Thử tên lửa và hạt nhân, Bình Nhưỡng muốn bắn tín hiệu gì tới các nước láng giềng?

Bình luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, một nhà khoa học chính trị tại Trường Kinh tế Griffith (Australia) đã lý giải với đài Sputnik của Nga vì sao vụ phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản này mang tính chất khác biệt và thông điệp nước này thực sự muốn nhắn gửi tới các láng giềng là gì.

Ngày 29/8, Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa bay qua không phận đảo Hokkaido của Nhật Bản rồi rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương. Quân đội Nhật Bản quyết định không bắn hạ tên lửa song đã phát cảnh báo để công dân tới nơi trú ẩn. 

Chủ nhiệm khoa kiêm Giáo sư Khoa học Chính trị Andrew O'Neil đã giải thích về điều đặc biệt của vụ phóng như sau: “Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có tính chất khác biệt so với những lần thử trước. Trong khi quả tên lửa phóng đi từ Bình Nhưỡng không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể đạt tầm bắn vượt quá 5.500 km và tấn công các mục tiêu trên đất liền Mỹ, nó dường như là một quả tên lửa đạn đạo tầm trung, bay thẳng qua hòn đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản. Nó không được gắn đầu đạn hạt nhân hay thông thường nhưng rõ ràng rằng đó là lần thứ ba Bình Nhưỡng phóng một tên lửa bay qua không phận Nhật Bản”.

Hình ảnh ông Kim Jong-un kiểm tra một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-12 do hãng thông tấn KCNA công bố ngày 15/5.

Ông O’Neil nhắc lại, lần đầu tiên Triều Tiên thực hiện điều này vào năm 1998 bằng tên lửa Daepodong-1. Lần tiếp theo là năm 2009. Tuy nhiên, trong cả hai lần chính phủ Bình Nhưỡng chỉ thừa nhận đã phóng vệ tinh. Vì thế điều đặc biệt trong vụ phóng lần này là họ không hề cố gắng che đậy. 

“Tôi nghĩ rõ ràng rằng điều này được Bình Nhưỡng chủ định để xem như một thông điệp trực tiếp và không nghi ngờ gì không chỉ đối với Nhật Bản, mà cả các quốc gia khu vực khác, rằng Triều Tiên cơ bản có thể tấn công bất cứ nước này trong khu vực bằng một thiết bị hạt nhân”, ông O’Neil nêu rõ. 

Cả thế giới hiện đều biết, nhà khoa học chính trị nói, Triều Tiên đã đạt được khá nhiều thứ cần thiết để phát triển một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn vừa vào tên lửa. Lực lượng tấn công tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á này đã phát triển vượt bậc về tính sẵn sàng chiến đấu cũng như tầm bắn có thể vươn tới. Theo ông, dường như Triều Tiên có thể phóng tên lửa tùy thích mà không bị trừng phạt. 

Nhà lập pháp cấp cao Nga Konstantin Kosachev đã gợi ý vụ phóng thử mới nhất của Triều Tiên chứng minh rằng lời đe dọa bắn bốn quả tên xuống vùng biển gần đảo Guam của Mỹ “không phải là một sự lừa bịp”. Tiến sĩ O’Neil cũng bình luận về quan điểm trên. “Nó nhắm thẳng tới Nhật Bản, quốc gia trong mắt Triều Tiên được mô tả như một kẻ thù ngang bằng với Mỹ, nếu không tồi tệ hơn Mỹ”, ông O’Neil nói với đài Sputnik.

Tuy nhiên, nếu xem xét phạm vi của quả tên lửa bay qua Hokkaido, theo hướng ngược lại với Guam, và tính tới khoảng cách từ Bình Nhưỡng đến Guam, chúng ta có thể thấy rõ lời đe dọa tấn công hòn đảo Mỹ của Triều Tiên chẳng hề khuếch đại mà có thể thực hiện được. 

Tiến sĩ O’Neil cũng bình luận về nguyên nhân các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) phê duyệt mới đây là một sai lầm. “Những nước muốn Triều Tiên bị tổn hại, trước hết là Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực, đã không tác động nhiều về mặt kinh tế lên Triều Tiên”, ông nhận xét. Cách duy nhất để Washington có thể gây tổn hại với Bình Nhưỡng về kinh tế là thông qua một bên thứ ba, cụ thể là các ngân hàng Trung Quốc làm ăn cùng và cho Triều Tiên vay tiền. Và Mỹ đang đẩy mạnh xem xét các biện pháp cấm vận nhắm vào những ngân hàng này. 

Lý do thứ hai là Trung Quốc, nước có khả năng tác động kinh tế lớn nhất đối với Triều Tiên ở trong khu vực, lại có rất ít động cơ để làm điều này. Mặc dù Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ, nhưng rõ ràng lại không áp dụng chúng một cách nghiêm ngặt. 

Theo ông O’Neil, Trung Quốc thực hiện một cách chọn lọc dựa trên lập trường không muốn gây ảnh hưởng tới chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bởi điều này sẽ tạo ra các vấn đề địa chính trị trầm trọng. Nếu chế độ hiện tại ở Bình Nhưỡng sụp đổ, một làn sóng người tị nạn sẽ tràn qua biên giới để sang Trung Quốc và binh sĩ Mỹ - Hàn Quốc sẽ đóng quân ngay sát sườn – điều mà Bắc Kinh không hề mong muốn. 

Ngày 3/9, bất chấp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt và những động thái quân sự từ Mỹ và các nước trong khu vực, Bình Nhưỡng tiếp tục phô trương tiềm lực hạt nhân của nước này bằng vụ thử bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom H) ngầm dưới lòng đất. Bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn bom nguyên tử nhiều lần. Trước đây, Mỹ từng thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch tại bãi Bikini năm 1954 và thu được kết quả loại bom này mạnh gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử nước này ném xuống Hiroshima năm 1945. Tuyên bố chế tạo thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên là điều đáng lo ngại đối với toàn thế giới.

Hoàng Trang/Báo Tin Tức
Triều Tiên thử thành công bom H, Mỹ-Hàn nhất trí nâng trọng lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo
Triều Tiên thử thành công bom H, Mỹ-Hàn nhất trí nâng trọng lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo

Thỏa thuận này đã đạt được trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 4/9 sau lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới nhất của Triều Tiên vào sáng 3/9 cùng tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng họ có thể gắn thành công bom nhiệt hạch (bom H, bom khinh khí) lên tên lửa đạn đạo liên tục địa vươn tới Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN