Sửa luật ngăn Tổng thống Trump tấn công quân sự Iran, phe Dân chủ có đi tới cùng được không?

Một liên minh các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ đã đạt một bước tiến lớn trong việc kiềm chế Tổng thống Trump phát động cuộc chiến với Iran, tuy nhiên động thái này sẽ vấp phải sự kháng cự lớn từ phe Cộng hoà ở Thượng viện.

Chú thích ảnh
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge trên Biển Đỏ vào ngày 17/5/2019. Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters 

Các nhà lập pháp tại Hạ viện ngày 12/7 đã thông qua hai sửa đổi đối với ngân sách quốc phòng hơn 730 tỷ USD, qua đó ngăn Tổng thống phát động chiến tranh với Iran mà không có sự chấp thuận của Quốc hội, và đồng thời kiểm soát mối quan hệ của Nhà Trắng với Saudi Arabia, một liên minh mà chính quyền lâu nay sử dụng trong căng thẳng với Iran.

Những sửa đổi trên đã được thông qua trong bối cảnh các nhà lập pháp ngày càng lo ngại việc nhánh hành pháp nắm giữ quá nhiều quyền lực trong các quyết định của Mỹ liên quan tới chiến tranh.

Tuy nhiên theo tờ Vox, họ sẽ chứng kiến ​​sự kháng cự lớn từ các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện, những người cho đến nay phần lớn ủng hộ việc trao cho Tổng thống Trump quyền hạn chiến tranh không thay đổi trong vấn đề Iran.

Xem tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln hoạt động ở Biển Đỏ giữa căng thẳng với Iran (Nguồn: BBC)

Sau bước đi trên, nhà lãnh đạo Mỹ đã đe dọa phủ quyết phiên bản Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) của Hạ viện. Trước đó, Nhà Trắng đã yêu cầu 750 tỷ USD cho ngân sách Lầu Năm Góc - một con số mà phe Cộng hòa Thượng viện thông qua vào cuối tháng trước. Điều này nói lên rằng dự luật quốc phòng được coi là việc cần làm trong Quốc hội, nó đã được thông qua bất chấp sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng.

Việc thông qua sửa đổi luật ngân sách nhằm kiềm chế chiến tranh với Iran được cho là một chiến thắng lớn với các nhà hoạt động phanr chiến trong việc giành được đòn bẩy đàm phán khi các nhà lập pháp Hạ viện và Thượng viện tranh luận để đi đến một ngân sách quốc phòng chung cuộc.

“Đây là cách duy nhất để ngăn Tổng thống Trump bắt đầu một cuộc chiến tốn kém khác”, nghị sĩ Cộng hoà Ro Khanna, người tham gia đề xuất sửa đổi luật, tuyên bố.

Chú thích ảnh
Trực thăng MH-60S Sea Hawk trên tàu sân bay Abraham Lincoln ở Biển Đỏ ngày 10/5/2019. Ảnh: Reuters

Hạ viện Mỹ cố gắng ngăn chặn chiến tranh với Iran ra sao?

Trong nhiều tháng qua, giới lập pháp và các nhà hoạt động tiến bộ đã tính toán bước tiếp theo của họ để buộc Tổng thống Trump phải có trách nhiệm ở Trung Đông. Chiến lược của họ là “trói tay” Tổng thống bằng cách sử dụng NDAA - một dự luật ngân sách quân sự khổng lồ mà các tổng thống thường không muốn phủ quyết.

Có hai sửa đổi sẽ đặt trách nhiệm lên Tổng thống Trump đối với Iran. Một, do nghị sĩ Ro Khanna và Matt Gaetz chủ trì soạn thảo, sẽ chặn cấp ngân sách cho bất kỳ cuộc chiến nào với Iran mà không được Quốc hội cho phép, và quy định rõ rằng các thẩm quyền chiến tranh hiện tại, mà Quốc hội đã thông qua sau ngày 11/9/2001 (ủy quyền hành động quân sự chống lại al-Qaeda và bất kỳ tổ chức liên quan nào), không phải là sự biện minh pháp lý cho một cuộc chiến với Iran.

Việc sửa đổi luật ngân sách vẫn duy trì quyền hạn của Tổng thống theo Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh, vốn cho phép tổng thống Mỹ phát động chiến tranh trong trường hợp khẩn cấp quốc gia, gây ra bởi một cuộc tấn công vào nước Mỹ, vào các vùng lãnh thổ, tài sản hoặc lực lượng vũ trang của Mỹ.

Khoảng trên 20 nghị sĩ đảng Cộng hòa - những người bảo thủ lo ngại về quyền lực chiến tranh của Quốc hội đang bị nhường lại cho nhánh hành pháp - đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi nói trên với tỉ lệ phiếu 250-170.

Thắng lợi của họ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng với Iran tiếp tục leo thang kể từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào năm 2018, rồi đỉnh điểm là vụ máy bay không người lái của quân đội Mỹ bị Iran bắn hạ, suýt dẫn đến một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào tháng trước.

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump giơ bản ghi nhớ về áp đặt trừng phạt Iran vào ngày 8/5/2018 sau khi ông tuyên bố rút Mỹ khỏi Thoả thuận hạt nhân 2015. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, những người Cộng hòa tại Thượng viện lại không ủng hộ biện pháp này. Một biện pháp tương tự từng được bỏ phiếu tại Thượng viện vào cuối tháng 6, và chỉ giành được sự ủng hộ của vỏn vẹn 4 thượng nghị sĩ Cộng hòa.

Sửa đổi thứ hai, cũng do Nghị sĩ Khanna đề xuất, yêu cầu quân đội Mỹ rút viện trợ cho cuộc chiến tranh do liên minh Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen, một cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trong khu vực.

Sửa đổi này phản ánh Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh được Quốc hội thông qua hồi tháng 4 năm nay, nhưng Tổng thống Trump đã phủ quyết, qua đó thể hiện cam kết của ông đối với liên minh lâu dài của Mỹ với Saudis Arabia – và cũng là mối quan hệ cá nhân của ông với Hoàng thái tử Mohammed bin Salman. Kể từ khi phủ quyết nghị quyết về quyền lực chiến tranh, ông Trump đã leo thang căng thẳng với Iran và bỏ qua Quốc hội để đơn phương ủy quyền bán 8 tỷ USD vũ khí cho Saudi Arabia và các đồng minh để đối phó Iran.

Trước khi đi tới các cuộc đàm phán cuối cùng về luật ngân sách quốc phòng, Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer phát biểu với tờ Vox rằng hai sửa đổi nói trên rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện, và cũng là một ưu tiên với họ. Bất đồng giữa hai viện Quốc hội về NDAA vốn đã rất căng thẳng, và việc thông qua sửa đổi trên sẽ còn khiến cuộc tranh luận về ngân sách quốc phòng càng “nóng” hơn, không chỉ về chi phí quân sự, mà còn về sự cân bằng quyền lực giữa Quốc hội và Tổng thống trong các vấn đề chiến tranh.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hạ viện Mỹ ngăn chặn Tổng thống Trump phát động chiến tranh với Iran 
Hạ viện Mỹ ngăn chặn Tổng thống Trump phát động chiến tranh với Iran 

Ngày 12/7, với 251 phiếu thuận và 170 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã thông qua một nội dung sửa đổi trong một dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2020 nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump triển khai biện pháp quân sự nhằm vào Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN