Vài tháng tới đây sẽ là quãng thời gian để đưa ra câu trả lời: Liệu tỉ lệ tiêm chủng cao kết hợp với gói biện pháp y tế công cộng cường độ thấp có đủ sức để kiểm soát biến thể Delta hay không, khi khí hậu chuyển lạnh và khiến con người có xu hướng sinh hoạt và làm việc trong môi trường khép kín nhiều hơn.
Tỉ lệ dân số tiêm đủ liều vaccine hiện chiếm đa số tại nhiều quốc gia châu Âu. Nhưng giới chức chính quyền vẫn đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng cơ hội ngăn chặn COVID-19 xuyên thủng hệ thống y tế và buộc đóng cửa, hạn chế hoạt động kinh tế. Giới bác sĩ, chuyên gia y tế châu Âu lo ngại rằng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 dù chỉ ở mức độ vừa phải cũng sẽ gia tăng sức ép lên hệ thống bệnh viện vốn đang phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầu trị bệnh.
Châu Âu hiện đã vượt Mỹ về tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và đã có một mùa hè tương đối yên ả, khi số ca nhiễm, ca nhập viện và tử vong đều ở mức tương đối thấp, nằm trong tầm kiểm soát, bất chấp sự xuất hiện và lây lan của biến thể Delta. Nhưng mùa đông tới đây sẽ là bài “thuốc thử” quan trọng để từ đó có thể đánh giá được xu hướng dịch bệnh trong dài hạn.
Hiện tại, tỉ lệ tử vong vì COVID-19 trong Liên minh châu Âu (EU) là 12 ca/ngày/100.000 dân, của Anh là 21 ca/ngày/100.000 dân, trong khi của Mỹ là 61 ca/ngày/100.000 dân. Sự khác biệt này một phần là do chênh lệch về độ che phủ vaccine, đặc biệt là ở nhóm đối tượng người già, người có nguy cơ cao. 27 nước thành viên EU đã tiêm đủ liều cho 61% trên tổng dân số 448 triệu người, vượt xa so với tỉ lệ 55% ở Mỹ. Một số nước EU đứng đầu trong danh sách tiêm chủng vaccine toàn cầu, như Bồ Đào Nha (82%), Đan Mạch, Tây Ban Nha (trên 75%).
Tăng tỉ lệ tiêm chủng hiện là ưu tiên hàng đầu đối với nhiều nước châu Âu, nhằm đạt tới lớp bảo vệ tối đa khi mùa đông đến gần. Một số nước cũng bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường đối với người già, người dễ bị tổn thương trước COVID-19 do mắc các bệnh kinh niên hoặc nguyên nhân y khoa. Cách làm thường là thuyết phục kết hợp với “trừng phạt” để đẩy người dân đi tiêm chủng.
Tại Pháp, chính quyền đã cho hơn 3.000 nhân viên y tế nghỉ việc vì không tuân thủ quy định tiêm vaccine bắt buộc. Trước đó, Pháp cũng thực hiện quy định chỉ có người tiêm vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính với COVID-19 được lui tới quán bar, nhà hàng, trung tâm thương mại.
Tại Italy, bắt đầu từ ngày 15/9, mọi nhân viên, người lao động làm trong khu vực công và tư nhân đều được yêu cầu phải có “thẻ xanh” – một dạng chứng nhận xác nhận là người thuộc diện đã tiêm chủng vaccine, mới hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 hoặc là xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Hy Lạp cũng áp dụng chính sách việc làm tương tự liên quan đến chứng nhận “thẻ xanh”.
Ngoài tiêm chủng vaccine, các nước châu Âu cũng vẫn thực thi yêu cầu đeo khẩu trang, giãn cách xã hội cũng như lệnh hạn chế cường độ thấp, dù ở những cấp độ khác nhau. Anh và Đan Mạch là hai nước nới lỏng mạnh tay nhất. Trong khi Italy, Tây Ban Nha, Bộ Đào Nha tỏ ra dè dặt hơn, áp quy giới hạn số người tụ tập trong không gian kín, đeo khẩu trang nơi công cộng.
Giới chuyên gia y tế công nhận định thách thức lớn hơn với châu Âu chính là việc virus sẽ không thực sự thoái trào cho đến khi chừng nào COVID-19 vẫn còn lây lan, phát tán ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Các biến thể mới có thể xuyên qua các lớp miễn dịch đã được thiết lập cho đến thời điểm này thông qua tiêm chủng vaccine kết hợp với số lượng người đã nhiễm COVID-19 trước đó.