Triển vọng thỏa thuận hạt nhân ngắn hạn với Iran

Đàm phán hạt nhân Iran tới nay vẫn chưa có được bước đột phá nào, trong bối cảnh ấy, triển vọng về một thỏa thuận hạt nhân ngắn hạn giữa Tehran với Mỹ và Israel có thể là một hướng đi mang lại hy vọng.

Chú thích ảnh
Các máy ly tâm bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang tin Axios cho biết, thời gian gần đây, Mỹ và Israel đang thảo luận ý tưởng về một thỏa thuận hạt nhân ngắn hạn, mang tính tạm thời, với Iran để qua đó giúp có thêm thời gian đàm phán khôi phục Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tên chính thức của thỏa luận hạt nhân lịch sử mà Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) hồi năm 2015.

Axios dẫn ba nguồn tin ẩn danh đáng tin cậy tại Mỹ và Israel cho hay Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Israel, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Eyal Hulata, đã thảo luận về đề xuất này, song các cuộc đàm phán chỉ mới ở giai đoạn sơ thảo.    

Cụ thể, theo kế hoạch sơ bộ nói trên, Mỹ dự kiến đề xuất Iran ngừng làm giàu urani ở mức lên tới 60%, đổi lại là việc dỡ bỏ phong tỏa một số tài sản của Iran và ngừng các lệnh trừng phạt liên quan tới cung cấp hàng hóa nhân đạo.     

Chú thích ảnh
Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thông tin cho rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Israel, ông Eyal Hulata đã không tán thành kế hoạch của Washington, nhấn mạnh quan điểm một thỏa thuận ngắn hạn sẽ chuyển thành một hiệp định chính thức và qua đó tạo điều kiện để Iran giữ lại khu nhiên liệu urani và cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ông Eyal Hulata nêu rõ với ông Sullivan rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu cần thúc đẩy một nghị quyết phê phán Iran tại cuộc họp tuần này của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).    

Giới quan sát đánh giá đây là một bước đi thăm dò và Washington có vẻ rất nghiêm túc với ý tưởng này. Tuần trước, Đặc phái viên của Mỹ về Iran, ông Robert Malley, đã tới Israel để gặp ông Hulata, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Ngoại trưởng Israel Yair Lapid, người có quan điểm cho rằng cần gia tăng áp lực với Iran để buộc Tehran quay lại với thỏa thuận JCPOA. Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Manama ở Bahrain, ông Malley cảnh báo rằng Iran đang đi tới điểm không thể quay lại với thỏa thuận hạt nhân năm 2015, sau khi Tehran tăng cường kho nhiên liệu hạt nhân đã làm giàu của nước này.    

Về phần mình, Iran cũng dường như không mấy mặn mà với một thỏa thuận “câu giờ” như vậy. Ngày 22/11, giới chức Iran khẳng định việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là yếu tố quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân JCPOA.    

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết nếu thoả thuận JCPOA không mang lại lợi ích kinh tế cụ thể cũng như khôi phục lại hoạt động thương mại cho nước Cộng hoà Hồi giáo này thì cơ hội khôi phục thỏa thuận không thể tồn tại. Ông Khatibzadeh nhấn mạnh Mỹ nên hiểu rõ điều này. Ông Khatibzadeh bác bỏ các đồn đoán về khả năng đạt được một thoả thuận tạm thời giữa Iran và các nước phương Tây liên quan đến thoả thuận hạt nhân ký năm 2015.    

Cũng theo ông Khatibzadeh, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nên "tiếp tục con đường hợp tác kỹ thuật với Iran". Ông cho rằng IAEA "không nên để một số quốc gia lợi dụng để phục vụ mục đích chính trị".    

Trong bối cảnh hiện nay, dư luận đang đặc biệt quan tâm tới chuyến thăm Tehran ngày 23/11 của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi. Theo hãng thông tấn IRNA, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cùng ngày đã có cuộc hội đàm với ông Rafael Mariano Grossi.     

Chú thích ảnh
Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi phát biểu trong cuộc họp báo tại Vienna, Áo. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong cuộc thảo luận, ông Rafael Mariano Grossi tuyên bố IAEA muốn tăng cường hợp tác với Iran. Phát biểu trong cuộc họp báo chung trên truyền hình, ông Eslami nêu rõ Tehran quyết tâm giải quyết các vấn đề kỹ thuật với IAEA mà không "chính trị hóa vấn đề này".    

Theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, Iran đồng ý hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.

Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019. Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận. Hiện các bên đang thúc đẩy đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận này. Dự kiến Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nha sẽ tham gia vòng đàm phán sắp tới ở Vienna ngày 29/11, trong khi Mỹ sẽ tham gia gián tiếp.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Mỹ cảnh báo Iran về thỏa thuận hạt nhân
Mỹ cảnh báo Iran về thỏa thuận hạt nhân

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley ngày 19/11 cảnh báo rằng Tehran đang tiệm cận ngưỡng "không thể quay trở lại" để khôi phục thỏa thuận hạt nhân (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) sau khi nước này tăng cường dự trữ urani làm giàu trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc về việc khôi phục JCPOA dự kiến nối lại vào ngày 29/11 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN