Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell nhấn mạnh: “Nếu Israel tiếp tục hoạt động quân sự ở Rafah, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến mối quan hệ giữa EU với Israel”. Tuyên bố nêu rõ hoạt động quân sự ở Rafah đang làm gián đoạn hơn nữa việc phân phối viện trợ nhân đạo ở Gaza và khiến thêm nhiều người phải đi sơ tán, gây ra nạn đói và đau khổ cho con người.
Ông Borrell khẳng định: "EU công nhận quyền tự vệ của Israel và Israel phải thực hiện quyền này phù hợp với Luật Nhân đạo quốc tế và đảm bảo an toàn cho dân thường”. Luật này yêu cầu Israel cho phép viện trợ nhân đạo.
EU - đối tác thương mại lớn nhất của Israel, cũng là nhà tài trợ viện trợ chính cho các vùng lãnh thổ Palestine - cho biết hơn một triệu người trong và xung quanh Rafah đã được Israel yêu cầu sơ tán khỏi khu vực này đến các nơi khác mà Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá là không an toàn.
EU cũng lên án cuộc tấn công của Hamas vào cửa khẩu biên giới Kerem Shalom. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tăng cường nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và thả vô điều kiện tất cả các con tin”.
Trước đó, Mỹ và LHQ đều đã cảnh báo Israel không tiến hành một chiến dịch lớn ở Rafah vì sẽ làm tăng thêm thương vong cho dân thường.
Trong một diễn biến khác, LHQ đã mở một cuộc điều tra cuộc tấn công khiến nhân viên của họ thiệt mạng ở Rafah ngày 13/5. Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ cho biết đây là những nhân viên đầu tiên của LHQ thiệt mạng tại Gaza kể từ ngày 7/10/2023.