Nguyên nhân được giới chức quản lý nhiều nước đưa ra là mối lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia.
Tại Mỹ, Nhà Trắng đã yêu cầu tất cả nhân viên liên bang phải gỡ bỏ ứng dụng này khỏi các thiết bị công vụ. Quân đội và chính quyền tại hơn 25 bang của Mỹ đã cấm TikTok trên các thiết bị công. Một số thống đốc bang còn muốn ứng dụng này bị cấm trên toàn nước Mỹ - nơi có khoảng 100 triệu người dùng TikTok.
Lệnh cấm tương tự cũng đã có hiệu lực tại Canada, Đan Mạch và Australia, trong khi CH Séc và Ireland cũng đang điều tra về khả năng bảo mật dữ liệu của TikTok. Ba cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông báo áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng TikTok vào các thiết bị phục vụ công việc kể từ giữa tháng 3 này.
Các lệnh cấm nêu trên một lần nữa khơi lên những nghi ngại vốn đã tồn tại lâu nay đối với vấn đề quyền riêng tư và an toàn trực tuyến, trong bối cảnh TikTok cũng như Facebook, Instagram… đều là những nền tảng nội dung hấp dẫn người dùng ở nhiều độ tuổi… Mối lo tiềm ẩn đằng sau các lệnh cấm này không chỉ là về an ninh dữ liệu, mà còn về những trào lưu nguy hiểm hay nội dung không phù hợp lan truyền trực tuyến.
Twitter từng đối mặt vụ bê bối làm rò rỉ dữ liệu của 5,4 triệu người dùng hồi cuối năm ngoái, trong khi các nền tảng xã hội khác như Facebook hay Linkedln cũng đã được "gọi tên" trong những vụ việc tương tự, với số tài khoản bị đánh cắp thông tin lần lượt lên tới hơn 533 triệu và 500 triệu. Cuối năm ngoái, Brazil đã phạt mạng xã hội Facebook hơn 1,3 triệu USD vì làm rò rỉ thông tin cá nhân và dữ liệu của 443.000 người dùng tại nước này. Đầu tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo xử phạt TikTok 1,75 triệu lira (tương đương 93.000 USD) do nền tảng này không thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo vệ thông tin của người dùng.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng trước thực trạng tin giả hoặc các trào lưu nguy hiểm lan truyền trên các nền tảng này, gây ra những hậu quả khôn lường đối với chính người dùng và xã hội. Mới đây, tại Đại học Massachusetts của Mỹ, nhiều sinh viên đã đã bị ngộ độc nghiêm trọng tới mức phải cấp cứu khi uống dung dịch hỗn hợp gồm rượu, chất điện giải, hương liệu và nước theo một trào lưu uống say đang thịnh hành trên TikTok với tên gọi "BORGs".
Đối với TikTok, những nguy cơ tiềm ẩn được đánh giá khá cao khi lượng dữ liệu người dùng mà nền tảng này thu thập là vô cùng lớn. Theo số liệu của cơ quan đánh giá thị trường We Are Social, với hơn 1 tỷ người lượt truy cập mỗi ngày, TikTok hiện là nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều thứ sáu trên thế giới. Trong khi đó, dữ liệu của cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia chỉ ra rằng TikTok đứng đầu trong danh sách 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu năm 2022, với 672 triệu lượt.
Facebook mất gần 9 năm để đạt được 1 tỷ người dùng, TikTok chỉ cần 5 năm để đạt được điều này.
Tờ The New York Times (Mỹ) đánh giá TikTok đã làm thay đổi phương tiện truyền thông xã hội và là “cỗ máy có khả năng lan truyền lớn nhất thế giới”. Nếu cần tìm một nhà hàng đang hút khách hoặc để tìm chỉ dẫn để thực hiện điều gì đó, giới trẻ đang tìm tới TikTok, thay vì Google như trước đây. TikTok không chỉ là công cụ giải trí mà còn là đòn bẩy thành công cho rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, nhờ vào tầm ảnh hưởng của ứng dụng này. Ngay cả Chính phủ Mỹ cũng phải “mượn” TikTok làm nơi khuyến khích giới trẻ tiêm vaccine ngừa COVID-19, do có tới 2/3 số thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi tại Mỹ đang sử dụng ứng dụng này. Giám đốc chiến lược kỹ thuật số của Nhà Trắng Rob Flaherty thừa nhận: “Chúng tôi nhận ra đây là công cụ cực kỳ quan trọng trong cách công chúng Mỹ tìm hiểu về những thông tin mới nhất”.
Tuy nhiên, TikTok và các mạng xã hội khác đã bị cáo buộc vi phạm quy định bảo mật cũng như góp phần phát tán các thông tin sai lệch và nội dung có thể gây hại cho người dùng. Năm 2020, Ấn Độ đã áp dụng lệnh cấm một phần và sau đó là cấm triệt để TikTok vào tháng 1/2021 do lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật. Chính quyền Pakistan cũng đã đình chỉ tạm thời hoạt động của TikTok tại nước này ít nhất 4 lần kể từ tháng 10/2020, với những lo ngại ứng dụng này lan truyền nội dung không phù hợp. Trong khi đó, nhà chức trách Afghanistan đã cấm TikTok vào năm 2022 với lý do để bảo vệ thế hệ trẻ, thanh thiếu niên trước những chiêu trò lừa đảo. Ứng dụng này cũng phải đối mặt với lệnh cấm tạm thời đối với tất cả người dùng ở Indonesia và Bangladesh do phát tán nội dung được cho là không phù hợp.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định lượng thông tin TikTok thu thập có thể không khác biệt nhiều so với những mạng xã hội phổ biến khác. Báo cáo của Citizen Lab - tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Đại học Toronto (Canada) - khẳng định TikTok và Facebook thu thập lượng dữ liệu người dùng tương tự nhau, trong đó gồm những thông tin có thể được sử dụng để theo dõi và phân tích hành vi người dùng. Chúng đều là những thông tin giá trị đối với các nhà quảng cáo. Đầu năm nay, tập đoàn công nghệ Meta đã bị phạt 390 triệu euro (413 triệu USD) vì vi phạm luật dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu (EU) trên nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram. Ông Evan Greer - Giám đốc tổ chức nhóm vận động phi lợi nhuận Fight for the Future – nhấn mạnh: "Nếu các nhà hoạch định chính sách muốn bảo vệ người Mỹ khỏi bị giám sát, họ nên ủng hộ luật về quyền riêng tư cơ bản, cấm tất cả công ty công nghệ thu thập quá nhiều dữ liệu nhạy cảm về chúng ta ngay từ đầu".
Về phần mình, TikTok cho rằng các lệnh cấm "không giúp gì cho quyền riêng tư hoặc bảo mật", đồng thời tuyên bố đã chi 1,5 tỷ USD để củng cố bảo mật dữ liệu của người dùng. TikTok đã đề xuất “gã khổng lồ” công nghệ Oracle (Mỹ) kiểm tra các bản cập nhật của ứng dụng này trước mỗi lần công bố, đồng thời chuyển dữ liệu người dùng Mỹ sang các máy chủ đặt tại nước này. Các bước tương tự cũng đang được thực hiện ở châu Âu. Tại Việt Nam, theo báo cáo Thực thi tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng xã hội TikTok, riêng trong quý I/2022, hơn 2,4 triệu video có nội dung vi phạm các quy định tại thị trường Việt Nam đã bị xóa.
Mặc dù vậy, việc nhà chức trách các nước thường xuyên đưa ra những cảnh cáo và án phạt tài chính đối với TikTok cũng như các mạng xã hội liên quan sai phạm trong nội dung đăng tải và nguy cơ dữ liệu người dùng bị khai thác bất hợp pháp, cho thấy độ tin cậy đối với các nền tảng này vẫn rất bấp bênh. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý và bản thân người dùng phải thận trọng. Như tại Mỹ, TechRepublic tiết lộ rằng Cục Điều tra liên bang (FBI) đã phải đầu tư tới 27 triệu USD để giám sát các nền tảng như Twitter, Facebook, Instagram, YouTube, Linkedln hay Telegram...
Trong khi đó, các nền tảng nội dung số cần thắt chặt hơn tiêu chuẩn cộng đồng và kiểm soát chặt nội dung đăng tải để xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.