Khoảng 71,5% người dân ở các nước thu nhập thấp không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh, cao hơn nhiều so với chỉ 6,3% tại các nước thu nhập cao. Những con số này phản ánh một thực tế đáng buồn, đó là nạn đói vẫn tiếp diễn dù sản lượng lương thực trên thế giới đủ để nuôi sống nhiều người hơn dân số toàn cầu. Sự phát triển về công nghệ, gia tăng về sản lượng nông nghiệp vẫn không thể giúp tất cả người dân có cơ hội tiếp cận thực phẩm an toàn với giá cả phù hợp.
Với chủ đề “Quyền được tiếp cận thực phẩm để có cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn”, Ngày Lương thực thế giới 2024 muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng, dinh dưỡng, khả năng chi trả, tiếp cận cũng như tính an toàn và bền vững của thực phẩm. Trước thực trạng nạn đói ngày càng nên trầm trọng hơn do thiên tai, suy thoái kinh tế và xung đột, Ngày Lương thực thế giới năm nay hướng đến các giải pháp để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận thường xuyên và đầy đủ các thực phẩm đa dạng, an toàn và bổ dưỡng.
Chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây ra mọi hình thức suy dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng và béo phì, vốn đang tồn tại ở hầu hết các quốc gia và mọi tầng lớp kinh tế xã hội. Theo báo cáo về Tình trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới năm 2024 (SOFI 2024) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ), ước tính trong năm ngoái có 713 triệu đến 757 triệu người bị suy dinh dưỡng. Giá thực phẩm không ngừng tăng đẩy chi phí trung bình của một chế độ ăn uống lành mạnh lên cao, đạt 3,96 USD/người/ngày theo sức mua tương đương (PPP) vào năm 2022. Báo cáo của FAO năm 2022 về Xu hướng bất bình đẳng an ninh lương thực và kết quả dinh dưỡng cũng cho thấy châu Phi là khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng, mất an ninh lương thực và người dân không thể chi trả cho bữa ăn lành mạnh cao nhất, lần lượt chiếm 20,2%; 57,9% và 85% dân số. Điều này đã phơi bày mối quan hệ mật thiết giữa bất bình đẳng thu nhập với khả năng tiếp cận thực phẩm và tình trạng dinh dưỡng của người dân.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có hơn 1 tỷ người trên thế giới bị béo phì. Tại châu Âu, báo cáo của WHO về Hành vi sức khỏe ở trẻ em trong độ tuổi đi học (HBSC) đã tiết lộ mối liên hệ đáng lo ngại giữa tình trạng kinh tế xã hội và thói quen ăn uống không lành mạnh, khi thanh thiếu niên từ các gia đình có thu nhập thấp có xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường, ăn ít trái cây và rau hằng ngày hơn.
Bên cạnh vấn đề thu nhập, an toàn thực phẩm cũng là nhân tố quyết định đối với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân. Hơn 600 triệu người đã bị ốm và 420.000 người tử vong mỗi năm do ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn, virus, ký sinh trùng, chất độc hại và hóa chất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các chất ô nhiễm trong không khí như nitơ oxit, ozone, carbon gây hại đến năng suất cây trồng, chất lượng dinh dưỡng và độ an toàn của lương thực. Nghiên cứu của Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh ước tính mỗi năm ozone làm giảm sản lượng lúa mì, gạo, ngô và đậu nành ở mức 227 triệu tấn trên toàn cầu.
Trong khi đó, mặc dù thuốc trừ sâu, phân bón hóa học giúp tăng đáng kể sản lượng thu hoạch, song việc sử dụng thiếu kiểm soát đã đặt ra những vấn đề về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng. Thuốc trừ sâu không chỉ diệt sâu bọ có hại mà còn làm giảm số lượng các loài côn trùng thụ phấn, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Các chất dư thừa trong phân bón như nitơ, phosphor có thể ngấm vào đất, nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe động vật và chuỗi thức ăn của con người.
Năm 2023, xung đột lan rộng và kéo dài là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến gần 50% số người bị đói cấp tính (tương đương gần 135 triệu người tại 20 quốc gia). Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nghèo ở nông thôn, sản lượng và năng suất nông nghiệp, góp phần làm gia tăng sâu bệnh và bệnh tật, thay đổi thành phần dinh dưỡng của một số cây lương thực chính.
Thực trạng này đã buộc các nước và khu vực phải khẩn trương hành động. Để đảm bảo an ninh lương thực, chất lượng thực phẩm, duy trì nguồn cung bền vững, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra Chiến lược F2F (Từ trang trại đến bàn ăn) với mục tiêu giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; giảm ít nhất 20% lượng phân bón sử dụng; 25% diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Ủy ban châu Âu tạo điều kiện để đưa ra thị trường thuốc trừ sâu có chứa hoạt chất sinh học, xúc tiến thiết lập hệ thống ghi nhãn thực phẩm bền vững, bao gồm các sản phẩm hữu cơ thông qua Kế hoạch hành động cho Nông nghiệp hữu cơ 2020 – 2026.
Tại Thái Lan, để cải thiện công tác phân phối và giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm, chính quyền thủ đô Bangkok lên kế hoạch mở rộng phạm vi các dự án Thực phẩm Dư thừa và Ngân hàng Thực phẩm BKK ra tất cả các quận trong thành phố. Trong 7 tháng qua, 44,8 tấn thực phẩm dư thừa chưa sử dụng, tương đương với hơn 188.180 suất ăn tiêu chuẩn, do các đối tác dự án quyên góp đã được phân phối lại cho hàng nghìn người cao tuổi, người khuyết tật, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo.
Nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ béo phì và thừa cân cao do lối sống ít vận động, Chính phủ Mỹ hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng, giá cả phải chăng thông qua các chương trình như Chương trình Dinh dưỡng bổ sung cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em (WIC) và các chương trình từ nông trại đến giáo dục, đồng thời triển khai nhiều sáng kiến nhằm nâng cao kiến thức, thúc đẩy việc ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng và hoạt động thể chất.
Tại Việt Nam, Nghị quyết của chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 yêu cầu giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, với sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo. Nhằm khắc phục những hạn chế của ngành nông nghiệp, giảm thiểu sự đánh đổi về phát triển kinh tế với môi trường và sức khỏe cộng đồng, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030.
Theo định nghĩa của FAO, an ninh lương thực là trạng thái mà mọi người có quyền tiếp cận thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động. Bởi vậy, đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm được coi là yếu tố quan trọng để đạt được sự ổn định xã hội, kinh tế và chính trị trên diện rộng. Bằng cách áp dụng các chính sách và chiến lược bao trùm để thúc đẩy quyền tiếp cận thực phẩm, các quốc gia có thể mở đường cho một tương lai công bằng và bền vững hơn.