Hôm 28/2, Canada đã cấm TikTok trên các thiết bị di động do chính phủ cấp, sau lệnh cấm tương tự từ Liên minh châu Âu (EU) vào tuần trước.
TikTok, ứng dụng thu hút trên 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Mỹ, đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ chính phủ các nước vì mối lo ngại rằng dữ liệu người dùng có thể được cung cấp cho chính phủ Trung Quốc, thậm chí ứng dụng này cuối cùng có thể được Bắc Kinh vũ khí hóa phục vụ mục đích thông tin.
Tuy nhiên, cuộc chiến cấm TikTok có nguy cơ áp đặt các giới hạn quá mức đối với quyền tự do ngôn luận và kinh doanh tư nhân - theo một số chuyên gia và những người ủng hộ quyền tự do dân sự.
Dưới đây là lý do tại sao TikTok bị cấm và liệu các chính phủ cuối cùng có ngăn tất cả người dùng truy cập ứng dụng này hay không.
Tại sao TikTok bị cấm?
Mối quan tâm chính của giới chức phương Tây là vấn đề bảo mật dữ liệu, đặc biệt là lo ngại rằng thông tin người dùng có thể được cung cấp cho chính phủ Trung Quốc.
Aynne Kokas, Giáo sư nghiên cứu truyền thông và giám đốc Trung tâm Đông Á tại Đại học Virginia, cho rằng những lo ngại như vậy tập trung vào cả những rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như lợi thế kinh doanh dành cho các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận thông tin từ TikTok.
Giáo sư Kokas nói: “Có những lo ngại về an ninh quốc gia đáng kể đối với các công ty Trung Quốc đang thu thập dữ liệu ở Mỹ và họ có thể làm gì với dữ liệu đó. TikTok có rất nhiều người dùng."
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco cho biết hồi đầu tháng này, các công ty hoạt động ở Trung Quốc phải tuân thủ các luật yêu cầu họ chia sẻ dữ liệu với chính phủ. “Điểm mấu chốt là Trung Quốc đã thể hiện khá rõ ràng rằng họ đang cố gắng đưa ra cách sử dụng cũng như các tiêu chuẩn xung quanh những công nghệ mang lại lợi ích cho họ", bà Monaco nói.
Ngoài ra, một số quan chức đã đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để truyền bá thông tin sai lệch, có thể ảnh hưởng đến các diễn giải mang tính chính trị và kết quả bầu cử.
Giáo sư Kokas cho biết: “Có những lo ngại về việc thiếu tính minh bạch trong thuật toán trên TikTok cũng như khả năng xảy ra thông tin sai lệch”.
Những quốc gia nào đã cấm TikTok?
Một loạt quốc gia đã áp đặt các hạn chế đối với TikTok. Vào năm 2020, Ấn Độ áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc, với lý do lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và an ninh quốc gia. TikTok cũng phải đối mặt với lệnh cấm tạm thời đối với tất cả người dùng ở Indonesia, Bangladesh và Pakistan do phát tán nội dung mà chính phủ cho là không phù hợp.
Cùng với Mỹ, nhiều quốc gia phương Tây cũng đã cấm TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp. Canada và EU đã áp đặt các biện pháp như vậy trong những ngày gần đây. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính quyền vào năm ngoái.
Phản ứng trước các lệnh cấm thiết bị, đại diện TikTok nói với ABC News rằng: “Chúng tôi đánh giá cao việc một số chính phủ đã lựa chọn sáng suốt không thực hiện các lệnh cấm như vậy do thiếu bằng chứng cho thấy có bất kỳ nhu cầu nào như vậy, nhưng thật đáng thất vọng khi thấy các cơ quan và tổ chức chính phủ khác đang cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên mà không có sự cân nhắc hoặc bằng chứng nào".
"Chúng tôi chia sẻ một mục tiêu chung với các chính phủ quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng, nhưng những lệnh cấm này là sai lầm và không giúp được gì cho quyền riêng tư hoặc bảo mật", công ty TikTok khẳng định thêm.
Liệu Mỹ có cấm hoàn toàn TikTok?
Cho đến nay, các hạn chế đối với TikTok ở cấp tiểu bang và liên bang tại Mỹ mới chỉ tập trung vào việc cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị do chính phủ cấp. Ngoài ra, không có lệnh cấm nào khác được đưa ra.
Chính quyền Tổng thống Biden ngày 27/2 cho biết, họ sẽ cho các cơ quan liên bang 30 ngày để đảm bảo rằng không có ứng dụng TikTok trên bất kỳ thiết bị của chính quyền liên bang nào.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các hành động khác mà chúng tôi có thể thực hiện", bà Olivia Dalton, Phó phát ngôn viên Nhà Trắng, nói với các phóng viên hôm 28/2.
Phản ứng với lệnh cấm của chính phủ Mỹ, đại diện TikTok nói với ABC News: “Lệnh cấm TikTok trên các thiết bị liên bang đã được thông qua vào tháng 12 mà không có bất kỳ sự cân nhắc nào và thật đáng tiếc, cách tiếp cận đó đã trở thành kế hoạch cho các chính phủ khác trên thế giới. Những lệnh cấm này không khác gì một màn kịch chính trị."
“Chúng tôi hy vọng rằng khi giải quyết các mối lo ngại an ninh quốc gia về TikTok ngoài các thiết bị của chính phủ, Quốc hội Mỹ sẽ khám phá các giải pháp không ảnh hưởng đến việc kiểm duyệt tiếng nói của hàng triệu người Mỹ”, công ty nói thêm.
Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew dự kiến sẽ xuất hiện trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện trong tháng 3 này để điều trần về các hoạt động bảo mật dữ liệu của công ty.
Hơn một nửa số bang của Mỹ hiện đã thực hiện các bước hướng tới lệnh cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok trên các thiết bị của chính quyền.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp và những người phản đối TikTok đã tìm cách mở rộng lệnh cấm cho tất cả người dùng ở Mỹ. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đang cân nhắc biện pháp cấp cho Tổng thống Biden một quyền mới để cấm hoàn toàn TikTok.
Các chuyên gia nói với ABC News rằng bất chấp động lực trong các nhà lập pháp về một lệnh cấm hoàn toàn TikTok ở Mỹ, khả năng xảy ra một động thái như vậy là thấp, bởi nó đồng nghĩa với một sự can thiệp mạnh mẽ vào khu vực tư nhân. Hơn nữa, nếu một động thái như vậy diễn ra, nó sẽ phải đối mặt với thách thức tại tòa án.
Anupam Chander, Giáo sư luật và công nghệ tại Đại học Georgetown, nói với ABC News: “Tôi nghi ngờ rằng lệnh cấm (hoàn toàn) sẽ tồn tại sau khi xem xét hiến pháp Mỹ. Bởi vì chúng tôi có quyền nhận thông tin theo Tu chính án thứ nhất, thậm chí cả thông tin từ các quốc gia thù địch."
Trong một lá thư gửi các nhà lập pháp liên bang hôm 27/2, Liên minh Quyền tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã lên tiếng phản đối lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok. Jenna Leventoff, cố vấn chính sách cao cấp tại ACLU, cho biết: “Quốc hội không được kiểm duyệt toàn bộ nền tảng và tước bỏ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt theo hiến pháp của người Mỹ”.