Syria: Mỹ nói toạc ý định, Nga tiếp cận hàng đôi

Tướng 4 sao John Allen, đặc phái viên của Mỹ về liên minh chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng một lần nữa lên tiếng “đòi” Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, giữa lúc cuộc khủng hoảng tại Syria có dấu hiệu tăng nhiệt.


“Vấn đề Syria sẽ không được giải quyết bằng biện pháp quân sự, mà phải ở cấp độ chính trị. Syria cần phải có một thời kì chuyển tiếp mà không có sự hiện diện của ông Assad. Ông ấy không thể là một phần của giải pháp. Điều tôi đề xuất là chúng ta phải tập trung vào một thời kì chuyển đổi chính trị mà ở đó ông Assad, giới lãnh đạo và phong cách cầm quyền hiện nay phải bị gạt bỏ”, Tướng  Allen, cựu Tư lệnh quân đội NATO tại Afghanistan phát biểu trong bài trả lời phỏng vấn được kênh ABC News (Mỹ) công bố ngày 14/9.

Ông John Allen trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình về vấn đề Syria. Ảnh: ABC News


Cũng là loại bỏ Tổng thống Assad, nhưng truyền thông phương Tây bắt đầu lên tiếng về kịch bản phương Tây thiên một giải pháp quân sự, giữa lúc cuộc khủng hoảng người di cư lên tới đỉnh điểm. Trên thực địa, cỗ máy chiến tranh cũng đã bước đầu vào guồng. Các chiến dịch “không kích IS” của liên quân do Mỹ đứng đầu lần đầu tiên có sự tham dự của Australia, Anh và nhiều khả năng là cả Pháp. Chỉ có điều mục tiêu ném bom thực sự là nhằm vào ai? Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 14/9 cáo buộc, Mỹ thừa biết vị trí mục tiêu của IS, nhưng không tiến hành không kích các điểm này.

Suy cho cùng, mục tiêu của Mỹ trong vấn đề Syria cho đến thời điểm này không có sự thay đổi: Tổng thống Assad phải ra đi, dù là bằng giải pháp chính trị hay can dự quân sự.

Phản ứng và cách tiếp cận của Nga

Sau Ukraine, Syria hiện nổi lên là điểm nóng chứng kiến đối đầu lợi ích Nga - Mỹ. Truyền thông phương Tây mấy ngày qua liên tục phát đi những thông tin nói rằng Nga liên tục tăng cường hiện quân sự tại Syria. Tờ New York Times dẫn lời các nguồn tin giấu tên nói rằng Nga đã chuyển giao cho Damascus 6 xe tăng T-90, 15 súng cối, 35 xe bọc thép chở quân; khoảng 200 lính Nga cũng đã hiện diện gần thành phố cảng Lakatia – nơi mà Moskva “trù tính” sẽ xây dựng một đường băng mới.

Đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad ngày 14/9 xác nhận, quân đội nước này tiếp nhận vũ khí, trang bị của Nga, nhưng tất cả đều là nằm trong khuôn khổ hợp tác quân sự song phương được hai bên ký kết và tuyệt nhiên không có chuyện binh sĩ Nga hiện diện ở Syria. Quan điểm này cũng được Moskva đưa ra nhiều lần trước đó, kèm theo lời khẳng định Mosvka sẽ tiếp tục chuyển giao vũ khí, gửi chuyên gia quân sự tới Syria trong thời gian tới.

Máy bay của Nga chở hàng cứu trợ tới Syria. Ảnh: Reuters


Giới phân tích nhận định, động thái tăng cường can dự của Nga tại Syria xuất phát từ việc phương Tây đang ngày một tích cực trong kế hoạch quân sự nhằm lật đổ ông Assad. Ít có khả năng về việc Nga sẽ đưa quân và can thiệp sâu vào Syria, bài học sa lầy của Liên Xô tại Afghanistan vẫn còn nguyên giá trị, nhưng hậu thuẫn cho Damascus là điều cần phải làm.

Mục tiêu của Mosvka là gì? Không quá khó để nhận ra tầm quan trọng địa chiến lược của Syria đối với Nga. “Syria sẽ là điểm phóng tầm bao quát ảnh hưởng tốt nhất của Nga tại khu vực trong vài thập kỉ tới”, Stephen J. Blank, chuyên gia quân sự về Nga tại Hội đồng chính sách Đối ngoại Mỹ (AFPC) bình luận. Ông này cũng so sánh bước đi của Moskva tại Syria hiện nay tương tự với quyết định triển khai quân sự của Liên Xô tại Ai Cập trong những năm 1970, vì với thế đứng tại Tartus (căn cứ hải quân) và Lakatia (không quân), Nga sẽ bao quát được toàn bộ vùng Cận Đông.

Moskva cũng đã lên tiếng về quyết định của mình: Đó là không để Syria lặp lại kịch bản của Libya 4 năm trước đây - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói. Lời phát biểu khái quát này mang một thông điệp rõ ràng: Moskva quyết không lặp lại sai lầm khi quá “cả tin” vào phương Tây. Ai cũng rõ, tại thời điểm năm 2011, Nga ủng hộ Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về thiết lập vùng cấm bay ở Libya, sử dụng mọi biện pháp cần thiết – ngoại trừ chiếm đóng quân sự nước ngoài, để bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, về sau Nga đã chỉ trích phương Tây đi quá giới hạn nghị quyết, cốt chỉ nhằm mục đích hạ bệ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi.

Nguồn vũ khí từ Nga sẽ giúp quân đội Syria có thêm sức mạnh chiến đấu trong bối cảnh quân chính phủ liên tiếp gặp bất lợi trên chiến trường. Damascus khi đó sẽ không dễ dàng chấp nhận thất bại trước phe đối lập, cũng như khả năng can dự từ bên ngoài. Đó cũng là cách để Nga có được vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán, một khi phải đối phó với kịch bản xấu nhất là ông Assad không còn tại vị.

Bên cạnh những diễn biến quân sự diễn ra dồn dập, người ta vẫn thấy cánh cửa để ngỏ cho đàm phán Nga – Mỹ. Chống IS có thể sẽ là tiền đề đưa đến một tầm nhìn chung của cả Moskva và Washington, khi mà lực lượng này trên thực tế được cho là kiểm soát khoảng 50% lãnh thổ Syria, trong khi “phe ôn hòa đối lập” do Mỹ, phương Tây hậu thuẫn chỉ chiếm được khoảng 20%. Vấn đề khi đó là các bên liên quan sẽ chấp nhận mức giá như thế nào, mà điểm mấu chốt là câu hỏi: Ông Assad là một phần của giải pháp hay là vấn đề của giải pháp?

Những cuộc tiếp xúc 3 bên giữa Nga, Iran, Saudi Arabia từ tháng 6 tới nay cho thấy Moskva muốn tìm kiếm điểm cân bằng với Mỹ trong vấn đề Syria. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 15/9, khi được hỏi về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng cấp người Mỹ Obama có tiến hành các cuộc thảo luận về tình hình Syria, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng: Đối thoại giữa Moskva và Washington nhằm giải quyết khủng hoảng Syria là điều “không thể thiếu được”.

Bức tranh có thể sẽ dần sáng tỏ hơn vào cuối tháng này, khi Tổng thống Putin đến New York hôm 28/9 tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức quốc tế này. Tại đó, ông chủ Điện Kremlin được cho là sẽ có bài phát biểu đề cập đến cách tiếp cận của Nga về cuộc khủng hoảng Syria.
Hoài Thanh (Theo The Moscowtimes, Jpost)
Vì sao không thể can thiệp quân sự vào Syria?
Vì sao không thể can thiệp quân sự vào Syria?

Những ngày gần đây, có dư luận cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề người tị nạn cần phải can thiệp quân sự vào Syria; để cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) được hiệu quả cần phải sử dụng thêm cả bộ binh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN