Lý do đặc biệt khiến Brazil từ chối bán đạn xe tăng của Đức cho Ukraine 

Để duy trì vị trí trung lập và không khiêu khích Nga, Tổng thống Brazil đã từ chối đề nghị của Đức bán đạn xe tăng Leopard để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. 

Chú thích ảnh
Xe tăng Leopard-1 của quân đội Brazil. Ảnh: BA

Tổng thống Brazil Lula da Silva đã từ chối đề nghị của Chính phủ Đức về việc cung cấp đạn dược cho xe tăng mà Berlin sẽ chuyển cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, theo tờ Folha de Sao Paulo (Brazil) mới đây.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp của ông Lula với Bộ trưởng Quốc phòng Brazil José Múcio, trước khi lãnh đạo quân sự cấp cao nước này, Tướng Júlio Cesar de Arruda bị sa thải.

Vị tướng trên đã đưa đề xuất của Đức ra thảo luận, cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Đức Olaf Scholz liên quan đến gói viện trợ trong lĩnh vực xe tăng và xe bọc thép hạng nặng cho Kiev là sâu rộng hơn những gì đã được tiết lộ.

Sau nhiều tuần chịu áp lực từ Mỹ và các đồng minh phương Tây, ông Scholz đã quyết định gửi 14 xe tăng Leopard 2 và quan trọng hơn là cho phép tái xuất vũ khí cho bất kỳ ai muốn viện trợ chúng cho Ukraine. Thủ tướng Đức sẽ đến Brazil để gặp ông Lula vào tuần này.

Theo các nguồn tin liên quan đến vụ việc, Tướng Arruda cho rằng Brazil sẽ nhận khoảng 5 triệu USD cho một lô đạn được lưu trữ cho xe tăng Leopard-1 của họ, mẫu xe tăng có trước loại xe tăng mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong muốn. 

Tuy nhiên, Tổng thống Lula đã từ chối, cho rằng không đáng để khiêu khích Nga. Brazil, mặc dù đã phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2/2022 tại Liên hợp quốc, vẫn giữ quan điểm trung lập vì lý do kinh tế, từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt chống Moskva của phương Tây.

Đề nghị cung cấp đạn Leopard-1 cho thấy Berlin sẵn sàng cung cấp mẫu xe tăng cũ cho Kiev, trong đó nhà sản xuất Đức Rheinmetall có 88 chiếc trong kho dự trữ. Theo chủ tịch của Rheinmetall, để những chiếc xe tăng này sẵn sàng sử dụng có thể mất cả năm và vấn đề chính hiện nay là đạn dược.

Leopard-1 hiện được vận hành bởi Brazil (261 xe, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London), Chile (30 xe), Hy Lạp (500 xe) và Thổ Nhĩ Kỳ (397 xe). Xe tăng này có pháo tiêu chuẩn cũ cỡ nòng 105mm, trong khi Leopard-2 sử dụng loại đạn 120mm.

Đây không phải là lần đầu tiên Berlin đưa ra lời đề nghị liên quan đến vũ khí. Năm ngoái, Đức đã đánh tiếng không chính thức với Brazil về việc mua đạn cho pháo tự hành Gepard mà Berlin đã cho ngừng phục vụ để gửi tới Ukraine, nhưng không thành công.

Năm 2022, chính quyền Brazil dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro đã từ chối yêu cầu của Chính phủ Ukraine để đàm phán mua lại các hệ thống khác, chẳng hạn như xe bọc thép Guarani do Iveco của Italy sản xuất tại Brazil.

Động lực chính đằng sau sự từ chối chuyển giao vũ khí và đạn dược để sử dụng ở Ukraine của Brazil liên quan đến vấn đề phân bón, yếu tố quan trọng đối với ngành kinh doanh nông nghiệp của quốc gia Nam Mỹ này và phần lớn phải nhập khẩu. Nga đã dẫn đầu thị trường Brazil trong nhiều năm - từ năm 2018 đến năm 2022, chiếm 22% lượng nhập khẩu của Brazil.

Năm ngoái, với các lệnh cấm vận của phương Tây, các công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển đã ngừng kinh doanh liên quan đến những chuyến hàng từ Nga và các tuyến đường thay thế đã được tạo ra cho đến khi một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine được cho là sẽ mở lại thị trường cho Moskva. Tuy nhiên, Nga chỉ trích phương Tây không thực hiện cam kết của họ.

Kết quả là giá cả tăng vọt, điều có thể thấy rõ ở Brazil: mặc dù nước này đã nhập khẩu 8 triệu tấn phân bón từ Nga năm 2022, ít hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2021, nhưng lợi nhuận của Nga đã tăng 58,8% trong giai đoạn này, đạt mức kỷ lục 5,6 tỷ USD khi bán cho Brazil.

Công Thuận/Báo Tin tức
Na Uy: Cuộc chiến giành quyền đánh bắt cua tuyết và hệ quả bất ngờ về khai thác dầu khí
Na Uy: Cuộc chiến giành quyền đánh bắt cua tuyết và hệ quả bất ngờ về khai thác dầu khí

Cuộc chiến pháp lý ở Na Uy về cua tuyết có thể kéo theo việc tiếp cận dầu mỏ ở Bắc Cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN