Làm thế nào châu Á bứt tốc ngoạn mục trong tiêm chủng COVID-19

Giống như chuyện "Thỏ và Rùa", một số quốc gia châu Á đang trên đà vượt qua Mỹ trong chương trình tiêm chủng COVID-19 cộng đồng, với mục tiêu đưa cuộc sống trở lại bình thường một cách lâu dài, ổn định.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 tại một cửa hàng điện tử ở Osaka, Nhật Bản, tháng 9/2021. Nhật Bản đang trên đà đạt tỉ lệ 80% dân số được tiêm chủng vào tháng 11. Ảnh: AFP/Getty Images

Câu chuyện "Thỏ và Rùa"

Khi Mỹ và châu Âu tăng cường chương trình tiêm chủng COVID-19, thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi từng được ca ngợi vì phản ứng thành công với đại dịch, lại phải vật lộn với tình trạng virus lây lan. Nhưng giờ đây nhiều quốc gia trong số những kẻ tụt hậu đó đã tăng tốc về phía trước, dấy lên hy vọng về việc trở lại bình thường bền vững sau nhiều lần đóng cửa và siết chặt hạn chế.

Đây là một minh chứng cho sự thành công của khu vực trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine và giải quyết các vấn đề khó khăn trong chương trình tiêm chủng, cũng như phá tan tâm lý do dự và phản đối vaccine như ở Mỹ.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia thậm chí đã vượt qua Mỹ về tỉ lệ liều vaccine được tiêm trên 100 người - một tốc độ dường như không thể tưởng tượng được vào đầu năm. Một số quốc gia cũng đã vượt qua Mỹ trong tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho cộng đồng, hạn chế sự nguy hiểm của biến thể Delta.

Tại Hàn Quốc, các nhà chức trách cho biết vaccine đã giúp hầu hết người nhiễm không phải đến bệnh viện. Theo dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc từ tháng 5 đến tháng 8, chỉ khoảng 0,6% những người tiêm chủng đầy đủ mắc bệnh COVID nặng và khoảng 0,1% tử vong.

Tại Nhật Bản, số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng đã giảm một nửa so với tháng trước, xuống còn hơn 1.000 một ngày. Số ca nhập viện giảm mạnh từ mức cao hơn 230.000 ca vào cuối tháng 8 xuống còn khoảng 31.000 vào 28/9.

Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vaccine xin quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Seoul, tập trung vào nghiên cứu vaccine cho các nước đang phát triển, cho biết: “Tình trạng đó gần giống như chuyện 'Thỏ và Rùa'. Châu Á luôn sử dụng vaccine ngay khi có”.

Chú thích ảnh
Vaccine COVID-19 của Pfizer được chuyển tới Hàn Quốc vào tháng 7/2021. Ảnh: AP 

Tin tưởng chính phủ, sẵn sàng đặt nhu cầu cộng đồng lên trên tự do cá nhân

Trên thực tế rủi ro vẫn còn tại châu Á. Hầu hết các quốc gia không tự sản xuất được vaccine COVID-19 và có thể đối mặt với vấn đề cung cấp nếu chính phủ quyết định triển khai mũi tiêm tăng cường. Ở Đông Nam Á, việc triển khai tiêm chủng diễn ra chậm và không đồng đều, kéo giảm triển vọng kinh tế. Ngân hàng Phát triển Châu Á gần đây đã hạ triển vọng tăng trưởng năm 2021 đối với các nước đang phát triển ở Châu Á xuống 7,1% từ 7,3%, một phần do vấn đề tiêm chủng.

Nhưng trên phần lớn châu Á, cuộc bứt tốc tiêm chủng diễn ra rất ấn tượng, và thành công bắt nguồn từ thế giới quan và cấu trúc quản trị khác nhau của khu vực.

Trái ngược với Mỹ, vaccine chưa bao giờ là một vấn đề phân cực ở châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù mỗi quốc gia cũng đã phải đối mặt với các phong trào chống vaccine, nhưng chúng tương đối nhỏ. Nhóm này chưa bao giờ được hưởng lợi từ một hệ sinh thái gồm các phương tiện truyền thông đồng cảm, các nhóm vận động và các chính trị gia, cho phép thông tin sai lệch ảnh hưởng đến dân chúng.

Nhìn chung, hầu hết người châu Á đều tin tưởng chính phủ của họ sẽ làm điều đúng đắn và họ sẵn sàng đặt nhu cầu của cộng đồng lên trên quyền tự do cá nhân của mình.

Reuben Ng, một trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, người đã nghiên cứu tình trạng do dự với vaccine trên toàn cầu trong thập kỷ qua, nói rằng trước dịch COVID-19, các cuộc thảo luận về tiêm chủng ở châu Á luôn xen lẫn một số hoài nghi về tính an toàn.

Nhưng sau khi phân tích, ông Ng và nhóm của mình đã phát hiện ra rằng khu vực hiện có quan điểm tích cực về vaccine COVID-19.

Chú thích ảnh
Một bệnh viện quá tải ở Surabaya, Indonesia, vào tháng 7, khi đất nước này đối phó với sự gia tăng đột biến của các ca COVID-19. Ảnh: NYT

Có một niềm tin rộng rãi ở châu Á rằng vaccine là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch. Trong tháng 9 này, khi một trung tâm tiêm chủng ở Tokyo cung cấp 200 mũi vaccine cho những người trẻ tuổi, người dân đã xếp hàng từ sáng sớm với hy vọng được tiêm.

Tại Hàn Quốc, khi chính quyền bắt đầu tiêm chủng cho những người ở độ tuổi 50, khoảng 10 triệu người đã đồng thời đăng nhập vào trang web của chính phủ để đăng ký tiêm. Vốn được thiết kế để xử lý tối đa 300.000 yêu cầu cùng một lúc, hệ thống này đã rơi vào tình trạng sập tạm thời.

Tiêm vaccine là lựa chọn để tồn tại

Tâm lý chung là người dân ở các quốc gia nghèo, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt phong toả kéo dài, cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêm vaccine. Indonesia và Philippines là nơi sinh sống của hàng nghìn công nhân làm công ăn lương hàng ngày, những người không thể dựa vào trợ cấp thất nghiệp để tồn tại.

Arisman, 35 tuổi, một tài xế xe ôm ở Jakarta, Indonesia, cho biết anh đã tiêm mũi 2 vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất vào tháng 7 vì công việc phải tiếp xúc với nhiều người. “Nếu bị ốm, tôi sẽ không kiếm được tiền”, Arisman nói.

Tikki Pangestu, đồng Chủ tịch của Liên minh Tiêm chủng Châu Á - Thái Bình Dương, một nhóm đánh giá khả năng sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19, cho rằng việc thiếu mạng lưới an sinh xã hội ở nhiều nước châu Á đã thúc đẩy nhiều chính phủ nhanh chóng triển khai vaccine. “Nếu không làm điều đó, họ sẽ đối mặt với tình trạng bất ổn xã hội”, ông Pangestu cho biết.

Chú thích ảnh
Một nông dân ở vùng nông thôn Sabak Bernam, Malaysia, được tiêm phòng COVID-19. Ảnh: NYT

Thay đổi chiến lược phù hợp

Khi Mỹ và các quốc gia châu Âu đang gấp rút tiêm vaccine cho người dân của họ vào cuối năm ngoái, nhiều quốc gia châu Á cảm thấy họ còn nhiều thời gian. Họ đã kiểm soát được COVID-19 bằng chiến lược đóng cửa biên giới, xét nghiệm, truy vết, phong toả. Một số nước muốn đợi cho đến khi các thử nghiệm lâm sàng hoàn thành rồi mới đặt hàng.

Sau đó là sự hoành hành dữ dội của biến thể Delta. Mặc dù các quốc gia đã bị phong toả, nhưng virus vẫn tìm thấy đường xâm nhập, và lây lan nhanh chóng. Mùa hè năm nay, Hàn Quốc đối mặt với làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất; bệnh viện ở Indonesia hết ôxy và giường; còn ở Thái Lan, có lúc các nhân viên y tế đã phải từ chối bệnh nhân.

Trước tình trạng ca bệnh gia tăng, các quốc gia châu Á đã phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Rangers in the Thai Army built bamboo beds for hospitals in the southern province of Narathiwat last week.Credit...Madaree Tohlala/Agence France-Presse — Getty Images

Thủ tướng Australia, Scott Morrison, người trước đây từng nói rằng tiêm chủng "không phải là một cuộc đua", vào tháng 7 đã kêu gọi người dân Úc "đi tìm vàng" trong chiến dịch tiêm chủng của đất nước. Ông Morrison cũng đã nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine.  

Khi bùng phát biến thể Delta, không đầy 25% người Australia được tiêm một mũi vaccine. Còn hiện tại, bang New South Wales, với thủ phủ Sydney, đã đạt 86% dân số trưởng thành tiêm mũi đầu tiên và 62% tiêm đầy đủ. Australia dự kiến sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số trên 16 tuổi vào đầu tháng 11.

Nhiều chính phủ ở châu Á đã sử dụng nhiều biện pháp khuyến khích việc tiêm chủng. Tại Hàn Quốc, vào tháng 8, các nhà chức trách đã nới lỏng hạn chế tụ tập với với những người đã tiêm chủng đầy đủ, cho phép họ gặp gỡ nhóm lớn hơn. Tại Singapore, các tình nguyện viên đã gặp gỡ từng người già sống cô đơn chưa tiêm chủng để vận động và cam kết sẽ thăm và hỗ trợ họ sau tiêm vaccine. Cách tiếp cận mục tiêu này đã hiệu quả.

Tại Nhật Bản, chính phủ đã điều động quân đội điều hành các trung tâm tiêm chủng ở Tokyo và Osaka và cho phép doanh nghiệp tổ chức tiêm phòng cho nhân viên của họ. Chính quyền địa phương đề nghị trả tiền thêm cho các bác sĩ và y tá để họ tiêm cho người dân trong ngày nghỉ. Nhờ các biện pháp, tỷ lệ người được tiêm chủng COVID-19 Nhật Bản gần đây đã vượt qua Mỹ, với ở mức 69,6%. Ở một số vùng nông thôn, tỷ lệ tiêm chủng đạt gần 100%.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Những phương pháp điều trị mới giúp ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của COVID-19
Những phương pháp điều trị mới giúp ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của COVID-19

Đối với bệnh nhân COVID-19 nhập viện, những phương pháp điều trị mới này, cùng với các tiến bộ chăm sóc, đã giúp giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện sức khoẻ người bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN