Theo hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 23/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Bắc Cực mới, nhấn mạnh rằng giữa những thay đổi về địa chính trị và khí hậu, Bắc Cực đang trở thành khu vực đối đầu chiến lược với Washington.
Lầu Năm Góc cho biết: "Những thay đổi lớn về địa chính trị đang thúc đẩy nhu cầu về cách tiếp cận chiến lược mới này đối với Bắc Cực".
Theo chiến lược, những thay đổi này bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.
Chiến lược nêu rõ: "Khu vực ngày càng dễ tiếp cận này đang trở thành địa điểm cho sự cạnh tranh chiến lược và Mỹ phải sẵn sàng ứng phó với thách thức cùng với các đồng minh và đối tác". Những thay đổi này báo hiệu một môi trường an ninh Bắc Cực mới và năng động hơn, có khả năng làm thay đổi sự ổn định và tạo ra những mối đe dọa mới.
Mục tiêu của chiến lược mới là "duy trì sự ổn định ở khu vực Bắc Cực, bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ". Chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh việc tăng cường năng lực ở Bắc Cực, thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và đối tác, và thực hiện các cuộc tập trận để nâng cao khả năng sẵn sàng cho các hoạt động.
Chiến lược cũng nhấn mạnh rằng Mỹ cần tăng cường sức mạnh và đầu tư vào việc chia sẻ thông tin và tình báo với các đồng minh nhằm cải thiện hiểu biết về môi trường hoạt động và tăng cường quản lý rủi ro. Lầu Năm Góc dự định hợp tác với các đồng minh và đối tác, cũng như chính quyền địa phương và ngành công nghiệp, để cung cấp khả năng răn đe tích hợp và tăng cường an ninh chung.
Mỹ cũng đề cập đến việc duy trì sự hiện diện ở Bắc Cực thông qua huấn luyện độc lập và hợp tác với các đồng minh để chứng minh khả năng tương tác.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn thông báo của Lầu Năm Góc cho biết, Nga và Trung Quốc ngày càng hợp tác nhiều hơn ở Bắc Cực. Nga đã mở lại hàng trăm địa điểm quân sự từ thời Liên Xô ở Bắc Cực, trong khi Trung Quốc tự mô tả là một quốc gia "gần Bắc Cực" và có tham vọng xây dựng "Con đường tơ lụa Bắc Cực". Trung Quốc đang quan tâm đến các nguồn tài nguyên khoáng sản và các tuyến đường vận chuyển mới khi băng tan do nhiệt độ tăng.
Các tuyến đường biển Bắc Cực ngày càng được sử dụng nhiều hơn để kết nối các nền kinh tế lớn trên khắp Thái Bình Dương và Đại Tây Dương khi các khối băng co lại và thời gian không có băng kéo dài do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trung Quốc và Nga đã hợp tác phát triển các tuyến vận chuyển qua Bắc Cực khi Moskva tìm cách cung cấp nhiều dầu và khí đốt hơn cho Bắc Kinh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây, trong khi Trung Quốc tìm kiếm tuyến vận chuyển thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Eo biển Malacca.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ: "Trung Quốc đã tham gia vào các vấn đề Bắc Cực theo các nguyên tắc tôn trọng, hợp tác cùng có lợi và phát triển bền vững, đồng thời tăng cường hợp tác với các bên để duy trì hòa bình và ổn định".
Các học giả an ninh và tùy viên quân sự khu vực cho biết sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các tuyến đường vận chuyển qua Ấn Độ Dương được coi là điểm yếu chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt là trong trường hợp căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Báo cáo của Lầu Năm Góc xác định rằng Trung Quốc đang tìm cách tận dụng những thay đổi ở Bắc Cực để theo đuổi ảnh hưởng và quyền tiếp cận lớn hơn, khai thác các nguồn tài nguyên và đóng vai trò lớn hơn trong việc quản lý khu vực.
Trong tháng này, Mỹ, Canada và Phần Lan sẽ thành lập một liên doanh để đóng tàu phá băng, nhằm tăng cường hoạt động đóng tàu của các nước đồng minh, cũng như đối trọng với Nga và Trung Quốc ở các vùng ngày càng mang tính chiến lược này. Thỏa thuận trên, dự kiến ký vào cuối năm nay, sẽ tập hợp nhu cầu từ các đồng minh để mở rộng năng lực đóng tàu, gửi thông điệp tới Nga và Trung Quốc.