Cách đây gần 12 năm, Steve Jobs đã bước lên sân khấu tại triển lãm MacWorld và giới thiệu chiếc điện thoại iPhone, ca ngợi nó là “sản phẩm cách mạng và kỳ diệu”. Thành công chưa từng có của iPhone đã chứng minh lời Steve Jobs nói.
iPhone đã tồn tại và phát triển bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. iPhone đã cạnh tranh với một loạt sản phẩm cùng loại rẻ hơn cũng như rất nhiều sản phẩm nhái.
iPhone đã đưa tên tuổi của Apple thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, theo CNN, dường như iPhone cuối cùng đã đến lúc mất phép màu.
Trong một động thái hiếm hoi với Apple, Tổng giám đốc điều hành Tim Cook đã cảnh báo các nhà đầu tư trong một bức thư ngày 3/1 rằng công ty dự kiến có doanh số thấp hơn trong quý nghỉ lễ do doanh số bán iPhone giảm.
Ông Cook cho biết doanh số giảm chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc – nước đang chiến tranh thương mại với Mỹ khiến làn sóng tẩy chay iPhone xuất hiện. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhanh chóng lưu ý rằng vấn đề của iPhone có lẽ không chỉ là do Trung Quốc.
Ông Gene Munster, một nhà phân tích về Apple và là đối tác quản lý tại Loup Ventures, cho rằng 1/3 vấn đề xuất phát từ việc Apple quyết định tăng giá toàn bộ dòng điện thoại iPhone. Nhiều mẫu diện thoại đã vượt quá 1.000 USD – cái giá từng là điều không thể hiểu nổi. Theo ông Gene Munster, động thái này đã làm giảm số người muốn nâng cấp lên iPhone mới.
Trong bức thư, ông Cook không đề cập cụ thể tới việc tăng giá iPhone nhưng ông thừa nhận có những nhân tố khác ảnh hưởng tới doanh số bán iPhone ngoài Trung Quốc, như các nhà mạng trợ giá ít hơn và công ty quyết định thay thế pin rẻ hơn cho khách hàng vào năm 2018.
Mọi chuyện xấu hơn với Apple khi các nhà phân tích thuộc ngân hàng Goldman Sachs ngày 2/1 khuyến cáo các nhà đầu tư: Apple nhạy cảm hơn với các xu hướng kinh tế vĩ mô tiêu cực so với vài năm trước đây vì Apple đang tiến dần tới giai đoạn mà iPhone đã thâm nhập thị trường tối đa. Các nhà phân tích dự báo doanh số iPhone sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm tài khóa tới.
Với các nhà đầu tư, tin tức trên là một lời thức tỉnh mạnh mẽ. Cổ phiếu Apple giảm 9% giá trị vào ngày 3/1, khiến giá trị thị trường của công ty giảm xuống thấp hơn giá trị của Microsoft, Amazon và Alphabet.
Ông Daniel Ives, một nhà phân tích thuộc công ty chứng khoán Wedbush, nhận định: “Trong kỷ nguyên iPhone hiện đại, ngày đó rõ ràng là ngày đen tối nhất của Apple và cho thấy công ty sẽ có một giai đoạn tăng trưởng khó khăn phía trước”.
Theo CNN, bức thư của ông Cook cũng là một lời nhắc nhở u ám về điều bình thường mới của Apple: Nếu bây giờ bạn muốn tin vào Apple, thì niềm tin đó không còn là vì doanh số iPhone nữa mà đó là niềm tin bất chấp doanh số iPhone.
Thậm chí ngay trước thông báo mới nhất của Apple, cũng có nguyên nhân để lo ngại. Nhiều nhà cung cấp linh kiện iPhone đã cắt giảm triển vọng doanh số vào cuối năm 2018. Apple cũng khiến các nhà đầu tư sốc khi thông báo trong tháng 11/2018 rằng hãng sẽ dừng tiết lộ số lượng iPhone được bán ra sau khi trải qua nhiều quý doanh số giảm hoặc không tăng.
Sau một thập kỷ tăng trưởng doanh số iPhone nhanh chóng, Apple đã chuyển sang tìm cách khiến khách hàng trả tiền nhiều hơn để mua điện thoại khi ra mắt chiếc iPhone X giá nghìn đô năm 2017 và bộ đôi iPhone XS và iPhone XS Max năm 2018. Chiếc iPhone XS Max có giá tới 1.449 USD.
Cùng lúc đó, Apple cũng đề cập tới thành công trong các dịch vụ bổ sung dành cho iPhone và các thiết bị khác như iCloud, Apple Pay, Apple Music và App Store.
Doanh số từ các dịch vụ này đạt mức gần 10 tỷ USD trong ba tháng kết thúc vào tháng 9/2018. Đây là con số ấn tượng và tăng 17% so với cùng kỳ cách đây một năm.
Dù vậy, iPhone vẫn là thiết bị kiếm tiền chính của Apple, chiếm gần 60% tổng doanh số của hãng trong quý 3. Tới nay, Apple chưa tìm ra một sản phẩm cách mạng và kỳ diệu nào để lấp vào chỗ của iPhone.
Ông Chris Caso, một nhà phân tích thuộc công ty Raymond James, lưu ý các nhà đầu tư ngày 3/1: “iPhone đơn giản là quá lớn không thể thay thế nếu dòng sản phẩm đó không còn bán tốt. Nếu các mẫu iPhone hiện nay không bán tốt, người ta phải tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu thế hệ điện thoại tiếp theo chỉ có vài nâng cấp nhỏ”.
Đổi mới công nghệ điện thoại đã nhảy vọt đầu những năm 2010 với một loạt cải tiến ngoạn mục về kích thước màn hình, độ phân giải, tuổi thọ pin, camerra và tốc độ xử lý sau mỗi năm.
Tuy nhiên, ngành điện thoại là nạn nhân của thành công của chính mình. Đổi mới bắt đầu giảm tốc từ năm 2014 sau khi Apple tăng kích thước màn hình với iPhone 6 và 6 Plus.
Từ iPhone 6, khó có thể tiếp tục nâng cấp thực sự iPhone. Khách hàng Apple giờ nâng cấp điện thoại sau trung bình 33 tháng, lâu hơn so với 24 hay 25 tháng cách đây ba năm.