Theo báo Bloomberg, TikTok muốn thuyết phục các chính phủ châu Âu rằng đây là công ty dẫn đầu ngành về bảo vệ dữ liệu, chứ không phải là một ứng dụng của Trung Quốc đang hứng chịu làn sóng cấm sử dụng trên khắp châu lục.
Ngày 8/3, công ty đã công bố kế hoạch xây dựng 3 trung tâm lưu trữ dữ liệu ở châu Âu để lưu trữ thông tin về 150 triệu người dùng ứng dụng trong khu vực với sự trợ giúp của một công ty thứ ba độc lập, chịu trách nhiệm giám sát các biện pháp kiểm soát truy cập dữ liệu. Sau khi đi vào hoạt động, các trung tâm dữ liệu dự kiến tiêu tốn của công ty 1,3 tỷ USD/năm.
Tương tự như dự án Texas của công ty ở Mỹ, dự án Clover tại châu Âu của TikTok nhằm đảm bảo với các chính phủ có liên quan rằng chính phủ Bắc Kinh không thể truy cập dữ liệu của người sử dụng châu Âu thông qua các yêu cầu pháp lý chính thức cũng như bất kỳ hình thức nào.
“Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu chúng tôi cung cấp dữ liệu và nếu họ yêu cầu, chúng tôi sẽ từ chối làm như vậy”, ông Bertram - Giám đốc phụ trách chính sách châu Âu của TikTok – phát biểu trước các phóng viên.
Ông nói rằng cách tiếp cận lưu trữ dữ liệu của TikTok sẽ khiến chính phủ Trung Quốc không thể buộc công ty này phải bàn giao dữ liệu của châu Âu, cũng như kiểm soát và kiểm tra quyền truy cập dữ liệu, từ đó giảm thiểu rủi ro truy cập dữ liệu cửa sau.
Nền tảng chia sẻ video TikTok đang phải đối mặt với làn sóng lo ngại mới từ các đồng minh của Mỹ. Gần đây nhất, một loạt tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu nhân viên xóa ứng dụng này khỏi điện thoại của họ.
Cụ thể, Ủy ban châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu đã yêu cầu nhân viên xóa ứng dụng này khỏi điện thoại cơ quan với lý do lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng. Các quốc gia như Đức, Canada đã có những động thái tương tự, trong khi Hà Lan đang xem xét ban hành một lệnh cấm TikTok.
Một chính trị gia thuộc EC cho biết yêu cầu xóa ứng dụng được đưa ra như một biện pháp phòng ngừa và hiện vẫn chưa có bất kỳ một mối đe dọa trực tiếp nào đối với nhân viên của ủy ban.
Xu hướng này đã đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan niệm ở châu Âu so với vài tháng trước, khi Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi gặp gỡ các ủy viên châu Âu tại Brussels.
Trong cuộc họp, các quan chức đã nêu lên những lo ngại về quyền riêng tư nhưng trấn an công ty rằng việc kinh doanh của TikTok ở châu Âu vẫn ổn nếu họ tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt nội dung và bảo vệ dữ liệu của châu Âu.
Ông Bertram cho biết dữ liệu của châu Âu hiện được lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu ở Singapore và Mỹ. Trong vòng 3 năm, các dữ liệu này sẽ chuyển sang môi trường an toàn ở châu Âu qua một công ty châu Âu làm bên giám sát thứ 3.
Bertram miêu tả dự án Clover là một sự chuyển đổi từ việc đáp ứng các tiêu chuẩn ngành sang thiết lập một tiêu chuẩn mới hoàn toàn khi nói đến bảo mật dữ liệu.
Nhà quản lý nhấn mạnh TikTok là một công ty “toàn cầu” chứ không phải của Trung Quốc và so sánh mối quan hệ của TikTok với ByteDance tương tự như quyền sở hữu YouTube của Google.
Ông Bertram chỉ ra các giám đốc điều hành của công ty là người Singapore, cũng như có các nhà đầu tư lớn của Mỹ.
TikTok đã thừa nhận một vụ bê bối dữ liệu lớn vào cuối năm ngoái, trong đó một số nhân viên đã truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng, bao gồm các nhà báo như một phần trong nỗ lực ngăn chặn rò rỉ trên các phương tiện truyền thông. Công ty cho biết những nhân viên vi phạm đã bị chấm dứt hợp đồng.
Trước châu Âu, Mỹ đã có những bước đi cứng rắn đối với nền tảng chia sẻ video TikTok. Một số nhà lập pháp đề xuất kế hoạch cấm hoàn toàn ứng dụng này khỏi quốc gia này hoặc buộc công ty mẹ ByteDance bán nền tảng này.