Diễn biến trong những ngày qua cho thấy nền kinh tế Nga đang chống đỡ ba vấn đề khó khăn lớn: lạm phát tăng phi mã, đồng nội tệ phá giá mạnh và giá dầu giảm liên tục.
Trước tình hình này, chính phủ Nga đã đưa ra một loạt biện pháp ứng phó. Ngày 15/12, trong cuộc họp bất thường về chính sách tiền tệ - tín dụng, Ngân hàng Trung ương Nga quyết định tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 6,5% - từ 10,5% lên 17%/năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga còn triển khai Gói giải pháp 2.0 để chống lại nguy cơ lạm phát và phá giá. Trong số các biện pháp này có tăng tái cấp vốn ngoại tệ cho các ngân hàng, đảm bảo cân bằng cung cầu ngoại tệ thông qua cung cấp khả năng thanh toán ngoại tệ khi cần thiết.
Khách hàng Nga đổ xô tới cửa hàng IKEA mua hàng do tâm lý lo ngại đồng ruble bị mất giá thêm. |
Để trấn an dư luận và người dân, chính quyền Nga khẳng định có đủ dự trữ ngoại tệ và các công cụ thị trường để điều chỉnh tình hình kinh tế, vượt qua khó khăn do tác động của các lệnh trừng phạt, thậm chí thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhận định đồng ruble bị đánh giá quá thấp và không phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế, và vì thế không cần điều chỉnh mạnh thị trường ngoại tệ của Nga.
Một số chuyên gia kinh tế Canada đánh giá, có hai yếu tố khiến Nga lâm vào tình trạng hiện nay: Thứ nhất là ngoài các yếu tố thị trường, Nga đã bị Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp này khiến kinh tế Nga đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.
Thứ hai là các nước phương Tây đã chọn tấn công đúng điểm yếu của nền kinh tế Nga, đó là một nền công nghiệp quá phụ thuộc vào ngành năng lượng. phương Tây cùng với OPEC đã đẩy giá dầu đi xuống, chấp nhận cùng chịu tác động tiêu cực.
Theo tính toán, nước Nga cần giá dầu ở mức 105 USD/thùng mới đủ để hòa vốn ngân sách. Nguồn thu từ dầu khí chiếm gần một nửa thu nhập của chính phủ, và hơn 60% kim ngạch xuất khẩu (khoảng 530 tỉ USD) của cả nước. Do đó, sự sụt giảm giá dầu có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga.
Chi tiêu công của Nga cũng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ dầu khí. Nếu không có nguồn thu này, các khoản nợ của chính phủ Nga sẽ tăng lên khoảng 10% một năm.
Hiện Nga không có nhiều lựa chọn giải pháp nhằm can thiệp vào thị trường tiền tệ. Với mức lãi suất đã được nâng lên quá cao, Nga chỉ còn 2 sự lựa chọn nếu đồng ruble vẫn tiếp tục trượt giá: Để đồng ruble thả nổi, tự tìm đến một điểm cân bằng mới hoặc là kiểm soát thị trường vốn.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga cần phải hỗ trợ đồng ruble bằng cách bơm thêm nguồn dự trữ ngoại tệ. Nga vẫn còn 420 tỉ USD dự trữ, phần lớn số này là đồng USD.
Công cụ tiếp theo mà nước Nga có thể sử dụng để vực dậy đồng ruble là bán vàng. Hiện tại, Ngân hàng trung ương Nga nắm giữ khoảng 1.169,5 tấn vàng, chiếm khoảng 10% dự trữ ngoại tệ của Nga.
Để đối phó với tình thế nguy hiểm, Nga có thể sẽ rút nguồn dự trữ vàng. Nếu Nga lựa chọn giải pháp này, chắc chắn giá vàng thế giới sẽ giảm thấp.
Lê Hoàng