Kinh tế Nga sẽ ra sao năm 2015?

Khi đồng ruble đang ngày càng mất giá so với đồng USD và euro và Ngân hàng Trung ương Nga phải tiến hành các biện pháp khẩn cấp để cứu nền kinh tế khỏi sự sụp đổ, thì số phận của nền kinh tế Nga vào năm tới được dự đoán sẽ rất khó khăn, trong đó một sự suy thoái gần như là chắc chắn. Cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Konstantin Korishchenko đã chia sẻ quan điểm của ông về những triển vọng của nền kinh tế Nga năm 2015.

Đồng ruble hiện đã mất hơn 50% giá trị kể từ đầu năm 2014, tỷ lệ lạm phát được cho là sẽ tăng cao và nhiều người đưa ra những dự báo ảm đạm về triển vọng nền kinh tế của Nga trong năm tới. Vậy nền kinh tế của nước này sẽ thế nào năm 2015? Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn lại xem nền kinh tế Nga đã làm được những gì trong những năm gần đây.

Trong vòng 10 năm trước năm 2013, đồng ruble đã tăng giá gần 45%. Bằng cách so sánh, giá trị đồng tiền của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ cũng chỉ tăng 10%, mặc dù chất lượng sống, được tính theo GDP bình quân đầu người, tại các nước này tăng lên nhiều hơn so với ở Nga. Trong khi mức sống ở Nga tăng lên 85% thì ở Trung Quốc đạt 206% và Ấn Độ là 120%.

Tổng thống Nga Putin trả lời báo chí ngày 18/12/2014 tại Moskva.


Nga đã thành công trong việc cải thiện mức sống phần lớn là nhờ đồng tiền quốc gia mạnh hơn và một sự tăng trưởng nhanh về thu nhập thực tế. Nhưng tình hình đó không thể kéo dài mãi mãi: Đồng tiền mạnh lên và những chi phí đầu vào tăng cao đã làm giảm đáng kể khả năng xuất khẩu của nền kinh tế Nga.

Vì vậy, từ năm 2012 trở đi, một xu hướng tiêu cực ngày càng tăng đã xuất hiện, dẫn đến giảm khả năng sinh lời đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (trừ dầu khí và khí đốt), giảm đầu tư và suy thoái trong việc tăng thu nhập thực tế. Kết quả là, nền kinh tế Nga bắt đầu tăng trưởng chậm lại.

Trong năm 2014, tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi những căng thẳng địa chính trị, các biện pháp trừng phạt, mất quyền tiếp cận vào các thị trường bên ngoài và sự rút lui của các dòng vốn một cách ồ ạt. Kể từ mùa hè vừa qua, áp lực ngày càng lớn lớn do sự sụt giảm của giá dầu. Điều này đã khiến cho đồng rubble không thể duy trì được mức giá cao như trước. Tại thời điểm này, sự thay đổi tỷ giá ruble là gần giống với sự thay đổi của giá dầu.

Vậy những yếu tố bên ngoài sẽ có một sự ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế của Nga trong năm 2015 như thế nào? Trước hết, đó là giá dầu. Vào thời điểm khi giá dầu ngừng giảm và ổn định ở một mức độ nhất định rất có thể sẽ báo trước một sự phục hồi của nền kinh tế Nga. Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng dầu đã và đang là một hàng hóa mà nhu cầu sẽ chỉ tăng khi nền kinh tế thế giới phát triển. Nhu cầu giảm hoặc nguồn cung tăng, một phần do sự bùng nổ khai thác dầu từ đá phiến ở Mỹ, chỉ là tạm thời, trong khi xu hướng dài hạn cho sự tăng giá dầu vẫn còn. Vì vậy, khi giá dầu ổn định, tỷ lệ đồng ruble cũng sẽ được cải thiện.

Thứ hai, nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách mà các ngân hàng trung ương nước ngoài đang theo đuổi. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục in tiền với quy mô lớn và mua nợ công. Tại châu Âu, một cuộc tranh cãi nảy lửa nổ ra trong Ngân hàng Trung ương châu Âu về việc liệu có nên tiếp tục mua trái phiếu trong khi Đức phản đối mạnh mẽ. Ở Mỹ quá trình nhằm loại bỏ thanh khoản "dư thừa” khỏi thị trường đang được tiến hành và đang có một số tín hiệu khả quan. Điều này có thể dẫn đến sự suy yếu của đồng yên và đồng euro hơn so với đồng USD. Do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đang được giao dịch bằng đồng USD, điều này có thể gây áp lực lên giá cả hàng hóa.

Biểu đồ tỉ giá đồng ruble so với đồng USD.


Thứ ba, đối với các nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, cơ hội đang mở ra để tiến vào thị trường Nga và xây dựng mối quan hệ lâu dài trong lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm. Đồng thời, các vấn đề khó khăn chính cũng đã lộ diện do những hạn chế của thị trường tài chính và các rào cản về ngoại tệ của các quốc gia này. Những nhân tố này sẽ cản trở hoạt động đầu tư ở Nga. Có thể nói rằng, việc hợp tác trong khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ giúp giải quyết vấn đề này trong trung hạn.

Bên trong nền kinh tế Nga, những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương nước này nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định đồng ruble sẽ tạo ra các rào cản nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Điều này đã được tiến hành với thực tế là họ đã thả nổi đồng tiền, các công cụ chủ yếu còn lại là các biện pháp về tiền tệ và lãi suất. Tại thời điểm này, chúng ta đang nhìn thấy những hạn chế về thanh khoản và lãi suất khá cao. Chính sách này thực sự ngăn chặn sự gia tăng lạm phát và hạn chế đầu cơ. Nhưng nó lại không tạo ra sự cho vay nhiều hơn cho nền kinh tế. Kết quả là, các doanh nghiệp vốn không được tiếp cận các khoản vay, sẽ phải hoãn chương trình đầu tư và cắt giảm chi phí.

Nhìn chung, năm 2015 có khả năng sẽ xuất hiện một sự suy giảm trong hoạt động kinh tế tại Nga, một xu hướng cắt giảm chi phí, các công ty phải thích nghi với điều kiện mới và một sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó có thể được coi là một giai đoạn chuyển tiếp cần thiết từ một nền kinh tế "dư thừa dầu và khí đốt" tới một nền kinh tế tăng trưởng cân bằng và bền vững. Thật không may, với bằng chứng từ kinh nghiệm của các nước khác, những chuyển đổi này có thể là khá đau đớn, nhưng việc sử dụng các cơ chế kinh tế thị trường một cách chủ động có thể giúp chúng tăng tốc đáng kể.


Công Thuận
(Theo R.B.H.T)

Ba vấn đề khó khăn của kinh tế Nga
Ba vấn đề khó khăn của kinh tế Nga

Diễn biến trong những ngày qua cho thấy nền kinh tế Nga đang chống đỡ ba vấn đề khó khăn lớn: lạm phát tăng phi mã, đồng nội tệ phá giá mạnh và giá dầu giảm liên tục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN