Hungary muốn trưng cầu dân ý về các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga 

Hiện chưa có nước nào trong EU tham khảo ý kiến người dân về các lệnh trừng phạt đối với Nga và Hungary sẽ là nước đầu tiên làm như vậy.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hungary (giữa) trong một phiên họp. Ảnh: EPA

Theo trang tin Euronews ngày 23/9, Fidesz - đảng cầm quyền của Hungary muốn tổ chức thăm dò ý kiến ​​công dân nước này về việc liệu họ có ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu áp đặt đối với Nga do cuộc xung đột ở Ukraine hay không.

Mate Kocsis, một trong những lãnh đạo của Fidesz cho biết tại một cuộc họp báo rằng đảng này có kế hoạch kêu gọi một "cuộc tham vấn quốc gia" về các biện pháp trừng phạt năng lượng mà theo ông đã được quyết định bởi "giới tinh hoa ở Brussels" của EU. 

“Các biện pháp trừng phạt đang gây hại. Chúng đang phá hủy nền kinh tế của châu Âu. Chúng tôi phải thuyết phục những người ra quyết định ở châu Âu, những thành viên của giới tinh hoa, rằng họ không nên duy trì các lệnh trừng phạt năng lượng bởi vì nó sẽ xuất hiện những vấn đề lớn", ông Kocsis nói.

Theo ông Kocsis, Nga đã trở nên giàu có hơn trong khi EU lại nghèo đi, và nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, sẽ không có lạm phát và không có suy thoái. Ông Kocsis lưu ý rằng đến nay chưa có nước nào trong EU tham khảo ý kiến người dân về các lệnh trừng phạt và Hungary sẽ là nước đầu tiên làm như vậy.

Cuộc thăm dò mà Chính phủ Hungary gọi là “tham vấn quốc gia”, là một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức dành cho mọi người trưởng thành ở Hungary. Cuộc thăm dò này có thể được thực hiện qua đường bưu điện hoặc điền trực tuyến.

Các cuộc khảo sát như vậy, được Chính phủ do Thủ tướng Viktor Orban lãnh đạo đưa ra nhiều lần kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2010, để thể hiện sự hỗ trợ cho các chính sách trong nước của mình. Phe đối lập thường xuyên kêu gọi tẩy chay hoặc hoặc bỏ phiếu không hợp lệ.

Trong cuộc họp báo, ông Kocsis thừa nhận rằng cuộc tham vấn là một “công cụ chính trị” mà chính phủ có thể sử dụng trong các cuộc tranh luận với EU về việc có nên gia hạn hay áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga hay không. Ông cho biết Chính phủ sẽ quyết định thời gian của cuộc thăm dò.

Gần đây, Chính phủ Hungary đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với Moskva, cho rằng chúng đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế châu Âu hơn là cho Nga. Budapest cũng đã từ chối cung cấp vũ khí cho nước láng giềng Ukraine hoặc cho phép chuyển giao vũ khí của họ qua biên giới với quốc gia đang trải qua xung đột này.

Trích dẫn các nguồn tin riêng của mình, hôm 22/9, nhật báo Magyar Nemzet đưa tin Thủ tướng Viktor Orbán đã kêu gọi các chính trị gia trong liên minh “cố gắng hết sức để đảm bảo rằng EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này chậm nhất là vào cuối năm nay”.

Công Thuận/Báo Tin tức
Ba Lan phản đối lệnh trừng phạt của EU đối với Hungary
Ba Lan phản đối lệnh trừng phạt của EU đối với Hungary

Tuyên bố được đưa ra sau 6 tháng quan hệ nguội lạnh giữa Ba Lan và Hungary do bất đồng quan điểm liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN