Tổng thống Trump càng ngăn cản, người di cư đổ về Mỹ càng nhiều

Bất chấp áp dụng đủ chính sách hạn chế người muốn di cư vào Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng không thể nào giảm được lượng người di cư, thậm chí còn đẩy số tăng lên các mức kỷ lục mới.

Chính sách của Tổng thống Trump

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump luôn áp dụng chính sách cứng rắn với người di cư. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về nhập cư lúc nào cũng cứng rắn. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông cam kết xây bức tường dọc toàn bộ biên giới phía Nam, trục xuất toàn bộ người nhập cư không giấy tờ và hạn chế nhập cư hợp pháp, thậm chí còn đề xuất cấm người Hồi giáo vào Mỹ.

Hiện tại, Tổng thống Trump chưa thể thực hiện hoàn chỉnh bất kỳ lời hứa nào, nhưng chính quyền của ông đã coi an ninh biên giới và thực thi pháp luật về vấn đề nhập cư là hai ưu tiên hàng đầu. Mỹ đã tăng cường bắt giữ, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, hành động mạnh mẽ để loại bỏ những lỗ hổng trong luật cho phép người bị bắt ở biên giới xin tị nạn. Mới đây, ngày 15/7, Mỹ thông báo quy định mới cấm người di cư xin tị nạn ở Mỹ nếu đã đi qua nước thứ ba bằng đường bộ. Quy định này sẽ ngăn người từ Guatemala, Honduras và El Salvador xin tị nạn ở Mỹ.

Theo tờ Foreign Affairs, một thời gian ngắn sau khi đắc cử tổng thống, quan điểm và đề xuất chính sách của ông Trump dường như đã làm nhụt chí những người có ý định di cư tới Mỹ. Năm 2017, các vụ bắt giữ tại biên giới Tây Nam đạt mức thấp kỷ lục trong 40 năm. 

Tuy nhiên, hiệu ứng mà Tổng thống Trump tạo ra không kéo dài. Tới mùa Đông 2018, số người tới biên giới Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại. Các vụ bắt giữ đã tăng mạnh từ đó, đạt kỷ lục cao nhất trong 13 năm: 133.000 người bị bắt trong tháng 5.

Tại sao lại có sự thay đổi này? Theo tờ Foreign Affairs, những gì Tổng thống Trump nói về tình trạng biên giới Mỹ bị “xâm chiếm” đã vô tình khiến những người di cư thấy vào Mỹ dễ dàng như thế nào.

Hơn nữa, những người ban đầu hoãn kế hoạch di cư sau cuộc bầu cử có thể thấy rằng mặc dù Tổng thống Trump gây áp lực với việc nhập cư nhưng những động thái khắc nghiệt nhất sẽ chưa xảy ra ngay. Do đó, họ cảm thấy cần phải khẩn trương tranh thủ thời gian di cư trước khi điều kiện trở nên khắc nghiệt hơn.

Mặc dù đa số người di cư bị bắt ở biên giới Mexico-Mỹ vẫn là người Trung Mỹ và họ bị chú ý nhiều nhất, nhưng ngày càng nhiều người di cư tới từ các khu vực khác, chủ yếu là châu Á và châu Phi.

Người di cừ từ những khu vực này giờ chiếm 8% tổng số người bị bắt ở biên giới, tăng so với 1% cách đây 10 năm. 

Gần như chắc chắn rằng quan điểm và chính sách của Tổng thống Trump đã đóng một vai trò quan trọng trong thu hút người di cứ tới Mỹ - những người ban đầu có thể không cân nhắc con đường này.

Khủng hoảng chưa từng có tiền lệ

Chú thích ảnh
Cuộc khủng hoảng ở biên giới Mỹ-Mexico là chưa từng có tiền lệ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khủng hoảng ở biên giới Mỹ-Mexico là chưa từng có tiền lệ, nhưng không phải là vì số người di cư tới đó. Trong phần lớn những năm 1990 và đầu những năm 2000, Cơ quan Bảo vệ Biên giới Mỹ đã bắt trên 100.000 người di cư mỗi tháng. Điều chưa từng có tiền lệ trong cuộc khủng hoảng hiện nay là tính dễ bị tổn thương của những người mới đến.

Trước đây, gần như tất cả người di cư là người Mexico và phần lớn là đàn ông trưởng thành đi một mình, gần như không ai xin tị nạn. Ngày nay, gần 2/3 những người tới biên giới là các gia đình hoặc trẻ em không có người lớn đi kèm, chỉ chưa đầy 1/5 là người Mexico. Gần như tất cả người di cư này đều xin tị nạn khi tới biên giới.

Vấn đề nằm ở chỗ: Khi họ đã xin tị nạn, sự quá tải trong hệ thống xét đơn tị nạn cho phép họ có thể ở Mỹ hàng năm trời và thực tế này càng khuyến khích nhiều người tới hơn nữa.

Chính quyền Mỹ đã đối phó với tình hình này bằng nhiều biện pháp cứng rắn, sâu rộng nhưng không thành công. Trong mùa Xuân 2018, Lực lượng Bảo vệ Biên giới Mỹ đã chia cách hàng nghìn gia đình, truy tố bố mẹ vì vào Mỹ bất hợp pháp và đưa con cái họ tới trại trú ẩn. Sau khi bị quốc tế phản đối, Tổng thống Trump đã hủy bỏ chính sách chia rẽ này sau chưa đầy hai tháng thực hiện.

Chuyện người di cư bị đối xử tồi tệ không còn là chuyện bí mật. Hình ảnh trẻ em bị nhốt trong chuồng lan đi khắp thế giới cùng với những câu chuyện về người di cư chết khi bị giam giữ ở Mỹ trong điều kiện kinh hoàng. 

Tuy nhiên, những hình ảnh này không ngăn cản người có ý định di cư vì họ nhìn thấy cơ hội. Thị trường lao động Mỹ đang mạnh nhất trong nhiều chục năm qua. Kể cả những người ở Mỹ bất hợp pháp cũng dễ dàng tìm việc làm. Đây là thông điệp mà những người nhập cư đã ở Mỹ nhắn nhủ bạn bè, họ hàng ở quê nhà.

Người di cư tới biên giới Mỹ-Mexico từ các nước bên ngoài vùng Trung Mỹ vẫn là thiểu số nhưng số lượng đang tăng nhanh. Sau 9 tháng năm tài chính 2019, số người di cư bị bắt là 53.000 người và họ không tới từ những nước như Mexico, El Salvador, Guatemala và Honduras. Con số này tăng so với 20.000 trong cả năm 2018 và và 10.000 năm 2017.

Tìm tuyến đường mới

Chú thích ảnh
Người di cư tìm mọi cách để tới Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một trong những xu hướng bất ngờ nhất năm nay là số người tới từ châu Phi tăng. Năm 2018, chỉ 225 người châu Phi bị bắt tại biên giới Mỹ-Mexico. Năm nay, trên 700 người châu Phi bị bắt chỉ tại một cửa khẩu ở Del Rio, bang Texas. Phần lớn đến từ Cộng hòa Congo hoặc Angola. Họ đi theo đường dẫn tới San Antonio hoặc Portland ở Maine. 

Những người di cư này đang hình thành xu hướng mới nhất có thể ảnh hưởng tới Mỹ trong nhiều năm tới. Do dân số và tỷ lệ đói nghèo tăng nhanh, châu Phi sẽ là nơi có nhiều người di cư nhất trong những thập kỷ tới. Xung đột ở Nam Sudan, Bắc Nigeria và Burundi đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa trong những năm gần đây.

Dù đa số người di cư châu Phi ở lại các nước láng giềng nhưng ngày càng nhiều người tìm cách rời châu lục này. Hàng trăm nghìn người đã hướng tới Đức, Thụy Điển và các nước châu Âu khác trong đỉnh điểm khủng hoảng di cư và tị nạn năm 2015-2016.  

Tuy nhiên, tuyến đường chính xuyên Địa Trung Hải bị chặn sau khi châu Âu áp dụng chính sách ngăn chặn vượt biển bằng thuyền. Khi tuyến đường này bị chặn, người di cư châu Phi hướng sang các nơi khác, trong đó có Mỹ.

Tại Mỹ, các cộng đồng người nhập cư châu Phi tồn tại từ lâu ở các thành phố như Houston, Minneapolis và New York. Các cộng đồng này ngày càng gia tăng số lượng trong những thập kỷ gần đây. 

Sau khi lên làm tổng thống, ông Trump đã cắt giảm ngân sách cho chương trình tái định cư người tị nạn, khiến ngày càng ít nơi được dành cho người tị nạn. 

Tuy nhiên, lần đầu tiên, một số lượng lớn người châu Phi lựa chọn hành trình dài, gian khó và tốn kém đi xuyên Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mexico để tới Mỹ. Nhiều người chi hàng nghìn đô la bay tới Brazil, Ecuador và Peru và từ đây tới El Salvador hoặc Honduras để gia nhập dòng người ở Trung Mỹ Bắc tiến.

Giải pháp nào cho Mỹ?

Chú thích ảnh
Chỉ có cách hợp tác với các nước trong khu vực, Mỹ mới giải quyết được khủng hoảng di cư. Ảnh: AFP/TTXVN

Dòng người di cư từ châu Phi và châu Á tới biên giới Mỹ-Mexico sẽ không giảm trong tương lai gần.

Trước đây, Mỹ không bị ảnh hưởng bởi áp lực khủng hoảng di cư và nhân đạo do vị trí địa lý. Nhưng khi người di cư tìm được đường mới để thích nghi với thay đổi chính sách, Mỹ không còn tránh được điều đó.

Số người di cư chọn tới Mỹ trong những năm tới sẽ phụ thuộc và chính sách của Mỹ và khu vực. Nếu chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục chính sách cứng rắn nhưng bất nhất, ngày càng nhiều người từ khắp nơi trên thế giới sẽ có thể tiếp tục kéo tới biên giới phía Nam. 

Nếu Mỹ bớt cứng rắn, cải cách hệ thống tị nạn để giảm yếu tố thu hút người di cư, hợp tác với các chính phủ ở Mexico và Trung Mỹ, Mỹ sẽ có thể kiểm soát tốt hơn vấn đề nhập cư qua khu vực.

Về lâu dài, Mỹ phải cùng các nước giàu có khác đầu tư vào quản trị, an ninh, và phát triển kinh tế trong khu vực như Trung Mỹ và Trung Phi. Rút viện trợ phát triển và nhân đạo ở những nơi này sẽ có rủi ro làm người dân ở đây có thêm động lực di cư. Nếu tiếp tục theo đuổi chính sách đơn phương thay vì hợp tác, Mỹ sẽ tốn tiền gấp bội cho việc thực thi pháp luật ở biên giới.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Trump áp chính sách tị nạn mới, hàng chục nghìn người lao đao
Tổng thống Trump áp chính sách tị nạn mới, hàng chục nghìn người lao đao

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 15/7 đã có thay đổi lớn trong chính sách nhập cư, cụ thể là đưa ra những quy định mới về tị nạn dự kiến tác động tới rất nhiều người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN