Kênh tin tức i24News dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết các quan chức của Mỹ và Iran tuần trước đã bí mật gặp mặt tại một khách sạn ở Erbil thuộc khu vực người Kurd của Iraq.
Dẫn đầu phái đoàn Iran là ông Hassan Khomenei, cháu trai cố Lãnh tụ Tối cao Ruhollah Khomenei, nhà lập quốc của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ngoài ra, bên phía Iran còn có mặt các thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhất là lực lượng Basij, và Đặc phái viên Iran tại Iraq Iraj Masjedi.
Trong thời gian đàm phán, các quan chức Mỹ lưu trú tại khách sạn nói trên ở Erbil. Nguồn tin không cho biết nội dung cũng như kết quả đàm phán giữa Mỹ và Iran tại đây.
Giới chức Mỹ chưa bình luận gì về thông tin nói trên.
Theo trang mạng www.israelnationalnews và báo Bưu điện Jerusalem của Israel, cuộc gặp được bí mật xúc tiến sau khi có thông tin về sự bất đồng quan điểm giữa lực lượng IRGC và giới chức hoạch định chính sách của Chính phủ Iran.
Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi tuyên bố ông sẽ cử các phái đoàn tới cả Washington và Tehran trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Quân đội Iran công bố kho vũ khí tối tân giữa lúc cẳng thẳng với Mỹ leo thang.
Trước đó, Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi cho biết Tehran và Washington có thể đàm phán, song chỉ khi Mỹ dỡ bỏ các trừng phạt và việc đàm phán được Đại giáo chủ Ali Khamenei chấp thuận.
Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời ông Alavi nêu rõ: "Việc tiến hành đàm phán với Mỹ có thể được Iran cân nhắc chỉ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ các trừng phạt và lãnh tụ tối cao của chúng ta cho phép tiến hành các cuộc đàm phán như vậy".
Cùng ngày 4/7, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Keyvan Khosravi cho rằng "chủ động chống trả" là cách ứng phó tốt nhất đối với những đe dọa của Tổng thống Trump liên quan các cam kết của Tehran trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015. Ông Khosravi nhấn mạnh rằng bằng việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, ông Trump đã làm tổn hại con đường ngoại giao và "cách ứng phó tốt nhất đối với tất cả các đe dọa là chủ động chống trả".
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định rằng Washington không muốn tìm kiếm chiến tranh với Iran, lặp lại các tuyên bố trước đó rằng nước này muốn tổ chức các cuộc đàm phán với Tehran. Tuy nhiên, quan chức Nhà Trắng cũng lưu ý rằng Mỹ sẽ không từ bỏ những nỗ lực nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Mặc dù nhấn mạnh Nhà Trắng mong muốn đạt được một giải pháp hòa bình đối với những bất đồng và xung đột với Iran, song Phó Tổng thống Pence cảnh báo Washington sẽ hành động mạnh, bao gồm giải pháp quân sự, nếu các lợi ích của Mỹ trong khu vực bị đe dọa.
Về phần mình, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Bolton khẳng định Mỹ sẽ duy trì việc gia tăng áp lực đối với Iran cho đến khi nước Cộng hòa Hồi giáo từ bỏ việc theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và chấm dứt các hoạt động mà Washington cáo buộc làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.
Quan hệ Mỹ-Iran trở nên căng thẳng đột ngột sau khi Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA ngày 8/5/2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu.
Sau đó đúng 1 năm, ngày 8/5/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran tạm dừng một phần cam kết về thỏa thuận hạt nhân và cho các bên tham gia thỏa thuận 2 tháng để quay trở lại thực hiện thỏa thuận.
Căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm sau vụ IRGC bắn rơi máy bay do thám chiến lược không người lái Global-Hawk BAMS-D của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6. Tehran cáo buộc máy bay Mỹ vi phạm không phận, trong khi phía Mỹ khẳng định chiếc máy bay bị bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận quốc tế.
Tổng thống Trump ngày 22/6 đã quyết định phát động một cuộc tấn công quân sự để trả đũa quốc gia Hồi giáo này, song rút lại quyết định vào phút chót, qua đó tạm tháo ngòi nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran. Thay vào đó, Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt Tehran, bao gồm các biện pháp nhằm vào Đại giáo chủ Khamenei, động thái khiến Iran tuyên bố đóng mọi khả năng đàm phán với Mỹ.