Chiến lược của Mỹ với Iran tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột khắp Trung Đông

Chính sách rời rạc của Washington trong vấn đề hạt nhân Iran không chỉ khiến quan hệ Mỹ-Iran căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột quân sự, mà còn gieo rắc oán giận khắp Trung Đông.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại cuộc họp nội các ở Tehran ngày 10/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của tờ Washington Post, minh chứng rõ nhất cho thấy sự bất nhất, không rõ ràng trong chiến lược Iran của Nhà Trắng được thể hiện qua một thông cáo báo chí công bố tuần trước: “Ngay cả trước khi có thỏa thuận hạt nhân, hầu như chắc chắn rằng Iran sẽ vi phạm các điều khoản”. Sau khi công bố thông cáo báo chí, Nhà trắng không giải thích tại sao một quốc gia lại có thể vi phạm điều khoản một thỏa thuận khi mà thỏa thuận đó còn chưa hình thành.

Đây không phải là ví dụ duy nhất cho thấy điểm bất hợp lý trong chiến lược Iran. Khi Tổng thống Donald Trump tháng trước thông báo hủy quyết định tấn công quân sự Iran vào phút chót, ông nói đó là vì ông biết rằng ước tính có 150 người dân Iran có thể sẽ thiệt mạng trong các vụ tấn công này. Thay vì tấn công, Tổng thống Trump đã tăng cường trừng phạt kinh tế chống Tehran. 

Theo ông Jeffrey Sachs, nhà kinh tế nghiên cứu ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt, các biện pháp trừng phạt Mỹ áp dụng đang gây ảnh hưởng to lớn và bóp nghẹt Iran. Ông nói: “Những biện pháp trừng phạt như vậy khiến số người chết ở Iran sẽ rất lớn. Với quy mô dân số Iran khoảng 81 triệu người, con số người chết vì bị Mỹ trừng phạt chắc chắn lớn hơn nhiều so với 150 người chết vì bị tấn công quân sự”.

Cần lưu ý rằng những người có thể thiệt mạng trong các cuộc tấn công quân sự phần lớn sẽ là binh lính Iran. Còn những người sẽ chết vì Iran bị trừng phạt lại là những em bé mới sinh, những bà mẹ, những cụ già, những người ốm yếu. Nghiên cứu chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt gây ra tình trạng khan hiếm thuốc men trên diện rộng. Những người phải chịu đựng nhiều nhất là những bệnh nhân đang điều trị ung thư, rối loạn máu, đa xơ cứng và các bệnh nghiêm trọng khác.

Viết trên tờ Washington Post, tác giả Fareed Zakaria nhấn mạnh: Chính quyền Mỹ đã tạo ra khủng hoảng nhân đạo ở Iran và khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông mà không có chiến lược giải quyết.

Thỏa thuận hạt nhân Iran đã buộc nước này cam kết sẽ không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân, chuyển ra nước ngoài 98% urani làm giàu, phá hủy lò phản ứng plutoni và đồng ý với các giới hạn làm giàu urani cũng như biện pháp thanh tra sâu rộng trong 10-25 năm. Các thanh sát viên quốc tế cũng như cơ quan tình báo nhiều nước đều xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận.

Vậy nhưng, khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, Tổng thống Trump đã cho phép Iran bắt đầu tránh xa các giới hạn trên. Ví dụ: Iran từng đồng ý tới năm 2030 sẽ không phát triển hơn 300kg urani làm giàu mức độ thấp. Iran đã giữ lượng urani trong giới hạn này từ năm 2015. Tuy nhiên, mới tuần trước, Iran đã tuyên bố vượt giới hạn, cho rằng động thái của mình là do tự Washington rút khỏi thỏa thuận đã ký.

Hành động của Mỹ với Iran cũng gây rạn nứt trong đồng minh phương Tây. Châu Âu từng ủng hộ mạnh mẽ chính sách Iran của Mỹ và sức ép chung mà châu Âu cùng Mỹ tạo ra đã có tác dụng tốt trong đưa Iran vào bàn đàm phán. Giờ đây, các nước châu Âu phản đối chính sách đơn phương của Tổng thống Trump với Iran và thậm chí còn nỗ lực thiết lập cơ chế thanh toán thay thế cho đồng đô la khi giao dịch với Iran.

Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông cảm nhận được điểm yếu của Iran và đang lợi dụng. Giới chức Israel đã nói riêng với các nhà ngoại giao phương Tây rằng họ có thể quyết định tấn công cơ sở hạt nhân hiện tại ở Iran trong tương lai gần. Saudi Arabia thì ăn mừng chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ và cũng theo đuổi chính sách chống Iran trên diện rộng, nhiều mặt trận.

Khi áp lực ngày càng siết chặt, Iran đã và sẽ tiếp tục phản ứng bằng những hành động tất yếu. Những hành động này lại sẽ khiến Saudi Arabia hay Mỹ đáp trả. Nói cách khác, Chính quyền Mỹ đã khiến căng thẳng khu vực leo thang mạnh mà không có kế hoạch hiệu quả để giải quyết.

Mỹ hy vọng Iran sẽ khuất phục và sẽ trở lại bàn đàm phán, chấp nhận một thỏa thuận chặt chẽ hơn thỏa thuận đã ký năm 2015. Theo tác giả Fareed Zakaria, điều đó có thể xảy ra nhưng khả năng dễ xảy ra hơn nhiều là cuộc chiến tranh lạnh trong khu vực Trung Đông sẽ căng thẳng hơn và rủi ro tính toán sai lầm hoặc rủi ro chiến tranh sẽ gia tăng.

Ngay cả khi Iran tạm thời nhượng bộ do bị dồn vào chân tường thì họ cũng sẽ không chịu như vậy lâu và sẽ tìm cách trả thù. Chính quyền Mỹ dường như quên rằng nền văn minh Iran đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông trong hàng nghìn năm. Dân số Iran gấp đôi Iraq và Iran có vị trí chiến lược. Iran có truyền thống dân tộc mạnh mẽ và có lịch sử chống các thế lực nước ngoài.

Theo nhận định của Washington Post, con đường tới ổn định ở Trung Đông không thể đi theo hướng bóp nghẹt Iran. Cách đó sẽ chỉ gieo rắc thù hận, bất mãn, tạo ra một khu vực bất ổn hơn và tại đó, Mỹ sẽ sa lầy trong hàng chục năm. Đáng buồn là đó lại chính là con đường Chính phủ Mỹ đang theo đuổi.

 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Căng thẳng Mỹ-Iran lên đỉnh điểm sẽ tác động thế nào đến giá dầu?
Căng thẳng Mỹ-Iran lên đỉnh điểm sẽ tác động thế nào đến giá dầu?

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ lên đến cao trào thì đây chính là thời điểm thích hợp để đánh giá về tác động của một cuộc chiến ở Vịnh Ba Tư lên giá dầu thế giới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN