Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 16/5, cuộc chiến kéo dài của Israel chống Hamas, nhóm vũ trang Palestine cai trị Dải Gaza, đang dẫn đến mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Ai Cập. Mối quan hệ giữa hai quốc gia trên đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi quân đội Israel giành quyền kiểm soát khu vực do Hamas kiểm soát ở cửa khẩu biên giới Rafah giữa Gaza và Ai Cập hôm 6/5.
Kể từ đó, Ai Cập đã đóng cửa biên giới và tuyên bố sẽ tiếp tục đóng cửa chừng nào quân đội Israel còn ở gần cửa khẩu phía Gaza. Họ cũng cho biết sẽ không hợp tác với Israel để chuyển viện trợ nhân đạo nữa và sẽ chỉ mở lại cửa khẩu nếu cửa khẩu phía Rafah lại nằm dưới sự kiểm soát của người Palestine.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng nghìn xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đậu gần biên giới phía Ai Cập. Theo Liên hợp quốc, dân số 2,3 triệu người của Gaza đang đứng trước nguy cơ nạn đói sắp xảy ra.
Hôm 16/5, Israel cho biết họ sẽ gửi thêm quân tới Rafah, và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lập luận rằng việc chiếm được cửa khẩu là “một bước quan trọng hướng tới việc loại bỏ khả năng quản lý và năng lực quân sự của Hamas”.
Ai Cập “tức giận và thất vọng”
Simon Wolfgang Fuchs, Phó Giáo sư tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, nói: “Ai Cập lên án mạnh mẽ việc chiếm đóng cửa khẩu biên giới. Phản ứng hiện nay của Ai Cập được thúc đẩy bởi sự tức giận và thất vọng”.
Ông Fuchs giải thích rằng kể từ chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza nhằm đáp trả cuộc tấn công chưa từng có do Hamas phát động vào ngày 7/10 năm ngoái, Ai Cập đã rất hợp tác và tuân thủ tỉ mỉ tất cả các điều kiện của Israel liên quan đến việc kiểm tra các chuyến hàng viện trợ nhân đạo qua biên giới Rafah vào Gaza. Vì vậy, ông Fuchs chỉ ra rằng: Cairo mong được đối xử bình đẳng và tôn trọng.
Tuy nhiên, theo quan chức tình báo Ai Cập, Israel chỉ thông báo cho Cairo vài giờ trước khi nắm quyền kiểm soát cửa khẩu biên giới bằng một thông điệp ngắn gọn.
Mohamed Anwar Sadat, người đã đàm phán dẫn đến hiệp ước hòa bình Ai Cập - Israel năm 1979, nói với tờ Wall Street Journal rằng căng thẳng hiện nay là cuộc khủng hoảng song phương tồi tệ nhất giữa hai nước. Ông Sadat nói rằng "hiện tại cả hai bên đều thiếu niềm tin" và nghi ngờ lẫn nhau.
Nathan Brown, Giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington ở Mỹ, cho biết: “Ai Cập chắc chắn coi việc Israel tập trung quân ở biên giới là mối lo ngại an ninh lâu dài tiềm tàng”.
Theo Giáo sư Brown, trong gần nửa thế kỷ, hiệp định giữa Ai Cập và Israel đã hạn chế việc triển khai quân sự của Ai Cập ở Sinai, phía bắc Ai Cập, gần biên giới với Gaza và Israel.
Giờ đây, lần đầu tiên kể từ năm 1979, điều này có thể thay đổi khi có thông tin cho rằng Ai Cập gần đây đã bắt đầu triển khai quân đội và thiết bị tới Sinai.
Các nhà quan sát khác chỉ ra mối quan hệ đã căng thẳng ngay cả trước khi Israel chiếm giữ cửa khẩu biên giới Rafah, vì lo ngại cuộc tấn công của Israel ở Gaza có thể khiến người Palestine phải di tản sang Ai Cập.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi đã nhiều lần cảnh báo rằng đây sẽ là "ranh giới đỏ" và nước này - nơi phần lớn dân số ủng hộ người Palestine và giải pháp hai nhà nước - sẽ không tiếp nhận người Palestine di tản khỏi Gaza.
Vào tháng 4 vừa qua, khoảng 1,6 triệu người di tản trong Gaza - trong tổng dân số 2,3 triệu người - đã tìm nơi ẩn náu ở Rafah sau khi quân đội Israel kêu gọi dân thường nên rời khỏi các khu vực có giao tranh ở vùng đất này.
Nhưng trong tháng này, trước chiến dịch tấn công toàn diện vào Rafah, quân đội Israel đã ra lệnh cho hàng trăm nghìn người trong thành phố phải rời đi.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 600.000 người đã chạy về phía thành phố Khan Younis và xa hơn về phía bắc dọc theo bãi biển nơi các trại lều đã được dựng lên. Ông Netanyahu cho biết chiến dịch này là cần thiết để tiêu diệt các tiểu đoàn Hamas còn lại ở Rafah.
Phó Giáo sư Fuchs cho biết: “Việc sơ tán người dân theo lệnh của Israel đến cái gọi là 'khu vực nhân đạo' mới đã làm dịu mối lo ngại của Ai Cập về một cuộc di tản trong thời điểm hiện tại. Nhưng tất nhiên, Ai Cập biết rằng điều này không có nghĩa là mối nguy hiểm đã được ngăn chặn”.
Về phần mình, Giáo sư Brown lưu ý trong những tuần qua, ngày càng rõ ràng rằng Ai Cập đang ưu tiên các lợi ích của chính mình. Ông nói: “Mối lo ngại của Cairo là cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ gây ra vấn đề cho Ai Cập”. Chính phủ Ai Cập, vốn vẫn duy trì quan hệ với Hamas và Israel, hiện cho biết họ sẽ xem xét lại vai trò hòa giải của mình đối với việc thả các con tin Israel do Hamas bắt giữ và lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Chính phủ Ai Cập cũng đang dự tính triệu hồi Khaled Azmi, Đại sứ Ai Cập tại Tel Aviv, theo tờ Wall Street Journal. Bên cạnh đó, Ai Cập cho biết họ sẽ tham gia vụ kiện “diệt chủng” của Nam Phi nhằm vào Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague. Giáo sư Brown nhấn mạnh: “Việc tham gia vụ kiện thể hiện sự bất bình một cách rất trực tiếp đối với giới lãnh đạo Israel”.
Tuy nhiên, Timothy E. Kaldas, Phó Giám đốc Viện Chính sách Trung Đông Tahrir có trụ sở tại Mỹ không cho rằng Ai Cập sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Israel. Ông nói: “Ai Cập có rất nhiều cách khác để thể hiện sự bất mãn mà không leo thang đến mức bãi bỏ hiệp ước hòa bình với Israel”.
Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng điều quan trọng đối với Ai Cập là duy trì thỏa thuận hòa bình với Israel, vì điều này sẽ cho phép thương mại song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển. Đặc biệt, Ai Cập phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu từ Israel và cũng không muốn mạo hiểm với sự hỗ trợ quân sự rất cần thiết từ Mỹ.