Nhân tố mới trong đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc khiến Nhà Trắng lo lắng

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại việc phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc thay đổi nhân sự sẽ ảnh hưởng tới triển vọng đạt được một thỏa thuận.

Nhân tố gây lo lắng

Tờ Washington Post đưa tin Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan – người được các quan chức Nhà Trắng đánh giá có lập trường kiên định – đã trở thành nhân tố mới trong cuộc đàm phán với Mỹ. Hôm 9/7, ông đã cùng với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người phụ trách đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc trong hơn một năm qua, dự một cuộc họp qua điện thoại với Mỹ. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan. Ảnh: Reuters

Những kỳ vọng về một thỏa thuận chung cũng bị sứt mẻ do Trung Quốc chần chừ không mua lượng lớn nông sản mới của Mỹ, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ở Osaka rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý lên đơn đặt hàng “gần như ngay lập tức”. Cùng với đó là việc cả hai bên đều không đưa ra được bất kỳ kế hoạch này cho vòng đàm phán trực tiếp tiếp theo. 

Sự xuất hiện bất ngờ của ông Zhong diễn ra hai tháng sau khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ và Washington cáo buộc Bắc Kinh không giữ cam kết về một thỏa thuận sơ bộ. Theo ông Dennis Wilder, cựu chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Zhong Shan chắc chắn đã được chỉ đạo để đưa ra các quan điểm cứng rắn hơn với Mỹ. 

Bộ trưởng Zhong, 63 tuổi, được bổ nhiệm chức vụ trong Chính phủ Trung Quốc từ năm 2017 sau khi điều hành hai công ty nhà nước và giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Chiết Giang từ thời ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo địa phương tại đây. 

Cựu chiến lược gia Nhà Trắng Stephen Bannon nhận xét: “Ông Zhong là bậc thầy cứng rắn”. Ông Zhong Shan, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 18 tuổi, là quan chức thương mại kỳ cựu thứ hai được bổ sung vào phái đoàn của Trung Quốc trong những tuần gần đây. 

Tháng 4, ông Yu Jianhua, một trong những nhà đàm phán thương mại dày kinh nghiệm nhất của Trung Quốc và là đại sứ nước này tại Liên hợp quốc, cũng đã quay trở về Bắc Kinh để hỗ trợ phái đoàn của Phó Thủ tướng Lưu Hạc. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Chính quyền Tổng thống Trump đã thổi phồng động thái thay đổi người này. Cựu Tham tán công sứ phụ trách chính sách thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, ông James Green cho rằng việc bổ nhiệm ông Zhong Shan không hề làm lu mờ vai trò của trưởng đoàn Lưu Hạc như đồn đoán. 

Hay như ông Clete Willems thuộc công ty luật Akin Gump, từng tham gia công tác đàm phán thương mại tại Nhà Trắng cho đến tháng 4 vừa qua, đánh giá sự bổ sung Bộ trưởng Zhong chỉ phản ánh vấn đề nội bộ từ phía Trung Quốc. Cũng giống như phái đoàn Mỹ bao gồm ông Robert Lighthizer – người mong muốn một hiệp ước giành phần lợi cho nước Mỹ - và ông Mnuchin – người nhạy cảm hơn về tác động của thương chiến lên thị trường tài chính, Bắc Kinh cũng có nhưng nhân vật “cương” và “nhu” riêng.

Mặc dù Bộ Thương mại Trung Quốc được đánh giá là ủng hộ chủ trương hợp tác thương mại, nhưng ông Zhong sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lợi ích thương mại của đất nước – theo ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). 

Dậm chân tại chỗ

Trong nỗ lực để hồi sinh vòng đàm phán đang bế tắc, Tổng thống Trump đã đồng ý trì hoãn đánh thuế lên số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD tại hội nghị G-20 và cho phép tập đoàn viễn thông Huawei được tiếp tục mua linh kiện máy tính của Mỹ. Trước khi hai bên hội đàm qua điện thoại hôm 9/7, ông chủ Nhà Trắng đã yêu cầu phán đoàn thương mại của mình hãy đảm bảo về những đơn đặt hàng đậu tương và lúa mì mới của Trung Quốc mà ông tin là đã được cam kết tại Osaka. 

Chú thích ảnh
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp mặt bên lề G-20 Osaka. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng đã tiết lộ trong điều kiện giấu tên rằng Bộ trưởng Zhong và Phó Thủ tướng Liu lại không đưa ra cam kết cụ thể nào khiến cuộc đàm phán rơi vào thế bế tắc ảo. 
Chính quyền Tổng thống Trump cũng chưa đạt được thỏa thuận với Chính phủ Trung Quốc về ngày giờ tổ chức vòng đàm phán mới để Trưởng phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Steven Mnuchin đến Bắc Kinh, mặc dù giới chức Washington tỏ ra lạc quan rằng cuộc gặp sẽ diễn ra. 

Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, cho biết các tuyên bố của Nhà Trắng về cách thức ông Trump thay đổi chủ trương với Huawei sẽ được triển khai thế nào đã gây “nhầm lẫn cho các công ty Mỹ” và phản ánh sự thiếu bám sát đối với những cuộc thảo luận tại Osaka. 

“Mọi điều họ nói đều chưa diễn ra”, ông Allen nói, đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ xói mòn niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều quan chức Mỹ cùng các đồng minh của ông Trump đã bộc lộ ý kiến cá nhân rằng người Trung Quốc đang tránh đưa ra cam kết chắn chắn. 

Khi chút tia sáng hy vọng từ cuộc gặp gần nhất giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình bắt đầu mờ dần, các nhà đàm phán đang đối mặt với bản danh sách việc cần làm đầy nan giải như hai tháng trước. Khi đó, đàm phán đổ bể vì Mỹ yêu cầu Trung Quốc soạn lại một số điều luật của nước này để để giải quyết khiếu nại về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ cùng với chính sách chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Hai bên cũng còn gặp trở ngại trong việc Bắc Kinh đòi hỏi ông Trump dỡ bỏ toàn bộ biện pháp thuế đối với số hàng hóa của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD năm ngoái. “Chúng ta bị mắc kẹt tại cùng điểm giống trước đây. Chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ”, ông Dereck Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định. Giới chức Trung Quốc có thể sẽ trì hoãn bất cứ nhượng bộ thương mại nào cho đến khi kiểm chứng được sự thay đổi mà ông Trump tuyên bố tại G-20 đối với Huawei được triển khai. 

Hồi tháng 5, Tổng thống Trump đã ký một đạo luật ngăn chặn Huawei cung cấp thiết bị cho mạng lưới truyền thông 5G tại Mỹ, trong khi Bộ Thương mại cấm các tập đoàn công nghệ Mỹ bán linh kiện cho Huawei mà không xin phép chính phủ.

Trung Quốc có thể sẵn lòng chờ đợi ông Trump thực hiện cam kết vì nền kinh tế của nước này, vốn giảm tốc rõ rệt trong năm 2018, đã được bình ổn nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ. Những lời đe dọa đánh thuế “tung ra rồi rút lại” liên tục của nhà lãnh đạo Mỹ cũng gây xói mòn niềm tin của Chính phủ Trung Quốc.

Chuyên gia Scott Kennedy tin tưởng: “Thực tiễn hiện nay đồng nghĩa với việc sẽ không sớm có thỏa thuận nào trong tương lai. Trung Quốc đã không còn hứng thú về việc đạt được một thỏa thuận to lớn với ông Trump”. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Hàn Quốc nhờ Mỹ hỗ trợ trong căng thẳng thương mại với Nhật Bản
Hàn Quốc nhờ Mỹ hỗ trợ trong căng thẳng thương mại với Nhật Bản

Hàn Quốc đang nỗ lực ngoại giao để Mỹ hỗ trợ khi nước này đang xung đột thương mại với Nhật Bản và vụ việc có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại toàn cầu nếu không được giải quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN