Kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran, khiến Tehran có những động thái được cho là "ăn miếng, trả miếng", căng thẳng giữa hai bên liên tục leo thang và vòng xoáy đối đầu thực sự chưa có điểm dừng. Cho tới nay, cả Mỹ và Iran đều thể hiện quan điểm cứng rắn và chưa bên nào có dấu hiệu nhượng bộ.
Việc Iran tuyên bố từ ngày 7/7 bắt đầu làm giàu urani vượt mức tối đa cho phép 3,67% trong thỏa thuận hạt nhân, là bước đi đã được báo trước và có tính toán của Tehran, cho thấy sự kiên quyết của quốc gia Hồi giáo trong việc bảo vệ các lợi ích của mình. Trong vòng 1 năm kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận Iran vẫn tuân thủ các cam kết của nước này trong JCPOA. Tuy nhiên, căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran không được tháo gỡ khi Mỹ ngày càng siết chặt chính sách "gây sức ép tối đa", trong khi Liên minh châu Âu (EU) thực sự "bó tay" không có hành động để ngăn Iran khỏi hứng chịu thiệt hại. Như đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, động thái của Iran là "hệ quả tự nhiên" của các sự việc gần đây, cũng như bởi "sức ép chưa có tiền lệ" từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, cũng như những lần trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif một lần nữa khẳng định tất cả các biện pháp của Iran nhằm thu hẹp các cam kết của nước này đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn "có thể đảo ngược" nếu các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA hoàn thành những nghĩa vụ của mình. Động thái "ra điều kiện" mới của Iran nhằm thúc ép hành động của các bên còn lại tham gia ký thỏa thuận hạt nhân, gồm 3 nước thành viên EU là Anh, Pháp, Đức cùng với Nga và Trung Quốc. Trong trường hợp cụ thể này, động thái của Iran rõ ràng muốn trực tiếp nhắm tới EU, bởi Tehran trong hơn 1 năm qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, luôn cho rằng các nước EU đã "bỏ mặc" Iran vùng vẫy trong "vũng lầy" mà Mỹ đã bỏ lại cho các đối tác tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố JCPOA "là một thỏa thuận tồi", quá "hào phóng" với Iran, đồng thời rút khỏi thỏa thuận nhằm gây sức ép buộc Tehran tiến hành đàm phán lại, các nước EU đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ, khẳng định ủng hộ và bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran. Trên thực tế, thỏa thuận hạt nhân Iran, ngoài việc đem lại những lợi ích kinh tế đối với các nước EU, còn được xem là một "thành quả ngoại giao" quan trọng của EU, khiến uy tín và tầm ảnh hưởng của EU gia tăng rõ rệt bởi trước đó, trong nhiều vấn đề quốc tế, EU thường bị đánh giá là "chịu sự chi phối" của Mỹ. Bởi vậy mà EU đã rất nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, suốt hơn 1 năm qua, EU tỏ ra vẫn loay hoay trong "mớ bòng bong" những phương án trên giấy nhằm duy trì thỏa thuận này, song lại không có bước đi thực tế hiệu quả nào.
Các nước EU đang trong "thế khó", một mặt chịu sức ép lớn từ đồng minh Mỹ trong việc buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân, mặt khác lại bị Tehran gây áp lực phải duy trì việc thực thi thỏa thuận và đảm bảo các lợi ích cho quốc gia Hồi giáo. Hai sức ép đối với EU từ những góc độ khác nhau, song lại có quan hệ mắt xích và ràng buộc chặt chẽ. Có thể nói EU phải đi giữa hai "làn đạn" mà không thể nghiêng hẳn về bên nào, bởi nếu chệch làn, JCPOA sẽ lập tức chấm hết. EU vừa muốn cứu vãn JCPOA vì lợi ích của chính mình và cũng muốn tránh leo thang căng thẳng với Iran, song không thể tự do thực hiện những bước đi "ngược chiều" với Mỹ trong vấn đề này, trước hết bởi các công ty EU sẽ hứng chịu thiệt hại lớn nếu “lách” các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran. Hơn nữa, đối với EU, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, dù đã bị sứt mẻ đáng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền tháng 1/2017, song đây vẫn là ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của EU, đặc biệt xét trên khía cạnh thương mại và an ninh.
Cũng chính vì tình thế lập lờ và bế tắc này của EU, Iran tỏ ra "mất kiên nhẫn" và những bất đồng cốt lõi giữa Mỹ và Iran cả năm nay không thể giải quyết. Iran mong muốn được châu Âu đảm bảo các lợi ích thông qua một cơ chế hợp tác đặc biệt trong giao dịch (cơ chế INSTEX) để tránh các trừng phạt của Mỹ, nhưng cơ chế được hình thành từ suốt một năm qua này mới được đưa vào hoạt động ngày 1/7 và chưa thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Tính hiệu quả của cơ chế này vì thế đang bị nghi ngờ, quan trọng hơn, Iran có vẻ "mất lòng tin" vào EU. Việc Tehran sớm muộn có động thái "rời xa" hay "nới lỏng" những ràng buộc của mình với JCPOA là điều không tránh khỏi.
Quyết định của Iran về lý thuyết khiến "sợi dây" níu giữ thỏa thuận hạt nhân Iran càng lỏng lẻo và nguy cơ thỏa thuận này đổ vỡ càng lộ rõ. EU cũng đã bày tỏ quan ngại sau khi Iran tuyên bố gia tăng hoạt động làm giàu urani vượt mức giới hạn theo JCPOA, đồng thời cho biết đang liên hệ chặt chẽ với các bên tham gia ký thỏa thuận để thảo luận những bước tiếp theo. Một phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, nhấn mạnh EU hết sức quan ngại về tuyên bố của Iran, hối thúc Iran chấm dứt và hủy bỏ tất cả các hoạt động trái với các cam kết.
Trong khi đó, chính phủ Pháp, Anh và Đức đã lập tức lên tiếng về những diễn biến mới, kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và cho biết ông sẽ tìm cách nối lại đối thoại giữa Iran và các đối tác phương Tây. Chính phủ Anh đang nỗ lực cùng các bên khác tham gia JCPOA thúc đẩy những bước tiếp theo, trong đó có việc lập một ủy ban chung theo thỏa thuận hạt nhân.
Có thể nói căng thẳng trong vấn đề Iran đã leo thang lên cấp độ nguy hiểm mới. Sự mất kiên nhẫn của cả Mỹ và Iran có nguy cơ đẩy Trung Đông tới bờ vực chiến tranh, khiến khu vực vốn không yên ả này trở nên hỗn loạn hơn. Trong bối cảnh hiện nay, EU vẫn được coi là bên duy nhất có thể tháo ngòi nổ xung đột, bởi EU là bên có lợi ích lớn nhất khi căng thẳng Mỹ-Iran được tháo gỡ. Nói cách khác, EU đang nắm "sợi chỉ" cuối cùng níu giữ thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, các cuộc thảo luận với các đối tác châu Âu vẫn đang được tiếp tục và dự kiến hai bên sẽ tiến hành họp cấp bộ trưởng vào cuối tháng này. Iran rõ ràng đã để ngỏ một "khe cửa" cho hoạt động ngoại giao, song liệu EU có nắm bắt được cơ hội này hay không? Việc tháo gỡ căng thẳng Mỹ-Iran lúc này đang được xem là "phép thử" năng lực ngoại giao của EU, và một tính toán sai lầm có thể cắt đứt hẳn sợi dây mong manh níu giữ thỏa thuận hạt nhân.
Theo các chuyên gia, trước hết EU cần phải tìm mọi cách duy trì các kênh đối thoại để tránh xung đột leo thang thành đối đầu quân sự. Chuyên gia về Trung Đông Benedikt van den Woldenberg cho rằng châu Âu cần thể hiện tiếng nói và vai trò lớn hơn, tựa như cây cầu ngoại giao giữa các bên xung đột, bởi giống như công cụ "Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu" thời Chiến tranh Lạnh, điều cần thiết là thiết lập những diễn đàn để ở đó các bên có thể kết nối và thảo luận. Song điều quan trọng nhất là EU phải ngay lập tức có các bước đi chủ động, bởi không còn nhiều thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Nói cho cùng, EU phải tự mình thoát khỏi tình trạng bế tắc trong căng thẳng Mỹ-Iran hiện nay.