Khu đất này rộng 15.000 mẫu Anh (hơn 6000 hecta) nằm giữa Na Uy và Bắc Cực. Nó nằm ở trung tâm của một vùng hoang dã nguyên sơ, nơi đã gây ra tranh luận về biến đổi khí hậu và là tâm điểm căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc toàn cầu đang mong muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực, theo mạng tin Euronews mới đây.
Vùng đất được rao bán có tên Søre Fagerfeld, nằm ở Wedel Jarlsberg, phía Tây Svalbard, được công nhận trong Hiệp ước Svalbard, ký năm 1920. Tất cả tài sản khác trên Svalbard đều thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của Na Uy hoặc Nga.
Đây là mảnh đất thuộc sở hữu tư nhân cuối cùng còn sót lại trên quần đảo Svalbard của Na Uy và có tầm quan trọng đáng kể về môi trường, khoa học và kinh tế, đang được rao bán với giá 300 triệu euro. Will Matthews, Giám đốc Trang trại & Bất động sản tại Knight Frank nói với Euronews Business: “Đây là cơ hội có một không hai trong đời để mua mảnh đất trên một trong những hòn đảo Svalbard nổi tiếng thế giới”.
Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank, nơi đang tiếp thị về mảnh đất, cho biết đây là "cơ hội bảo tồn, từ thiện và môi trường độc đáo". “Người bán sẽ bán cho người trả giá cao nhất”, Per Kyllingstad, luật sư đại diện cho người bán nói với Bloomberg.
Vùng đất có vị trí chiến lược và có lợi ích địa chính trị
Sự cạnh tranh địa chính trị trong khu vực giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc là rõ ràng, trong bối cảnh Nga đã gia tăng các hoạt động quân sự ở Bắc Cực. Vận chuyển thương mại qua Bắc Cực cũng có sự gia tăng đáng kể. Băng biển đang tan dần, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, mở ra khả năng khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn như dầu, khí đốt và các mỏ khoáng sản ở Bắc Cực.
Svalbard cũng có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt vì nó về cơ bản là cửa ngõ vào Bắc Cực. Đây là nơi lý tưởng để kiểm soát các tuyến hàng hải và giao thông hàng không ở Bắc Băng Dương. Hiện có gần 3.000 người sinh sống trên chín hòn đảo chính của Svalbard, nơi có trường đại học tư (UNIS) và nổi tiếng với khu vườn ươm hạt giống toàn cầu Svalbard.
Trước đây, khu vực này phụ thuộc chủ yếu vào ngành than đá, nhưng ngày nay nghiên cứu, tải dữ liệu vệ tinh và du lịch cũng đã trở thành những ngành bổ sung quan trọng.
Theo Bloomberg, tranh cãi đã nổ ra vào năm 2014 khi một chủ sở hữu tư nhân nắm giữ đất khai thác than trong khu vực nhận được lời đề nghị từ một người mua Trung Quốc, nhưng nhà nước Na Uy đã quyết định mua lại.
Nằm giữa bờ biển phía bắc của Na Uy và Bắc Cực ở Bắc Băng Dương, khoảng 60% quần đảo được bao phủ bởi sông băng. Quần đảo có nhiều núi và vịnh hẹp, với khí hậu Bắc Cực, mặc dù có nhiệt độ cao hơn đáng kể so với các khu vực khác ở cùng vĩ độ.
Svalbard là nơi sinh sản của nhiều loài chim biển và là nơi sinh sống của gấu Bắc Cực, tuần lộc, cáo Bắc Cực và một số động vật có vú ở biển. Quần đảo có ánh sáng mặt trời 24 giờ từ ngày 20/4 đến ngày 22/8 hàng năm. Bảy công viên quốc gia và 23 khu bảo tồn thiên nhiên bao phủ 2/3 quần đảo.
Hạn chế duy nhất về việc ai có thể mua là người đó phải đến từ một quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước Svalbard. Theo Wikipedia, có gần 50 quốc gia phê chuẩn trên toàn cầu, bao gồm cả Nga và Trung Quốc.
Will Matthews từ Knight Frank nói với Euronews: “Chúng tôi hiện đang nói chuyện với một nhóm khách hàng có giá trị ròng cực cao trên toàn cầu, những người đều có niềm đam mê bảo tồn và hoạt động từ thiện. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm những người bảo vệ tiếp theo cho vùng đất xinh đẹp này, với các phương tiện để hành động chống lại các yếu tố môi trường rộng lớn hơn đang diễn ra, bảo vệ hệ động thực vật đa dạng vốn coi mảnh đất này là nhà”.