Dẫn một tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly, trang tin Bloomberg ngày 11/6 đưa tin chính phủ Canada đang sẵn sàng công bố một chiến lược Bắc Cực mới nhằm ứng phó với những gì mà họ cho là mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga trong khu vực.
Theo bà Melanie, Canada sở hữu diện tích tại khu vực Bắc Cực lớn thứ hai trên thế giới sau Nga, nhưng hiện diện của nước này tại đây nếu so về mặt dân số, quân sự và cơ sở hạ tầng lại ít hơn nhiều so với Moskva. Chính vì vậy, khi tinh hình địa chính trị ở Bắc Cực thay đổi nhanh chóng, Canada cần hành động.
“Chúng ta cần đánh giá lại chúng ta không còn ở trong điều kiện 'Bắc cực cao, căng thẳng thấp’, vốn là chính sách đối ngoại của Canada trong một thời gian dài và của Hội đồng Bắc Cực”, bà Melanie lưu ý.
Chính sách “Bắc Cực cao, căng thẳng thấp” vốn dựa trên mối quan hệ tương đối bình lặng và hợp tác giữa 8 quốc gia thành viên của Hội đồng Bắc Cực trong những thập kỷ gần đây.
Nữ ngoại trưởng Canada tiết lộ rằng tài liệu chính sách sắp tới sẽ ảnh hưởng phần nào từ việc Thụy Điển và Phần Lan đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho phép các nước này xây dựng “kiến trúc an ninh” mạnh mẽ hơn ở Bắc Cực.
Thông báo này được đưa ra hai tháng sau khi Bộ Quốc phòng Canada công bố bản cập nhật chính sách quốc phòng, trong đó nhấn mạnh rằng nhiệm vụ cấp bách nhất đối với Canada là khẳng định chủ quyền ở các khu vực phía Bắc và Bắc Cực.
“Chúng tôi không coi Canada là một mối đe dọa ở Bắc Cực, nhưng rõ ràng là sẽ phải tính đến khả năng thay đổi chính sách của Ottawa, cũng như sự phối hợp và lập kế hoạch chung với Mỹ và trong NATO về vấn đề này. Nếu nội các của Thủ tướng Trudeau có quan điểm đối đầu với Nga ở Bắc Cực, thì trước hết, điều đó sẽ gây bất lợi cho an ninh của Canada", Đại sứ Nga tại Ottawa Oleg Stepanov trả lời hãng tin Sputnik ngày 12/6.
Theo ông Stepanov, sự thay đổi như vậy sẽ phản ánh một chính sách bất lợi cho Canada khi vô tình đối đầu với một nước láng giềng vốn là một cường quốc quân sự lớn như Nga.
Từ lâu, Bắc Cực đã trở thành một khu vực gây tranh cãi. Theo nhà ngoại giao Nga, Moskva vẫn luôn duy trì quan điểm tìm cách tránh bất kỳ hành động quân sự hóa nào trong khu vực. “Bất kỳ nỗ lực nào của NATO nhằm mở rộng lực lượng tới Bắc Cực sẽ gặp phải phản ứng quân sự thích đáng từ Nga”, Đại sứ Stepanov nhấn mạnh.
Nga nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc NATO gia tăng các hoạt động quân sự ở Bắc Cực, cho rằng các hoạt động này làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột ngoài ý muốn trong khu vực. Nga cũng từng gợi ý khả năng rút khỏi Hội đồng Bắc Cực nếu hoạt động của cơ quan này không đáp ứng được lợi ích của mình.