Triển vọng, thách thức khi Trung Quốc và Nga mở rộng hợp tác tại Bắc Cực

Trong thời gian gần đây, hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đã mở rộng đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng vận tải qua Bắc Cực.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ đặt ky tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Leningrad tại nhà máy đóng tàu Baltic ở St. Petersburg, ngày 26/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Một trong những bước tiến quan trọng trong quá trình này là khai trương tuyến đường "Arctic Express" vào tháng 7 vừa qua, một phần trong dự án phát triển chung "Con đường tơ lụa trên băng". Đây là một sáng kiến nhằm tạo ra tuyến đường ngắn nhất từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, đi qua Bắc Cực. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước mà còn có những tác động chiến lược quan trọng đối với tình hình địa chính trị toàn cầu.

Trước bối cảnh đó, Trung Quốc ngày càng nhận thấy tầm quan trọng chiến lược trong việc tham gia vào quá trình phát triển và bảo vệ Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của Nga. NSR không chỉ bổ sung cho Sáng kiến Vành đai và Con đường mà còn giúp Trung Quốc đa dạng hóa các tuyến vận tải, giảm bớt phụ thuộc vào các tuyến đường truyền thống qua Biển Đông và các khu vực có xung đột tiềm ẩn. Việc tham gia vào phát triển NSR cũng cho phép Trung Quốc bảo đảm ổn định của các tuyến thương mại quan trọng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và quanh Đài Loan.

Việc khai trương "Arctic Express" đã nhận được sự ủng hộ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nga, Liên minh Doanh nhân Trung Quốc tại Nga và các chính quyền địa phương ở Moskva và Arkhangelsk. Tuyến đường này giúp rút ngắn thời gian giao hàng từ Moskva đến các cảng Trung Quốc xuống từ 35 đến 55%, cho phép vận chuyển hơn 20.000 TEU ( đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn) hàng hóa mỗi năm. Sự hỗ trợ này phản ánh cam kết của Trung Quốc trong việc phát triển tuyến đường chiến lược trên, đồng thời gia tăng sức mạnh thương mại và chính trị của Bắc Kinh trong khu vực.

Nga hiện đang tích cực mở rộng NSR với sự hỗ trợ của Rosatom, công ty độc quyền năng lượng hạt nhân và đơn vị vận hành NSR. Tuy nhiên, việc phát triển tuyến đường này không hề dễ dàng. Các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đã gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với ngành đóng tàu và khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến đường. Ngoài ra, sự mở rộng này còn làm tăng tính dễ bị tổn thương của NSR trước các quốc gia ven biển NATO, bao gồm Estonia, Latvia, Litva và các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, và Na Uy.

Một yếu tố khác cần lưu ý là việc mở rộng NSR có thể làm gia tăng các điểm yếu trên biển của Nga, đặc biệt khi các tàu phải đi qua gần vùng biển ven bờ của các quốc gia thành viên NATO. Điều này có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh hàng hải của Nga và buộc Moskva phải xem xét các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích của mình.

Hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục, với thương mại song phương đạt trên 240 tỷ USD vào năm 2023, tăng 26,3% so với năm trước. Điều này phản ánh sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nền kinh tế, đặc biệt khi Nga đang tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Sự phát triển của NSR và Arctic Express là một minh chứng rõ ràng cho sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại Nga-Trung, khi Nga tập trung nhiều hơn vào Bắc Cực, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu từ miền Trung và Tây Bắc của Nga tiếp cận trực tiếp với thị trường Trung Quốc mà không cần quá cảnh qua các nước thứ ba.

Tóm lại, sự hợp tác mở rộng giữa Nga và Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng vận tải Bắc Cực, đặc biệt là với dự án Arctic Express, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thay đổi cán cân thương mại và chiến lược toàn cầu. Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến Nga và Trung Quốc mà còn tác động mạnh mẽ đến các quốc gia khác.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo jamestown.org)
Nguy cơ xảy ra xung đột vì chiến lược mới của Mỹ ở Bắc Cực
Nguy cơ xảy ra xung đột vì chiến lược mới của Mỹ ở Bắc Cực

Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Bắc Cực mới, tuyên bố rằng tình hình trong khu vực đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời gọi Trung Quốc là “thách thức đang gia tăng” và Nga là “mối đe dọa cấp tính”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN