Tín hiệu cảnh báo nguy hiểm với Nga từ việc Ukraine 'bắn hạ' chiến đấu cơ Su-24 ở Biển Đen

Trước mùa thu này, không quân Ukraine bảo vệ Odesa bằng tên lửa đất đối không S-300 có tầm bắn khoảng 50 dặm (khoảng 80 km), nhưng đảo Rắn, nơi chiến đấu cơ Su-24M Fencer của Nga được cho là bị bắn hạ nằm cách Odesa 90 dặm (khoảng 145 km) về phía Nam. Đây là một trong những tín hiệu cảnh báo với Nga.

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ Su-24 và thông tin của Tư lệnh Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleschuk (bên phải, dưới cùng) và người phát ngôn Không quân Ukraine, Đại tá Yurii Ihnat (bên phải, trên cùng)

Vào ngày 25/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới dự Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh lương thực ở Kiev và thông báo rằng Ukraine đang chuẩn bị triển khai “hệ thống phòng không rất mạnh” ở khu vực xung quanh Odesa, cảng ngũ cốc chiến lược của nước này. Đây cũng là nơi xuất phát của nhũng chiếc tàu thương mại chở ngũ cốc trên hành lang mới mà Ukraine tự mở ở Biển Đen. Ukraine làm điều đó bất chấp rủi ro bởi ngũ cốc rất quan trọng đối với kinh tế nước này trong khi vào tháng 7/2023, Nga đã đình chỉ thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua ngả Biển Đen.

Hai tuần sau tuyên bố của người đứng đầu Nhà nước Ukraine, tờ The Kyiv Independent ngày 6/12 dẫn thông báo trên kênh Telegram của Tư lệnh Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleschuk cho biết một tên lửa phòng không của Ukraine đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-24M Fencer của Nga. Khi bị bắn hạ, chiếc Su-24M Fencer được yểm trợ bởi một máy bay chiến đấu Su-30SM và đang cố gắng phóng tên lửa tới các mục tiêu ở phía Nam tỉnh Odesa. Địa điểm chiếc Su-24M Fencer bị bắn hạ là gần đảo Rắn, hay còn gọi là đảo Zmiinyi trên Biển Đen. Sau đó, tờ Ukrainska Pravda dẫn phát biểu trên tài khoản facebook của người phát ngôn Không quân Ukraine, Đại tá Yurii Ihnat cho biết thêm sau khi chiếc Su-24M Fencer bị bắn hạ đã có một máy bay tìm kiếm cứu nạn An-26 của Nga tới hiện trường ở Biển Đen tiến hành tìm kiếm phi công của chiếc Su-24M Fencer.

Chuyên trang quân sự War Zone cho biết họ không thể xác minh độc lập những tuyên bố của phía Ukraine và tới nay, chính quyền Nga cũng chưa xác nhận về việc chiến đấu cơ Su-24M Fencer bị mất tích. Một số tờ báo của phương Tây, bao gồm tờ News Week đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Liên bang Nga để đưa ra bình luận, nhưng chưa nhận được phản hồi. Dẫu vậy, theo The War Zone, các kênh mạng xã hội tiếng Nga đã đăng tải thông tin Su-24M Fencer bị bắn hạ trên Biển Đen, bao gồm kênh Telegram Fighterbomber có liên kết chặt chẽ với Không quân Nga. Ít nhất một kênh Telegram khác đã tuyên bố rằng lực lượng phòng không Ukraine đã sử dụng tên lửa đất đối không Patriot để chống lại Su-24M Fencer. Ngoài ra còn có những tuyên bố chưa được xác nhận từ cả các nguồn tin của Nga và Ukraine rằng nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ nhằm cố gắng cứu hộ phi công của Su-24M Fencer sau đó đã được tiến hành.

Chú thích ảnh
Một số kênh mạng xã hội tiếng Nga đã đăng tải thông tin Su-24M Fencer bị bắn hạ trên Biển Đen. Ảnh: X

Trong trường hợp Ukraine quả thực đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-24M Fencer của Nga, điều đó cho thấy một số tín hiệu cảnh báo nguy hiểm đối với Nga.

Thứ nhất, với thông tin phía Ukraine đưa ra, người ta không rõ Kiev đã sử dụng loại tên lửa gì để bắn hạ Su-24M Fencer. Tuy nhiên, theo cây bút chuyên trang hàng không vũ trụ và quốc phòng David Axe của hãng tin Forbes, trong mọi trường hợp, rất có thể Ukraine đã nâng cấp hệ thống phòng không ở phía Nam và giành được lợi thế trước các lực lượng của Nga. Nói cách khác, hệ thống phòng không của Ukraine ở Odesa giờ đây đã có thể vươn tầm bắn xa hơn so với các loại tên lửa đối đất mà Hạm đội Biển Đen của Nga sử dụng để bắn phá Odesa.

Trước mùa thu này, lực lượng không quân Ukraine đã bảo vệ Odesa bằng tên lửa đất đối không S-300 kiểu Liên Xô cũ có tầm bắn khoảng 50 dặm (khoảng 80 km) trong điều kiện bình thường. Trong khi đó, đảo Rắn nằm cách Odesa 90 dặm (khoảng 145 km) về phía Nam. Vì vậy, một chiếc Su-24M Fencer của Hạm đội Biển Đen được trang bị tên lửa hành trình Kh-59MK2 (có tầm bắn khoảng 285 km) lẽ ra có thể tấn công các mục tiêu trên khắp Odesa và nằm ngoài tầm bắn của lực lượng phòng không Ukraine. Nhưng giờ đây, Su-24M Fencer đã bị bắn rơi ở gần đảo Rắn, có nghĩa tên lửa phòng không của Ukraine phóng từ hướng Odesa giờ đây có thể đe dọa các máy bay chiến đấu của Nga ở xa về phía Nam tới đảo Rắn.

Chú thích ảnh
Tàu chở hàng khô Razoni treo cờ Sierra Leone khởi hành từ cảng ở Odesa, Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ/Anadolu/Getty Images

Thứ hai, theo The War Zone, trong vài tháng qua, lực lượng không quân và hải quân Nga thường xuyên nhắm vào Odesa cũng như các cảng quan trọng khác ở miền Tây Ukraine, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm cắt đứt các liên kết thương mại quan trọng của Ukraine. Vận chuyển thương mại đường biển vẫn là một phương thức thiết yếu để xuất khẩu ngũ cốc và các hàng hóa khác từ Ukraine. Các tàu chở hàng ở Biển Đen đã hơn một lần rơi vào tình trạng giao tranh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Khi máy bay không người lái Shahed-136 chiếm phần lớn trong các hoạt động tấn công tầm xa hiện tại của Nga, việc chuyển sang sử dụng các đòn không kích bằng máy bay cánh cố định như Su-24M Fencer nhằm vào các mục tiêu ven biển là điều dễ hiểu. Nhưng nó lại cho thấy Nga đang dần cạn kiệt tên lửa tầm xa. Nếu máy bay chiến đấu của Nga được trang bị các loại tên lửa này, chúng sẽ nằm ngoài tầm bắn của tên lửa phòng không Ukraine. Bên cạnh đó, việc Ukraine “bắn hạ” Su-24M Fencer có thể khiến Nga phải cân nhắc thận trọng và nó đồng nghĩa với việc sẽ giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.

Thứ ba, nếu lực lượng Ukraine thực sự sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot để bắn hạ Su-24M Fencer ở Biển Đen, điều này có nghĩa là ít nhất một trong những hệ thống này đã được triển khai ở cực Tây Nam của Ukraine. Mặc dù The War Zone không thể xác thực, nhưng đã có tiền lệ cho việc này với việc triển khai Patriot ở miền Đông Ukraine, nơi rất gần biên giới Nga. Bố trí như vậy sẽ thách thức khả năng máy bay Nga tiến hành các cuộc tấn công từ xa vì bảo vẹ vùng trời của mình chắc chắn sẽ quan trọng hơn với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng nếu người Ukraine có thể đã sử dụng một loại tên lửa đất đối không khác, không phải là Patriot để bắn hạ Su-24M Fencer thì rất có thể đó là hệ thống có tầm bắn ngắn hơn và địa điểm bố trí nó rất có thể là ở đảo Rắn, nơi đã trở lại dưới sự kiểm soát của Ukraine và một số giàn khoan dầu khí ở Biển Đen, nơi Ukraine tuyên bố đã giành lại chúng từ Nga. Một bố trí như vậy sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng giám sát, phát hiện và theo dõi hoạt động của máy bay Nga.

Thành Nam/Báo Tin tức
Tin nóng thế giới sáng 7/12
Tin nóng thế giới sáng 7/12

Bản tin nóng thế giới sáng 7/12 có những nội dung sau đây:
- Ukraine cảnh báo G7 về “sự sụp đổ” của khối thống nhất phương Tây;
- Mỹ phản đối “vùng đệm” ở Gaza; Israel bác bỏ khả năng Tổng thống Palestine quản lý Gaza;
- Áo phản đối mở rộng khối Schengen;
- Tòa án Hàn Quốc yêu cầu Apple bồi thường vì làm giảm hiệu suất của thiết bị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN