Thấy gì từ hiện tượng trồi sụt của đồng ruble Nga?

Sau một loạt biện pháp “nước rút” chạy đua với sự mất giá của đồng nội tệ Nga, cùng với sự vào cuộc của Bộ Tài chính nước này, trong vài ngày cuối tuần qua, đồng tiền của Nga đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá còn quá sớm để có thể nói đồng ruble đã thoát khỏi xu hướng mất giá.

           

Điều này chắc chắn đúng, nhất là trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói biện pháp trừng phạt bổ sung đối với khu vực Crimea và áp dụng từ ngày 20/12. Theo đó, EU cấm toàn bộ hoạt động đầu tư và hạn chế thương mại với Crimea và Sevastopol nhằm phản đối việc khu vực này sáp nhập vào Nga.


Các cá nhân và doanh nghiệp ở châu Âu không thể mua tài sản cố định tại Crimea, cũng như không thể cung cấp các dịch vụ liên quan. Ngoài ra, các công ty du lịch tại châu Âu không được phép khai thác dịch vụ du lịch ở Crimea hoặc Sevastopol. Đặc biệt, kể từ ngày 20/3/2015, du thuyền châu Âu không thể cập cảng nằm trong bán đảo Crimea, trừ trường hợp khẩn cấp. Điều này áp dụng với tất cả tàu thuyền được sở hữu hoặc kiểm soát bởi một chủ tàu châu Âu hoặc treo cờ của một quốc gia thành viên EU nào. Hơn nữa, EU cũng cấm xuất khẩu các công nghệ và hàng hóa châu Âu trong lĩnh vực giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, khảo sát, thăm dò, khai thác và sản xuất dầu khí vào Crimea.

           

Đồng nội tệ Nga rớt giá - một trong những hệ lụy của giá dầu thế giới giảm.


Tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Đông diễn ra trong hai ngày 18-19/12 vừa qua ở thủ đô Brussels của Bỉ, giới chức EU cũng nhất trí kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi mạnh mẽ lập trường trong vấn đề Ukraine. Hội nghị này tuy cùng chung nhất trí cho rằng việc đồng ruble mất giá mạnh là tin xấu không chỉ đối với Nga, mà còn cho toàn châu Âu, song dù thế nào, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU Federica Mogherini vẫn khẳng định rằng EU sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga đến khi nào Moskva ngừng các hoạt động mà tổ chức này coi là hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Bà Mogherini nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và ban lãnh đạo Nga cần "thay đổi mạnh mẽ" lập trường hiện nay để có thể cùng hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

           

Cùng với quyết định siết chặt trừng phạt Nga của EU, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/12 cũng đã ký ban hành luật nhằm áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, cho dù loại trừ việc tiến hành những bước đi bổ sung vào thời điểm hiện nay. Luật “Ủng hộ tự do tại Ukraine” này ngoài việc yêu cầu Tổng thống Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các công ty năng lượng và quốc phòng Nga, còn cho phép Tổng thống được bãi bỏ các lệnh trừng phạt trong trường hợp cần thiết. Luật cũng cho phép ông Obama cung cấp viện trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, với các vũ khí chống tăng và thiết giáp có trong danh mục. 

           

Phản ứng trước quyết định của EU thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung, và việc Mỹ ban hành luật cho phép cung cấp vũ khí cho Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cảnh báo Moskva sẽ có biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt phân biệt đối xử của EU nếu cần thiết. Bộ này cho rằng đã đến lúc EU và Mỹ phải nhận thấy rằng Crimea và Sevastopol đã trở thành một phần không thể tách rời của Liên bang Nga. Vì vậy mọi sự phân biệt đối xử đối với người dân Crimea và Sevastopol đều không thể chấp nhận được. Riêng động thái Mỹ ban hành luật siết chặt trừng phạt Nga và hỗ trợ quân sự Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm trực tiếp với người đồng cấp Mỹ John Kery và nêu rõ rằng quyết định của Mỹ về lâu dài đang phá hoại mối quan hệ giữa Moskva và Washington, và rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới triển vọng hợp tác thông thường giữa hai nước.

           

Hiện chính quyền Nga vẫn đang nỗ lực kiểm soát đà sụt giảm của đồng ruble. Song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giới chức Nga cần phải nhận thức rõ ràng rằng hiện tượng đồng ruble trồi sụt chỉ là bề nổi của tảng băng chìm và không đáng để phải quá lo ngại. Điều đáng quan ngại nhất, thậm chí nhiều chuyên gia Nga còn cho rằng sự an nguy của nước Nga lúc này phụ thuộc chính vào những bước đi chính trị hết sức mạo hiểm, đã và đang đẩy Nga vào tình thế sa lầy trong câu chuyện Ukraine. Tảng băng chìm về những khó khăn kinh tế của Nga lúc này lại bắt nguồn chính từ những vấn đề chính trị. Nếu còn bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Ukraine, uy tín của Nga chắc chắn sẽ còn bị suy giảm, và Nga sẽ tiếp tục phải chịu sự "cô lập chính trị" với mức độ chưa từng có trong suốt 25 năm qua, và đây mới thực sự là những khó khăn thách thức của "thể chế Vladimir Putin". Các động thái "trả đũa" lẫn nhau giữa Phương Tây, Mỹ và Nga đang đẩy nền kinh tế thế giới đến những con số thiệt hại ngày càng lớn. Hơn ai hết, Moskva thấu hiểu một đất nước Ukraine láng giềng bất ổn sẽ kéo theo những hệ lụy khó lường cho chính nước Nga.

           

Năm 2014 đang dần khép lại. Với việc đồng nội tệ Nga tạm bình ổn, song nếu nước Nga và Phương Tây chưa thể giải quyết dứt điểm những bất đồng chính trị, thì tất yếu tỷ giá đồng ruble so với đồng USD và euro vẫn còn nhiều biến động. Và hệ lụy của nó chắn chắn không chỉ gây khó khăn cho Nga mà còn là thách thức với cả Mỹ và châu Âu.

 

 

Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)

Kinh tế Nga sẽ ra sao năm 2015?
Kinh tế Nga sẽ ra sao năm 2015?

Năm 2015 có thể sẽ xuất hiện một sự suy giảm trong hoạt động kinh tế tại Nga. Tuy nhiên, đây được coi là một giai đoạn chuyển tiếp cần thiết từ một nền kinh tế "dư thừa dầu và khí đốt" tới một nền kinh tế tăng trưởng cân bằng và bền vững, mặc dù sự chuyển đổi này là khá đau đớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN