Trung Á trở thành tâm điểm mới trong cuộc chạy đua đất hiếm của châu Âu

Trong khi Trung Quốc thống trị thị trường đất hiếm, châu Âu đang tăng tốc tại Trung Á với gói đầu tư khủng. Trong bối cảnh này, Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan liệu có trở thành "mỏ vàng công nghệ" mới của thế giới?

Chú thích ảnh
Từ trái sang phải: Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdymukhamedov tại hội nghị thượng đỉnh Trung Á-EU vào ngày 4/4/2025. Ảnh: president.kg

Trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ với các thành phần chính liên quan đến “kim loại đất hiếm” (REM), sự trỗi dậy của Trung Á như một đối tác chiến lược trong lĩnh vực này đang định hình một cuộc chạy đua mới, nơi châu Âu nỗ lực đảm bảo nguồn cung các nguyên liệu then chốt cho tương lai.

Nhận định này được đưa ra bởi Teymur Atayev, nhà sử học và khoa học chính trị người Azerbaijan, trong một bài bình luận trên cổng phân tích thông tin News.Az ngày 8/4. Theo ông Atayev, hội nghị thượng đỉnh “Trung Á – EU” đầu tiên tại Samarkand (Uzbekistan) diễn ra hồi tuần trước đã cho thấy rõ sự thay đổi trong trọng tâm hợp tác, khi các quốc gia Trung Á nổi lên như những nguồn cung tiềm năng cho các kim loại đất hiếm – vốn đóng vai trò sống còn trong các ngành công nghiệp chiến lược như vi điện tử, năng lượng và quốc phòng. Những nguyên tố này, theo ông Atayev, giờ đây là “xương sống” của thế giới công nghệ hiện đại, và cuộc chiến giành quyền kiểm soát chúng đang diễn ra một cách âm thầm nhưng quyết liệt.

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề đất hiếm đã được các nhà lãnh đạo Trung Á đưa ra tại diễn đàn Samarkand. Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã thẳng thắn xác định việc phát triển “nguyên liệu thô quan trọng” là một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn với Brussels. Ông nhấn mạnh rằng Kyrgyzstan sở hữu trữ lượng lớn kim loại quý hiếm và có giá trị, đồng thời đề xuất thiết lập một quan hệ đối tác hoặc một “lộ trình” cụ thể để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Tương tự, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đã chia sẻ về những thành công trong việc hợp tác với các công ty hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản chiến lược và phát triển các ngành công nghiệp chế biến công nghệ cao. Ông tái khẳng định cam kết của Uzbekistan trong việc mở rộng hợp tác cùng có lợi với EU trong lĩnh vực đất hiếm.

Kazakhstan, quốc gia có tiềm năng lớn nhất trong khu vực, cũng không bỏ lỡ cơ hội này. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã chỉ ra REM là một trọng tâm trong quan hệ giữa Astana và EU. Ông lưu ý rằng Kazakhstan hiện đang sản xuất 19 trong số 34 loại nguyên liệu thô thiết yếu cho nền kinh tế EU, bao gồm các kim loại quan trọng như urani, titan, đồng, liti, coban và vonfram. Đặc biệt, Tổng thống Tokayev đã đề xuất thành lập một Trung tâm nghiên cứu khu vực về REM tại Astana, nhằm cung cấp thông tin cập nhật cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư về các mỏ, công nghệ khai thác và chiến lược phát triển tiềm năng.

Đề xuất trên của Kazakhstan càng trở nên quan trọng hơn khi chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh, thông tin về việc phát hiện ra nhiều vùng đất giàu REM đầy hứa hẹn ở khu vực Kuyraktikol, cách thủ đô Astana khoảng 300 km về phía Đông Nam, đã gây chú ý lớn. Theo Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan, tổng trữ lượng REM dự kiến trong khu vực, bao gồm mỏ Kuyraktikol, có thể trên 20 triệu tấn. Nếu được xác nhận, phát hiện này có thể đưa Kazakhstan trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về REM, có khả năng chỉ đứng sau Trung Quốc và Brazil về trữ lượng.

Bước đột phá này không phải là ngẫu nhiên. Trong bài phát biểu trước toàn quốc năm 2023, Tổng thống Tokayev đã vạch ra một kế hoạch cải tổ lớn trong quản lý khai thác mỏ, ưu tiên các nhà đầu tư tài trợ cho hoạt động thăm dò địa chất. Ông ví đất hiếm như "loại dầu mới" và cho rằng các quốc gia có khả năng khai thác REM sẽ định hướng cho sự tiến bộ công nghệ trong tương lai. Để khuyến khích lĩnh vực này, Kazakhstan đã đề xuất miễn thuế và phí bắt buộc trong ba năm cho cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, nhằm mục đích thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp chế biến.

Với hơn 5.000 mỏ chưa được khai thác, trị giá ước tính hơn 46 nghìn tỷ USD, Kazakhstan đang cho thấy tham vọng lớn trong lĩnh vực đất hiếm. Tổng thống Tokayev, trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức vào cuối năm 2023, đã nhấn mạnh rằng nhu cầu toàn cầu về các vật liệu quan trọng và REM sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2040. Ông đã đề xuất với Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi đó về việc thành lập một tập đoàn chung để phát triển các nguồn nguyên liệu thô này.

Những động thái chiến lược này của Kazakhstan đã tạo tiền đề cho những phát biểu đầy trọng lượng của Tổng thống Tokayev tại hội nghị thượng đỉnh Samarkand. Rõ ràng, Brussels cũng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng địa chính trị của những diễn biến này. Gói đầu tư "Cửa ngõ Toàn cầu" (Global Gateway) trị giá 12 tỷ euro của EU, được công bố tại hội nghị thượng đỉnh, bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên, trong đó “nguyên liệu thô quan trọng” chiếm một khoản phân bổ đáng kể là 2,5 tỷ euro. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh rằng những nguồn tài nguyên này “không chỉ là khoáng sản mà còn là nền tảng của nền kinh tế trong tương lai”. Bà cũng khẳng định cách tiếp cận của châu Âu khác biệt so với các quốc gia khác, khi EU cam kết xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh trực tiếp trong khu vực, thay vì chỉ coi đây là nguồn cung nguyên liệu thô để xuất khẩu.

Tuyên bố chung được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh cũng đã nhấn mạnh “tầm quan trọng chiến lược” của việc tăng cường hợp tác về các nguyên liệu thô quan trọng, với mục tiêu “đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn, bền vững và đa dạng”.

Tóm lại, dù EU có thể vẫn chưa thể sánh ngang với ảnh hưởng của Trung Quốc hay Nga ở Trung Á, nhưng rõ ràng họ đang quyết tâm không bị tụt lại phía sau trong cuộc đua giành quyền tiếp cận nguồn cung đất hiếm. Cam kết về các khoản đầu tư hàng tỷ euro không chỉ vào các tuyến đường vận tải tránh Nga và vào số hóa, mà còn vào phát triển REM, đang định hình thành một đòn bẩy mạnh mẽ để Brussels củng cố vị thế của mình trong khu vực. Câu hỏi đặt ra là, các cường quốc toàn cầu khác có lợi ích tại Trung Á sẽ phản ứng như thế nào trước sự trỗi dậy của châu Âu trong lĩnh vực đất hiếm đầy tiềm năng này? 

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á thúc đẩy thương mại và hợp tác đa phương
Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á thúc đẩy thương mại và hợp tác đa phương

Ngày 4/4, hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và 5 quốc gia Trung Á đã diễn ra tại Samarkand (Uzbekistan), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác tiềm năng giữa hai khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN