế phương Tây trở lại hoạt động đầy đủ sau tiêm chủng - những tác động sẽ thể hiện sâu sắc hơn. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã chậm lại 2,5% trong tháng 8 so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7% mà các nhà phân tích ước tính.