Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/10 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 236.532.020 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.830.032 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 374.565 và 6.860 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 213.618.323 người, 18.083.665 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.458 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 80.890 ca nhiễm mới; tiếp theo là Anh (33.869) và Thổ Nhĩ Kỳ (29.802 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.572 trường hợp, tăng hơn gấp đôi so với một ngày trước đó là 738 ca; tiếp theo là Nga (895 ca tử vong); và Brazil (644 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 44.764.851 người, trong đó có 724.489 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.870.385 ca nhiễm, bao gồm 449.568 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.499.074 ca bệnh và 598.829 ca tử vong.
Châu Á vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới hơn 76,4 triệu ca, vượt xa khu vực ở vị trí thứ hai là châu Âu (hơn 59,5 triệu ca). Bắc Mỹ hiện có hơn 53,7 triệu ca nhiễm, trong khi con số này ở Nam Mỹ là hơn 37,8 triệu ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn song tổng số ca nhiễm đã lên tới hơn 8,4 triệu ca. Châu Đại Dương có tổng cộng 241.963 ca nhiễm.
Nga: Ca tử vong cao kỷ lục từ đầu dịch
Ngày 5/10, Nga ghi nhận 895 ca tử vong, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Nước này cũng có thêm 25.110 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết nguyên nhân chính của tình trạng trên là do mức độ tiêm chủng chưa đủ. Ông Peskov nhấn mạnh: “Virus đang ngày càng lây lan mạnh trong khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đủ... những người không tiêm phòng sẽ bị ốm nặng hơn và thậm chí tử vong".
Cùng ngày 5/10, Công ty dược phẩm sinh học Nanolek của Nga thông báo, các chuyên gia Nanolek đang phát triển vaccine kết hợp ngừa COVID-19 và cúm mùa. Quá trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine kết hợp này sẽ được bắt đầu sau khoảng 1,5 năm.
Nanolek tin rằng vaccine kết hợp sẽ làm giảm đồng thời nguy cơ từ dịch cúm và COVID-19. Theo các chuyên gia của Nanolek, những đặc điểm lâm sàng và dịch tễ học của COVID-19 rất giống với dịch cúm, vì vậy điều quan trọng là phải điều trị tối ưu cho cả 2 bệnh đường hô hấp này. Bên cạnh đó, Nanolek cho biết các protein có trong vaccine mới sẽ chỉ có tác dụng phụ nhỏ do mức độ thanh lọc cao.
Ukraine: Ca tử vong/ngày lần đầu vượt 300
Tại Ukraine, Bộ Y tế thông báo ngày 5/10 lần đầu tiên số ca tử vong do COVID-19 đã vượt mốc 300 ca/ngày kể từ trung tuần tháng 5 vừa qua. Cụ thể, nước này đã ghi nhận 317 ca tử vong mới và 9.846 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Trong nhiều tuần qua, Ukraine đã chứng kiến số ca lây nhiễm mới gia tăng mạnh và các nhà chức trách buộc phải thực hiện các biện pháp gắt gao. Tuần trước, số ca mắc mới theo ngày đã tăng lên gần 12.000 ca, mức cao nhất kể từ tháng 4.
Mũi vaccine nhắc lại cần thiết với người có hệ miễn dịch suy yếu
Kết quả của 3 nghiên cứu tại bệnh viện Bambino Gesu ở Rome (Italy) cho thấy vaccine ngừa COVID-19 ít hiệu quả hơn đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu, nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho nhóm người dễ bị tổn thương này. Trong các nghiên cứu trên, trung bình có 30% bệnh nhân suy giảm miễn dịch không phát triển khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 sau khi được tiêm vaccine, trong khi 70% số bệnh nhân còn lại có phản ứng với vaccine, nhất là sau mũi tiêm thứ hai, nhưng ở mức độ thấp hơn so với người khỏe mạnh và có sự khác biệt giữa các nhóm. Phát hiện này được công bố khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cùng ngày đã chính thức cho phép sử dụng mũi tiêm tăng cường bằng vaccine của Pfizer/BioNTech.
Đức tranh cãi quy định trẻ em đeo khẩu trang
Trong khi đó, nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ em và vị thành niên đang trở thành chủ đề tranh cãi tại Đức, giữa một bên phản đối việc bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đến trường và một bên ủng hộ kế hoạch này.
Theo một số chuyên gia, Đức vẫn đang trong "tâm điểm" của đại dịch COVID-19 và rằng mùa Thu và Đông có thể sẽ là thời điểm chứng kiến sự gia tăng của dịch bệnh. Quyết định trên có thể khiến trẻ em gặp rủi ro cũng như có thể làm gia tăng sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2. Nhà nghiên cứu dịch tễ Melanie Brinkmann thuộc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ Helmholtz ở Braunschweig cho rằng còn quá sớm để bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong trường học do hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 chưa đủ để có thể đạt miễn dịch. Theo số liệu thống kê từ Viện Robert Koch (RKI), số ca mắc COVID-19 không ít ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi.
Canada: Nhiều doanh nghiệp lùi kế hoạch trở lại văn phòng sang 2022
Tại châu Mỹ, nhiều doanh nghiệp Canada đã hoãn kế hoạch để nhân viên quay lại làm việc tại văn phòng, dự kiến sang đầu năm 2022 thay vì vào mùa Thu này như kế hoạch ban đầu, đánh dấu gần hai năm làm việc từ xa, trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Delta có xu hướng gia tăng, các công ty đang cân nhắc sắp xếp công việc linh hoạt và cân đối nhu cầu của nhân viên. Ngân hàng Toronto-Dominion (TD bank) nằm trong số những doanh nghiệp trì hoãn quay trở lại văn phòng làm việc và yêu cầu nhân viên cung cấp thông tin về tình trạng tiêm chủng của họ. Laurentian Bank of Canada và Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC) cũng hoãn kế hoạch mở cửa trở lại sang năm 2022.
Trong khi đó, Manulife Financial Corp. quy định những nhân viên làm việc tại các bộ phận cần thiết mới phải đến văn phòng làm việc trong thời gian từ nay đến hết năm 2021. Tương tự, tập đoàn Desjardins vẫn chưa ấn định ngày trở lại văn phòng đối với 40.000 nhân viên đang làm việc tại nhà. Người phát ngôn của Desjardins, Chantal Corbeil cho biết công ty này đang chờ giới chức y tế công cộng cung cấp thêm hướng dẫn trước khi quyết định cho các nhân viên trở lại văn phòng làm việc. Một số doanh nghiệp thậm chí còn thông báo tới nhân viên rằng họ có thể không cần phải tới văn phòng.
Hàn Quốc chuẩn bị tiêm vaccine cho nhóm 12-17 tuổi
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) cho biết bắt đầu tiếp nhận việc đặt lịch tiêm vaccine cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, đồng thời nhấn mạnh nhóm đối tượng này không thuộc diện bắt buộc tiêm chủng. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới. Cụ thể, thanh niên từ 16-17 tuổi (sinh năm 2004-2005) sẽ được đặt lịch trước từ ngày 5-29/10 và bắt đầu được tiêm từ ngày 18/10-13/11; nhóm thiếu niên từ 12-15 tuổi (sinh năm 2006-2009) sẽ đặt lịch tiêm từ ngày 18/10 đến ngày 12/11 và tiêm từ ngày 1-27/11. Mũi vaccine thứ hai sẽ tự động được đặt lịch 3 tuần sau mũi thứ nhất.
Cảnh báo tăng trưởng kinh tế thế giới thấp hơn mức dự báo
Ngày 5/10, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cảnh báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp hơn mức dự báo 6% trước đó, do đà phục hồi trúc trắc vì phân phối vaccine không công bằng và những lo ngại lạm phát trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo bà Georgieva, báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) cập nhật tuần tới sẽ dự báo các nền kinh tế phát triển trở lại mức trước khi bùng phát dịch vào năm 2022, nhưng hầu hết các nước đang phát triển và mới nổi sẽ cần nhiều năm hơn để phục hồi. Mỹ và Trung Quốc vẫn là các động lực quan trong cho tăng trưởng toàn cầu, trong khi Italy nói riêng và châu Âu nói chung đang chứng tỏ xung lực ngày càng mạnh, nhưng tăng trưởng ở nhiều nơi khác đang "ngày một tệ hơn".
Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhưng dịch COVID-19 tiếp tục kìm hãm đà phục hồi này, và trở ngại chính đặt ra là "sự bất cân bằng lớn về vaccine". Bà bày tỏ lo ngại về khả năng tiếp cận với vaccine và các chính sách ứng phó miễn cưỡng, nhất là tại các nước có thu nhập thấp. Bà kêu gọi các nước giàu tăng phân phối vaccine đến các nước nghèo, dỡ bỏ các hạn chế thương mại và tăng quỹ hỗ trợ cho hoạt động xét nghiệm, truy vết và điều trị COVID-19, đồng thời cảnh báo nếu không thể thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm phòng hiện nay giữa các nước phát triển và các nước nghèo hơn thì sẽ kìm hãm đà phục hồi và có thể khiến GDP toàn cầu mất đi 5.300 tỷ USD trong 5 năm tới.
Johnson & Johnson xin cấp phép cho mũi tiêm tăng cường cho người trên 18 tuổi
Ngày 5/10, hãng dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ thông báo đã gửi dữ liệu lên Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp mũi tiêm tăng cường vaccine phòng COVID-19 của hãng này đối với người từ 18 tuổi trở lên.
Một số quốc gia trên thế giới, gồm cả Mỹ, đã triển khai tiêm mũi tiêm tăng cường cho những đối tượng có nguy cơ cao bất chấp việc các nhà khoa học vẫn bị chia rẽ về hiệu quả cũng như sự cần thiết của việc tiêm mũi tăng cường này.
Trước đó, hãng Johnson & Johnson thông báo việc tiêm hai liều vaccine Janssen ngừa COVID-19 của hãng có thể đem lại hiệu quả 94% bảo vệ bệnh nhân khỏi các triệu chứng nặng của bệnh, tương đương với mức độ hiệu quả của vaccine của các hãng Moderna và Pfizer/BioNTech. Theo Johnson & Johnson, việc tiêm một liều bổ sung cho loại vaccine một liều duy nhất này của hãng cũng giúp tăng miễn dịch, bảo vệ mạnh mẽ khỏi nguy cơ lây nhiễm virus. Đó là kết quả của 3 nghiên cứu mà hãng đã thực hiện để xem xét các mặt khác nhau của vaccine Janssen.
Cho tới nay, FDA mới chỉ cấp phép tiêm mũi tăng cường đối với vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna đối với người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ cao.
Campuchia: Trên 84% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Campuchia cho biết, tính đến ngày 4/10, hơn 13,5 triệu người, tương đương 84% trong tổng số dân khoảng 16 triệu người của Campuchia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 quy mô lớn từ ngày 10/2 đến nay, 99,13% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành và 89,68% trên gần 2 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi đã tiêm phòng COVID-19. Hiện chỉ còn khoảng 15.000 người trưởng thành tại Campuchia chưa được tiêm vaccine và 72.130 người khác không đủ điều kiện để tiêm chủng vì lý do sức khỏe.
Đối với gần 1,9 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi, tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 đã đạt 93,66%. Bên cạnh đó, hơn 907.000 người đã được tiêm mũi tăng cường thứ ba.
Cùng với bước tiến lớn của chiến dịch tiêm phòng, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia tiếp tục ở mức thấp trong ngày thứ 5 liên tiếp. Sau 7 ngày liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 liên tục ở trên mức 800 ca/ngày, số ca mắc mới bắt đầu giảm từ ngày 1/10 khi Campuchia áp dụng cách đếm số ca COVID-19 bằng kết quả xét nghiệm PCR.
Trong thông cáo ngày 5/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 12 ca tử vong và 228 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 3 ca nhập cảnh và 225 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 113.703 ca mắc COVID-19, trong đó 105.350 người đã khỏi bệnh và 2.418 người tử vong.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 giảm, song giới quan sát lo ngại dịch bệnh sẽ gia tăng trở lại sau dịp nghỉ Lễ Pchum Ben kéo dài từ ngày 5-7/10. Chính quyền Phnom Penh thông báo tất cả hành khách di chuyển bằng taxi, xe buýt, ô tô riêng và xe gắn máy đều phải đeo khẩu trang khi ra vào thủ đô.
Malaysia: Ca tử vong lần đầu giảm xuống 2 con số kể từ tháng 7
Trong thông báo ra ngày 5/10, Bộ Y tế Malaysia cho biết lần đầu tiên kể từ tháng 7, số ca tử vong của nước này giảm xuống còn 2 con số, xuống còn 76 ca. Hiện tổng số ca tử vong của nước này là 26.759 trong tổng số 2.285.640 ca nhiễm.
Theo hãng thông tấn Bernama, số ca phục hồi tại Malaysia hiện đang cao gần gấp đôi ca nhiễm mới. Ngày 5/10, nước này có 15.615 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, trong khi ca nhiễm mới là 8.817 ca. Trong số này, 97,9% là các trường hợp nhẹ ở cấp độ 1-2, chỉ 2,1% người nhiễm là ở cấp độ nặng tới nghiêm trọng (từ 3-5). Malaysia xếp mức độ 1 và 2 là các trường hợp không có triệu chứng và có triệu chứng nhẹ; trong khi 3 cấp độ tiếp theo lần lượt là: bệnh nhân bị viêm phổi; cần oxy; và cấp độ 5 là yêu cầu máy thở.
Dịch tiến triển tốt, Indonesia thử nghiệm sống chung
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây, cho phép nước này mạnh dạn thử nghiệm sống chung với dịch bệnh. Ngày 4/10, Indonesia đã ghi nhận ca mắc mới lần đầu tiên xuống dưới 1.000 ca, mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Theo dữ liệu của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 của Indonesia, số ca mắc Covid-19 của quốc gia này đã giảm 98% so với đỉnh điểm hồi tháng 7/2021.
Diễn biến khả quan đã cho phép Indonesia mạnh dạn thử nghiệm các kế hoạch sống chung. Một trong số đó là đưa thí điểm cuộc sống trở lại bình thường ở thành phố Blitar, Đông Java từ tuần tới.
Tờ Straits Times (Singapore) cho biết kế hoạch trên được triển khai sau khi Indonesia đã kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19 gần đây nhất. Số ca mắc mới trung bình 7 ngày đạt mức cao điểm vào giữa tháng 7 với 50.000 trường hợp. Con số này nay đã giảm xuống còn 1.700 trường hợp. Tỷ lệ tử vong cũng đi theo đà giảm khi ở mức cao điểm là 1.700 ca trung bình 7 ngày vào đầu tháng 8 xuống 100 ca trong những ngày gần đây.
Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, nhấn mạnh rằng việc tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt là vẫn cần thiết và những công dân tham gia vào các hoạt động xã hội cần phải được tiêm đủ vaccine COVID-19.
Ngày 4/10, chính phủ Indonesia tiếp tục gia hạn Giới hạn hoạt động cộng đồng thêm 14 ngày với nhiều nới lỏng. Nhiều khu vực được giảm mức giới hạn, rạp chiếu phim, nhà hàng được phép mở cửa đi cùng với sàng lọc thông qua ứng dụng y tế.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Indonesia đạt nhiều tiến triển, hiện đứng thứ 5 trên thế giới. Tính đến ngày 4/10, 94 triệu người Indonesia đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và 54 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine trong tổng mục tiêu tiêm chủng cho hơn 208 triệu dân vào năm 2022. Trước đó, Indonesia đã trải qua làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất Châu Á với đỉnh điểm lên tới hơn 50.000 ca mắc mỗi ngày vào giữa tháng 7/2021.
Chính phủ Indonesia đã quyết định mở cửa trở lại đảo du lịch Bali cho du khách từ một số quốc gia vào ngày 14/10 tới đây sau hơn 1 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19.