Quyết định được Kiev chờ đợi từ lâu của Đức về việc gửi xe tăng Leopard-2, đồng thời cho phép các nước khác làm điều tương tự có thể là một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột kéo dài gần một năm giữa Nga và Ukraine.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Kemal Inat tại Đại học Sakarya (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29/1 nhận định với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) về những lý do đằng sau sự thay đổi chính sách của Đức đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine và những hậu quả có thể xảy ra như sau:
Đức đã quyết định trước mắt gửi 14 xe tăng chiến đấu Leopard-2 cho Kiev, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi từ lâu.
Các binh sĩ Ukraine sẽ bắt đầu huấn luyện để sử dụng những chiếc xe tăng này và Berlin cũng sẽ ủy quyền cho các quốc gia khác có xe tăng Leopard tái xuất khẩu chúng cho Kiev.
Với diễn biến này, những lo ngại giữa Đức và Mỹ - quốc gia cũng đang gửi 14 xe tăng Abrams tới Ukraine - và mâu thuẫn nội bộ trong chính phủ liên minh Đức về việc gửi xe tăng cho Kiev, đã được giải quyết.
Nhưng động thái trên có thể sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ Đức - Nga. Và đây là lý do tại sao, Thủ tướng Olaf Scholz thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng lớn trong liên minh cầm quyền ở Đức, đã trì hoãn và miễn cưỡng "bật đèn xanh" cho xe tăng do nước này sản xuất được gửi tới Ukraine.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, ông Scholz và các thành viên khác của SPD do dự đảm nhận vai trò tiên phong trong cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây.
Lúc đầu, Đức thậm chí còn từ chối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva.
Tuy nhiên, ông Scholz đã phải nhượng bộ do áp lực từ các đối tác liên minh, cũng như Mỹ và các đồng minh khác, với đòi hỏi phải hành động thống nhất.
Các chính trị gia hàng đầu của Đức từ Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP), hai đối tác cấp dưới của SPD, cho biết "Ukraine không chỉ tự bảo vệ mình mà còn đấu tranh cho tự do của châu Âu, và do đó Berlin nên đảm nhận vai trò lãnh đạo mà họ mong đợi".
Bên cạnh đó, việc Anh cam kết gửi 14 xe tăng chiến đấu Challenger 2 và việc Mỹ quyết định trang bị xe tăng M1A1 Abrams cho Ukraine cũng khiến ông Scholz đảo ngược chính sách của mình.
Bằng cách đưa ra quyết định tương tự như các đồng minh, ông Scholz có lẽ cho rằng Đức không phải "đi riêng một mình trong cuộc chiến chống lại Nga của phương Tây".
Chuyển giao xe tăng Leopard-2 cho Ukraine, trên hết, đồng nghĩa với một sự nhượng bộ nữa của Thủ tướng Scholz trước các đối tác liên minh cấp dưới của ông, cũng như Mỹ và các đồng minh trong EU như Ba Lan, Litva và Estonia, những quốc gia đi đầu trong việc lên án "chiến dịch đặc biệt" của Nga.
Điều thú vị là Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề nghị viện trợ xe tăng từ các nước phương Tây ngay sau khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2 năm ngoái. Không có quốc gia phương Tây nào trong đó có Mỹ, Anh và Pháp thực hiện, nhưng chỉ có Đức bị đổ lỗi cho sự bế tắc đối với xe tăng Leopard.
Mỹ do dự trong việc gửi xe tăng cho đến gần đây với một số lập luận yếu như khó khăn trong vận chuyển ở nước ngoài và động cơ của chúng cần nhiên liệu đặc biệt.
Rõ ràng là Đức đã thất bại trong việc xây dựng dư luận tích cực, vì thực tế là nước này vẫn cung cấp nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự nhất cho Ukraine sau Mỹ và Anh. Berlin đã chuyển giao nhiều vũ khí tiên tiến cho Kiev, như pháo tự hành Gepard, bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không IRIS-T.
Nhưng cuộc tranh cãi trong chính phủ liên minh Đức về xe tăng đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa tác động tiêu cực đến dư luận. Đảng Xanh và FDP có xu hướng gần gũi với Washington hơn so với SPD, thể hiện qua cách tiếp cận của họ đối với cuộc xung đột, đang ngăn cản Đức theo đuổi một chính sách hợp lý.
Vậy liệu sự hỗ trợ quân sự của Đức có thể thay đổi tiến trình của cuộc xung đột ở Ukraine?
Quân đội Ukraine đã gặp khó khăn trong các cuộc phản công trước các lực lượng Nga và thậm chí phải rút lui ở một số vùng lãnh thổ trọng yếu như Soledar ở phía Đông, do đó việc tiếp nhận xe tăng Leopard-2 có thể là một bước ngoặt.
Các loại xe tăng phương Tây có thể giúp quân đội Ukraine tự bảo vệ mình trước cuộc tấn công sắp tới vào mùa xuân này và tạo động lực cho các lực lượng của mình. Tuy nhiên, việc cung cấp và huấn luyện xe tăng chiến đấu là rất quan trọng.
Ngoài Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Phần Lan cũng đang xin phép Berlin để gửi Leopard-2 từ kho dự trữ của chính họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết các xe tăng có thể được chuyển đến Kiev sớm nhất là vào cuối tháng 3 năm nay, điều này cho thấy quân đội Ukraine đang chạy đua với thời gian để có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga.
Tóm lại, Chính phủ Đức rõ ràng là đang can dự sâu hơn vào cuộc xung đột. Điều này làm leo thang nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga, đồng thời làm giảm khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Đức và Nga, kể cả sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc.