Đòn bẩy thúc đẩy an ninh lương thực

Khoảng 733 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm 2023, tương đương với trên phạm vi toàn cầu, cứ 11 người lại có 1 người đói. Đây là số liệu trong báo cáo mới nhất về Tình trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới năm 2024 (SOFI 2024) do 5 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc (LHQ) công bố tại Cuộc họp cấp bộ trưởng của Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo G20 ở Brazil tối 24/7 (giờ Việt Nam). 

Chú thích ảnh
Trẻ em nhận thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia, phía Bắc Dải Gaza ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo SOFI 2024 cảnh báo thế giới đang tụt hậu 15 năm trong việc tiến tới đạt được mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 2 - Không còn nạn đói - vào năm 2030 theo Chương trình Nghị sự 2030 của Đại hội đồng LHQ. Mức độ suy dinh dưỡng trên toàn cầu hiện tương đương giai đoạn 2008-2009. Mặc dù có một số tiến bộ nhất định về việc giảm tỷ lệ thấp còi và tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lên 48%, nhưng khoảng 713 triệu - 757 triệu người trên thế giới suy dinh dưỡng trong năm 2023, tăng 152 triệu người so với năm 2019. Đây là một con số đáng báo động.

Xét ở góc độ khu vực, tỷ lệ dân số đối mặt với nạn đói tiếp tục tăng ở châu Phi với 20,4%, gần như không đổi ở châu Á với 8,1% trong khi Mỹ Latinh ghi nhận tiến bộ giảm xuống mức 6,2%. Trong các năm 2022 và 2023, nạn đói gia tăng ở Tây Á, Caribe và hầu hết các tiểu vùng châu Phi. Theo báo cáo do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng soạn thảo, nếu xu hướng này tiếp diễn, khoảng 582 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng mãn tính vào năm 2030, trong đó có tới 50% ở châu Phi. Dự báo này rất giống với con số ghi nhận năm 2015 khi các Mục tiêu Phát triển Bền vững được thông qua, do vậy phản ánh sự trì trệ đáng lo ngại trong tiến trình xóa đói trên toàn cầu.

Ngoài ra, hàng tỷ người vẫn khó tiếp cận với nguồn lương thực đầy đủ. Năm ngoái, khoảng 2,33 tỷ người trên toàn cầu bị đói ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, không thay đổi đáng kể so với mức tăng mạnh vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Hơn 2,8 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2022. Tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập thấp lên tới 71,5%, chênh lệch rõ rệt so với mức 6,3% ở các quốc gia thu nhập cao. 

Với chủ đề "Tài trợ để chấm dứt nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức'', SOFI 2024 ước tính để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2 sẽ cần khoảng 77 tỷ USD, tức chưa đến 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Số tiền này vượt quá phạm vi khu vực công có thể đạt được, điều này cho thấy nhu cầu về nguồn tài chính hỗn hợp giữa tư nhân và công. Có một thực tế là các quốc gia chưa thể huy động đủ nguồn lực để tài trợ các chính sách, chương trình và biện pháp can thiệp cần thiết để xóa đói. SOFI 2024 nêu rõ các quốc gia có mức độ đói nghèo đáng báo động nhất có xu hướng là những quốc gia có ít khả năng tiếp cận tài chính nhất.

Các lãnh đạo của 5 tổ chức FAO, IFAD, UNICEF, WFP và WHO nêu rõ một trong những ưu tiên hàng đầu là phải thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu tài trợ cho an ninh lương thực và dinh dưỡng và thực tế huy động tài trợ. Ngoài ra, cần huy động nguồn lực đáng kể cho việc triển khai các chính sách, điều luật và biện pháp can thiệp để sớm chấm dứt nạn đói cũng như đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng và chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng. Các nguồn lực tài chính này là khoản đầu tư cho tương lai mà các chính phủ, các tổ chức và cơ quan hữu quan có nghĩa vụ phải thực hiện. 

Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc đề xuất 3 chủ đề chính có thể cải thiện hiệu suất tài chính phát triển. Đầu tiên, sự phối hợp và đồng thuận, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc nhắm mục tiêu tốt hơn cho những người cần nhất. Thứ hai, các nhà tài trợ và đối tác toàn cầu khác nên chấp nhận rủi ro hơn và tham gia vào các hoạt động giảm thiểu rủi ro. Ông lưu ý rằng điều đó phù hợp với bản chất của chính các hệ thống nông sản thực phẩm, vốn hoạt động trong tình trạng rủi ro và những bất ổn đang tiếp tục gia tăng. Cuối cùng, nên có nhiều nguồn tài trợ hỗn hợp hơn vì phạm vi của vấn đề cần giải quyết vượt quá khả năng của khu vực công.

Về phần mình, Chủ tịch IFAD Alvaro Lario cho rằng cần huy động nguồn hỗ trợ tài chính mới từ khu vực tư nhân, tạo điều kiện tối đa giúp các quốc gia khó khăn hơn được tiếp cận tài trợ.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường các nguồn tài chính để chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. “Thế giới có thể và phải làm như vậy. Đây không chỉ là mệnh lệnh đạo đức mà còn là khoản đầu tư hợp lý cho tương lai.” Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh những tiến bộ mà thế giới đã đạt được trong việc giảm tình trạng thấp còi và cải thiện việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cho thấy không phải là không thể vượt qua những thách thức. Khoản đầu tư cần thiết cho thực phẩm lành mạnh, an toàn và bền vững thấp hơn nhiều so với phí tổn mà các nền kinh tế và xã hội phải gánh chịu nếu không hành động.

Có thể nói, báo cáo SOFI 2024 đã nêu bật tầm quan trọng của huy động nguồn viện trợ tài chính công - tư làm đòn bẩy giảm đói nghèo, chấm dứt tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, hướng tới một tương lai no ấm, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Minh Tâm (TTXVN)
Tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng lan rộng trên thế giới
Tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng lan rộng trên thế giới

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc (LHQ) hôm 4/7 cho biết Khu vực Sừng lớn châu Phi cần khoảng 9,8 tỷ USD để hỗ trợ nhân đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN