Mỹ chật vật xây dựng một liên minh Arab chống Iran

Trước đề xuất của Mỹ hình thành lực lượng đa quốc gia tuần tra vùng biển chiến lược gần Iran và Yemen, đến thời điểm hiện tại chưa có quốc gia nào đồng ý gia nhập.

Chú thích ảnh
Tàu sân bay USS Stennis của Mỹ trên đường tới Vịnh Ba Tư. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo Massoud Shadjareh, người sáng lập Ủy ban Nhân quyền Hồi giáo có trụ sở tại London (Anh),  đề xuất của Mỹ sẽ cho phép liên minh đảm nhiệm việc tuần tra Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz cũng như Eo biển Bab al-Mandab ngăn cách Yemen và châu Phi.

“Chúng tôi đề nghị một vài quốc gia xem xét liệu có thể hình thành một liên minh đảm bảo tự do hàng hải tại Eo biển Hormuz và Bab al-Mandab hay không. Tôi nghĩ trong một vài tuần tới, chúng tôi sẽ biết quốc gia nào ủng hộ sáng kiến đó, và chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với quân đội nước đó để đánh giá năng lực cụ thể”, Tướng Joseph Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - tuyên bố hôm 9/7.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dường như chưa có quốc gia nào trong khu vực bày tỏ sự ủng hộ. “Thật sự là một tình huống rối bời. Xét về chính trị, không có quốc gia nào sẵn sàng tham gia. Họ không thấy sự khẩn thiết mà chính quyền Tổng thống Trump đang yêu cầu. Và thậm chí nhìn vào những gì Tổng thống Trump gợi ý, đó cũng không phải là một điều cần ngay lập tức. Rõ ràng không có gì khẩn cấp ở đây. Chưa ai sẵn lòng tham gia kế hoạch đó”, ông Shadjareh lý giải.

Theo ông Shadjareh, đến ngay cả chính bản thân Mỹ cũng không sẵn sàng tham gia kế hoạch.

“Tất cả những gì họ nói là sẽ hợp tác và các quốc gia khác nên tham gia”, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Hồi giáo lưu ý kế hoạch dường như được đề xuất nhắm tới các quốc gia vùng Vịnh Arab thay vì Liên minh châu Âu.

Ngày 8/7, một quan chức cấp cao tiết lộ Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã cắt giảm lực lượng quân sự tại Yemen khi trước đó quốc gia này cung cấp quân tới đây để hỗ trợ cho liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu được Mỹ hậu thuẫn đối phó với phiến quân Houthi.

Cùng ngày, Tổng thống Trump đăng một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter cảnh báo tăng “đáng kể” trừng phạt Iran, cáo buộc quốc gia Trung Đông này vi phạm thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Teharan ký năm 2015.

“Tôi nghĩ, mọi người đều nhất trí rằng các biện pháp trừng phạt không có hiệu quả. Hành động khiến Iran quỳ gối cũng không đem lại kết quả và chính sách đó còn phản tác dụng, chính sách bắt nạt cũng phản tác dụng và thật không may… những hành động này đang nói cho chúng ta rằng Mỹ chưa nghĩ ra thêm kế hoạch nào khác trong việc xử lý Iran”, ông Shadjareh nhận định.

Hiện các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ vẫn duy trì hoạt động thương mại với Iran, trong khi các quốc gia châu Âu có phần  mắc kẹt trong căng thẳng leo thang giữa Tehran và Washington. “Một mặt, họ muốn tiếp tục quan hệ thương mại với Iran. Mặt khác, họ lo sợ tương lại sẽ lĩnh đòn trừng phạt thứ cấp, lo Mỹ trừng phạt”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran bùng phát từ tháng 5/2018 sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Lãnh đạo Iran nhiều lần tuyên bố "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, với mục đích yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa đưa ra được biện pháp hữu hiệu nào để giúp Iran. Với cơ chế Hỗ trợ trao đổi thương mại của châu Âu (INSTEX) mới được triển khai, Iran cho rằng nỗ lực của châu Âu vẫn là chưa đủ hỗ trợ kinh tế như Tehran mong muốn.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Mỹ 'dọa' tăng trừng phạt nhưng vẫn sẵn sàng đàm phán với Iran
Mỹ 'dọa' tăng trừng phạt nhưng vẫn sẵn sàng đàm phán với Iran

Ngày 10/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Iran "âm thầm" làm giàu urani trong thời gian dài, đồng thời cảnh báo Washington sẽ sớm tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN