Thế khó của EU về trừng phạt Hungary

Đề xuất trừng phạt Hungary của Ủy ban châu Âu gây khó xử đối với các quốc gia thành viên EU.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: EPA

Trong khi một số quốc gia EU có quan điểm thực dụng trước một cuộc bỏ phiếu về việc đình chỉ khoảng một phần ba quỹ gắn kết cho Hungary, các quốc gia thành viên khác cũng không ủng hộ biện pháp này.

Trong bối cảnh lo ngại về vấn đề pháp quyền của Hungary dưới thời Thủ tướng Viktor Orbán, vào tháng 4, Ủy ban châu Âu đã kích hoạt cơ chế cho phép EU tạm dừng thanh toán cho các quốc gia thành viên do vi phạm vấn đề này.

Vào ngày 15/9, Nghị viện châu Âu đã gọi Hungary là "chế độ chuyên quyền bầu cử". Ba ngày sau, Ủy ban châu Âu đề xuất đình chỉ một phần ba quỹ gắn kết được phân bổ cho Hungary - tương đương 7,5 tỷ euro - nếu nỗ lực cải cách của họ vẫn không đủ trong 2 tháng tới. Đề xuất sẽ hướng đến một cuộc bỏ phiếu giữa các thành viên EU trong Hội đồng châu Âu, có thể vào giữa tháng 12/2022.

Nếu Hội đồng châu Âu quyết định bỏ phiếu phản đối việc đình chỉ cấp quỹ cho Hungary, điều đó sẽ chứng minh “EU không có biện pháp khắc phục vấn đề pháp quyền ở một quốc gia thành viên, mặc dù đó là một yêu cầu đối với tư cách thành viên của Liên minh”, Susanna Maria Cafaro, Giáo sư về luật của Liên minh châu Âu tại Đại học Università del Salento, nhận định đồng thời cho biết khó có thể đưa ra dự đoán chắc chắn về kết quả của cuộc bỏ phiếu vào lúc này.

Hà Lan, Thụy Điển và Phần Lan - thường nằm trong số những nước bảo vệ quy tắc pháp quyền mạnh mẽ nhất trong khối - vẫn khá im lặng về các đề xuất của Ủy ban châu Âu. “Hiện tại, về mặt tổng thể, có thể nói rằng chúng tôi hoan nghênh đề xuất này”, Văn phòng Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nhận xét.

Tuy nhiên, Tuomas Iso-Markku, nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, nói: “Có thể việc Phần Lan ủng hộ nhà nước pháp quyền và mong muốn tìm kiếm các giải pháp thực dụng đã dẫn đến mâu thuẫn và khiến Phần Lan phải đưa ra những lựa chọn khó khăn".

Về phần mình, một đại diện thường trực của Thụy Điển tại EU cho biết: "Đối với Thụy Điển, còn quá sớm để nói; chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu các chi tiết của đề xuất".

Với Tây Ban Nha, nước này đã "chơi những con bài thực dụng nhất và không muốn có một quan điểm rõ ràng”, chuyên gia Luật EU Daniel Sarmiento, Giáo sư Luật tại Đại học Complutense, Madrid cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Theo đó, quan điểm của Tây Ban Nha có thể bị điều chỉnh bởi mong muốn ổn định chính trị nội bộ, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng ở Catalonia, một vấn đề nội bộ hơn là một vấn đề quốc tế.

Ngày 27/9, Reuters đưa tin Catalonia sẽ thúc đẩy chính phủ Tây Ban Nha đạt được một thỏa thuận mới về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ràng buộc về nền độc lập tiềm năng của khu vực sẽ được cả Tây Ban Nha và cộng đồng quốc tế công nhận.

Tất cả các vấn đề liên quan đến pháp quyền và nỗ lực của EU để đảm bảo tất cả các quốc gia thành viên tuân thủ các quy tắc này luôn khiến Tây Ban Nha “rất lo lắng vì họ nhận thấy nguy cơ từ các phong trào xã hội (tạo ra hỗn loạn)”, Giáo sư Sarmiento nói, lưu ý rằng mặc dù Tây Ban Nha cam kết giải quyết cuộc xung đột này về mặt ngoại giao, quan điểm chính thức của họ là sẽ không đàm phán về vấn đề giá trị.

Do đó, đề xuất của Ủy ban châu Âu đặt ra một câu hỏi phức tạp đối với các quốc gia thành viên, vốn bị ràng buộc bởi các mối quan tâm giữa chính trị nội bộ và ngoại giao của họ.

“Thái độ này không phải chỉ có ở Tây Ban Nha; nó cũng xuất hiện ở Đức, Pháp và Italy, trong số các quốc gia khác. Vấn đề này đặt ra một câu hỏi về đạo đức mà các nước EU lớn phải giải quyết”, Giáo sư Sarmiento kết luận.

Vì vậy, quyết định của các nước lớn sẽ đóng vai trò then chốt đối với đề xuất của EU: các nước đại diện cho 65% tổng dân số của khối phải ủng hộ đề xuất này thành công. Riêng Tây Ban Nha (10,59 %) và Italy (13,38 %-quốc gia có lãnh đạo cực hữu chuẩn bị lên nắm quyền có mối quan hệ tốt với Hungary) chiếm 23,97% tổng dân số EU, thiếu khoảng 10% để đủ số bị chặn.

Ba Lan từ lâu đã công khai ủng hộ Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Warsaw “không muốn thực hiện bất kỳ biện pháp nào chống lại Hungary vì họ muốn nhận được sự hỗ trợ tương tự từ Hungary đối với Ba Lan”, Giáo sư Artur Nowak-Far nói.

Các quốc gia Đông Âu khác - vốn có xu hướng cảnh giác với những lời chỉ trích rõ ràng đối với Hungary - vẫn chưa cam kết về đề xuất này. 

Romania vẫn chưa đưa ra quyết định nhưng đang hy vọng rằng việc hòa giải sẽ diễn ra mà không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài. “Tôi tiếp tục hy vọng và tôi cũng đã nói điều đó gần đây trong một tuyên bố công khai, rằng vẫn có những cách thức đàm phán giữa Brussels và Budapest để tìm ra giải pháp cho những vấn đề này, bởi vì nếu không, sự chia rẽ sẽ tăng lên”, Tổng thống Romania Klaus Iohannis phát biểu tại Đại hội đồng LHQ.

Bulgaria có lập trường tương tự như Romania. Nước này “hy vọng về một kết quả tích cực từ cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Ủy ban châu Âu và Hungary, các khả năng và giải pháp vẫn chưa cạn kiệt”, Bộ Ngoại giao Bulgaria nói.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv.com)
Thủ tướng Hungary kêu gọi EU dỡ bỏ trừng phạt Nga để tránh suy thoái
Thủ tướng Hungary kêu gọi EU dỡ bỏ trừng phạt Nga để tránh suy thoái

Theo trang tin Schengenvisainfo.com ngày 26/9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã kêu gọi EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga trước cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN