Tại sao dân Đức không mấy quan tâm tới bầu cử EP?

Nếu đi trên các đường phố ở Đức những ngày này, sẽ nhìn thấy rất nhiều tấm panô cổ động của các đảng phái cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Thế những khi hỏi những người đi đường liệu có biết về cuộc bầu cử EP, nhiều người không dám chắc hoặc thậm chí nói không quan tâm tới cuộc bầu cử này.
   

Là đầu tàu kinh tế châu Âu, Đức có ảnh hưởng lớn hơn bất cứ nước nào khác trong EU, song theo kết quả các cuộc thăm dò, chỉ có chừng 1/4 số cử tri quan tâm tới cuộc bầu cử EP. Vậy đâu là lý do? Câu trả lời chắc chắn không phải bởi EP không có vai trò gì quan trọng hay EU không phải đối mặt với thách thức gì khiến cử tri bàng quang với cuộc bầu cử.

Ảnh: Reuters


Kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1979, quyền lực của EP hiện nay đã gia tăng rất đáng kể. Tuy vậy, số người tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử EP lại liên tục sụt giảm. Nếu như có tới gần 66% số cử tri Đức tham gia bầu cử trong năm 1979 thì tới năm 2009, con số này đã giảm xuống chỉ còn chưa đầy 44%.
   
Cũng dễ hiểu khi tại sao người dân Đức lại không mấy mặn mà với cuộc bầu cử này. Họ vừa trải qua một bầu cử "dai dẳng và mệt mỏi" cuối năm ngoái. Sau cuộc tổng tuyển cử hôm 22/9/2013 là cả một sự chờ đợi kéo dài gần 3 tháng mới hình thành được một liên minh cầm quyền, thậm chí, cử tri lúc đó từng nghĩ tới việc phải đi bầu cử lại. Do vậy, họ cảm thấy quá mệt mỏi với chuyện phải xếp hàng bầu cử, rồi "chờ tin chiến thắng".

Hơn thế, tác động của EP tới người dân không phải là mối tương tác trực tiếp nên việc người dân thờ ơ với bầu cử là khó tránh. Điều này giải thích tại sao để vận động tranh cử, rất nhiều tấm panô không đăng hình ảnh ứng cử viên cho chức chủ tịch EC hay các ứng cử viên EP mà là hình bà Angela Merkel đang mỉm cười thân thiện, với ý kêu gọi cử tri dành lá phiếu cho các ứng cử viên CDU.

Một lý do nữa khiến nhiều cử tri mơ hồ với bầu cử EP là việc có quá ít các cuộc tranh luận hay vấn đề gây tranh cãi giữa các chính đảng liên quan cuộc bầu cử này. Liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel cũng như đảng Dân chủ Xã hội (SPD) hầu như rất ít tranh luận về các vấn đề bất đồng liên quan châu Âu như chính sách khắc khổ, vấn đề Ukraine, liên minh ngân hàng... mà chủ yếu tìm kiếm cử tri bằng các chính sách nội địa.
   
Trong ngày 25/5, cử tri tại Đức và 20 nước châu Âu khác đồng loạt đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử EP nhằm bầu ra các đại diện của mỗi nước tại cơ quan lập pháp này. Trước đó, bảy nước châu Âu khác là Anh, Hà Lan, CH Ireland, Latvia, CH Czech và Malta đã tiến hành bầu cử. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ chỉ được công bố khi điểm bỏ phiếu cuối cùng ở Italy khép lại lúc 23 giờ 00 (giờ địa phương).
   
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2014 lần đầu tiên được điều chỉnh theo Hiệp ước Lisbon, theo đó tổng số 751 ghế nghị sĩ sẽ được phân bổ cho các nước thành viên EU dựa trên số dân mỗi nước với tối đa là 96 ghế nghị sĩ (Đức) và tối thiểu là 6 ghế nghị sĩ (Cyprus, Estonia, Luxemburg và Malta).


Điểm mới trong cuộc bầu cử EP lần thứ 8 này còn là tiến trình bầu Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) khi Hội đồng châu Âu giới thiệu trên cơ sở kết quả cuộc bầu cử EP và Nghị viện châu Âu sẽ biểu quyết thông qua. Hiện hai ứng cử viên tiềm năng cho chiếc ghế Chủ tịch EC là ông Jean-Claude Juncker thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và ông Martin Schulz thuộc đảng Xã hội châu Âu (PES).
   
Tổng số cử tri đủ tư cách tham gia bầu cử ở 28 nước EU là 400 triệu người. Tại Đức, 64,4 triệu cử tri đã được kêu gọi tham gia bầu cử để bầu ra 96 nghị sĩ từ 1.053 ứng cử viên thuộc 25 đảng. Nhiều đảng nhỏ cũng sẽ hy vọng có ghế trong EP do quy định hội đủ 3% số phiếu để có đại diện trong EP đã bị bãi bỏ. Như vậy, mỗi đảng chỉ cần giành 1,04% số phiếu ủng hộ là có thể có được 1/96 ghế nghị sĩ tại EP.


Mạnh Hùng

Lãnh đạo Đức, Nga, Pháp điện đàm về Ukraine
Lãnh đạo Đức, Nga, Pháp điện đàm về Ukraine

Ngày 24/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande về tình hình Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN