Sự thống nhất và hình ảnh của EU có nguy cơ bị hủy hoại

Hình ảnh em bé chết đuối trôi dạt vào bờ biển, những người tị nạn bị nhồi nhét và đánh đập trên những chuyến tàu cùng những hàng rào dây thép gai được dựng lên trên khắp châu Âu... đang biến cuộc khủng hoảng nhập cư này trở thành một vấn đề mang tính đạo đức nhức nhối không kém gì cuộc khủng hoảng Eurozone.


Hình ảnh thi thể em bé 3 tuổi người Syria dạt vào bờ biển đã lay động cả thế giới.


Mâu thuẫn sâu sắc về cách đối phó với làn sóng di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông, châu Phi và châu Á đã và đang tạo ra không ít thách thức đối với các giá trị cũng như vị thế toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời đe dọa xói mòn tính thống nhất của khối này trong việc cải cách Khu vực đồng euro (Eurozone) và xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp.

Có thể nói, hình ảnh em bé chết đuối trôi dạt vào bờ biển, những người tị nạn bị nhồi nhét và đánh đập trên những chuyến tàu cùng những hàng rào dây thép gai được dựng lên trên khắp châu Âu... đang biến cuộc khủng hoảng nhập cư này trở thành một vấn đề mang tính đạo đức nhức nhối không kém gì cuộc khủng hoảng Eurozone. Cả hai trường hợp này đều đang đặt tính thống nhất của EU trước thử thách lớn.

Cuộc khủng hoảng di cư không chỉ khiến EU bị coi là "vô dụng", chia rẽ và thiếu lương tâm trong mắt cộng đồng quốc tế, mà nó còn gây ra bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên, kích động chủ nghĩa dân túy chính trị và tư tưởng chống Hồi giáo. Có thể nói, cuộc khủng hoảng này đang làm xói mòn lý tưởng về hội nhập châu Âu một cách toàn diện.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ quá khứ cho thấy trước khi tìm ra cách đối phó với những thách thức mới, EU thường phải đối mặt với không ít chia rẽ và bất đồng. Giới chức EU có thể sẽ phải thay đổi chính sách để xử lý cuộc khủng hoảng này và dập tắt lo ngại về nguy cơ sụp đổ của khu vực Schengen, nơi người ta được tự do đi lại giữa 26 nước châu Âu.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nỗ lực thuyết phục những người đồng cấp châu Âu chia sẻ gánh nặng cứu trợ người nhập cư, những người chạy trốn khỏi chiến tranh và chết chóc tại Syria, Iraq, Afghanistan, Libya và nhiều khu vực khác. Bà nói: "Cả thế giới đang quan sát chúng ta... Nếu châu Âu không giải được bài toán người tị nạn, cam kết mạnh mẽ của chúng ta về nhân quyền sẽ trở nên vô giá trị, và chúng ta sẽ không thể hoàn thành giấc mơ châu Âu như đã định".

Gần 3.000 người tị nạn đã thiệt mạng trên biển trong hành trình tới châu Âu.


Nỗ lực của bà Merkel nhằm tận dụng vị thế lãnh đạo của Đức trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư - trái ngược hoàn toàn với thái độ thận trọng khi xử lý cuộc khủng hoảng Eurozone - nhận được sự ủng hộ hết sức dè dặt từ phía các đồng minh thân thiết như Pháp, nơi làn sóng phản đối của dư luận trong nước về việc cứu trợ người tị nạn ngày càng dâng cao, trong khi Hungary và Anh cùng nhiều nước khác lại phản đối các quan điểm này.

Ưu tiên của nhiều chính trị gia châu Âu - những người đang nỗ lực thu hút lá phiếu cử tri - là ngăn chặn làn sóng di cư ồ ạt đổ vào đất nước hơn là dành cho những con người khốn khổ này các cứu trợ nhân đạo, nhất là khi họ lại là người Hồi giáo.

Lần đầu tiên trong thập kỷ qua, kể từ khi 10 nước Trung Âu gia nhập EU, mâu thuẫn Đông-Tây lại xuất hiện, khi hầu hết các thành viên mới từ chối tiếp nhận người tị nạn, và nhiều nước còn thẳng thắn tuyên bố lý do là vì nguồn gốc tôn giáo. Điều này đã buộc Thủ tướng Áo Werner Faymann phải nhấn mạnh rằng nếu các nước Đông Âu không chịu chia sẻ gánh nặng cứu trợ tị nạn, EU sẽ buộc phải cân nhắc các khoản tài trợ trong tương lai dành cho phát triển của họ.

Trong khi giới lãnh đạo châu Âu chật vật tìm tiếng nói chung, những bất đồng giữa họ đang báo trước không ít thách thức trong việc có được những giải pháp đồng bộ và thống nhất để chống chọi lại các thách thức về kinh tế và môi trường như cải cách khu vực đồng euro và xử lý tình trạng biến đổi khí hậu. Nhà phân tích Tina Fordham, trưởng nhóm phụ trách chính trị toàn cầu thuộc ngân hàng Citi (Mỹ), cho rằng cuộc khủng hoảng di cư là nguyên nhân chính dẫn tới các rủi ro chính trị cho châu Âu. Bà nói: "Châu Âu đang phải vật lộn với không chỉ một rắc rối. Bất đồng và thiếu quyết đoán trong việc giải quyết vấn đề tị nạn và nhập cư có thể phá hủy sự thống nhất của EU, khiến họ không còn đủ sức mạnh chính trị để đối mặt với những thách thức khác như kinh tế hay cuộc chiến ở Ukraine".

TTK
Người Đức chào đón dân di cư bằng đồ chơi, thực phẩm
Người Đức chào đón dân di cư bằng đồ chơi, thực phẩm

Tối 5/9 vừa qua, người Đức đã vui mừng đón chào đoàn tàu đầu tiên chở người chạy nạn từ Syria sang trong tiếng reo hò, vỗ tay cùng nhiều tặng phẩm như thức ăn, đồ chơi, quần áo. (video dưới).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN