Khủng hoảng di cư: Giáo hoàng lên tiếng, châu Âu vẫn bất đồng

Giáo hoàng Francis kêu gọi mỗi giáo phận, cộng đồng tôn giáo ở châu Âu cưu mang một gia đình người di cư, xem đây là biểu tượng của tinh thần đoàn kết.

Phát biểu trước các tín đồ tại Quảng trường St Peter tại Vatican ngày 6/10, Giáo hoàng nói: “Tôi kêu gọi mỗi giáo phận, cộng đồng tôn giáo, tu viện, thánh đường của toàn châu Âu cưu mang một gia đình người di cư”. Người đứng đầu Tòa thánh cũng kêu gọi các tín đồ thể hiện “cử chỉ” đoàn kết ngay trước thời điểm “Năm Thánh tình thương” (Jubilee Year of Mercy) bắt đầu từ tháng 12 tới. Trong vài ngày tới, hai giáo phận ở Vatican sẽ đón tiếp hai gia đình người tị nạn – Giáo hoàng bày tỏ.

Người di cư vui mừng khi đặt chân tới Đức. Ảnh: Getty Images


Lời kêu gọi của Giáo hoàng được đưa ra tại thời điểm khủng hoảng người di cư vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Hôm 6/9, hàng loạt những chuyến tàu chở người di cư đã từ Budapest hướng tới biên giới Áo trước khi sang Tây Âu. Đã có 13.000 người kịp “lên tàu” chỉ trong 36 tiếng Hungary đồng ý cho người di cư được phép đi tới Đức. Thế nhưng đó chưa phải là kết cục cuối cùng. Hàng ngàn người vẫn tiếp tục đổ về Hungary mỗi ngày qua ngả Balkan, tiến nhanh về biên giới với Serbia. Dòng người được dự báo là sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, khi những người chạy nạn gốc Syria, Iraq giờ đã “phát hiện” các tuyến đường bộ mới tới châu Âu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp “an toàn và rẻ hơn” hơn so với hành trình vượt biển Địa Trung Hải từ Lybia.

Châu Âu chia rẽ

Liên minh châu Âu (EU) vẫn chia rẽ sâu sắc về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Cuộc gặp cấp ngoại trưởng 28 nước thành viên tại Luxembourg hôm 6/9 chỉ làm tăng bất hòa trong nội bộ khối. Ông Peter Altmaier, Chánh văn phòng phủ Thủ tướng Đức cho biết: Đức đã đối mặt với thách thức khủng hoảng trong nhiều tháng qua và sẽ tiếp tục tiếp nhận thêm người di cư. Tối muộn cùng ngày, các đảng phái trong chính phủ liên minh cầm quyền tại Đức cũng đã đạt được thỏa thuận quan trọng về bổ sung khoản ngân sách 6 tỉ euro cho năm tài khóa 2016, dùng để trợ giúp người tị nạn.

Trong EU, Đức hiện được xem là nước “cởi mở” nhất với dòng người chạy nạn và nước này dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 800.000 người di cư trong năm nay. Chính quyền Berlin cũng kêu gọi các thành viên EU chung tay trong cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, thông điệp trên đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ, nhất là từ một số nước Đông Âu.

Hungary, nước đứng ở “tuyến đầu” trong cuộc khủng hoảng hiện nay, vẫn tỏ ra khá cứng rắn với người tị nạn. Trong khi cho phép người di cư đặt chân tới Hungary được phép đi tới các nước Tây Âu khác như trong 2 ngày qua, chính quyền Budapest trong tuần này sẽ thực thi các biện pháp mạnh tay nhằm trấn áp những người chạy nạn mới tới. Thủ tướng Viktor Orban thậm chí còn mô tả những bước đi này là cuộc chiến đấu để “bảo vệ” các giá trị đạo Thiên Chúa trước làn sóng di cư Hồi giáo. Cùng lúc, chính phủ Áo “dọa” xem xét đóng cửa trở lại biên giới với Hungary, ngăn không cho người chạy nạn vượt sang Đức.

Những nước thuộc khối Visergrad khác như Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovakia cũng phát đi thông điệp không chấp thuận sáng kiến mà Đức, Pháp đưa ra về “phân bổ hạn ngạch” bắt buộc tiếp nhận người di cư đối với các nước thành viên EU. Thay vì giải pháp tạm thời kiểu “cắt ngọn”, khối Visergrad muốn EU hướng tới các biện pháp mang tính dài hạn, xử lý tận gốc các yếu tố từ bên ngoài. Đó là trợ giúp tài chính cho các nước có đông người chạy nạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon, Iraq, tấn công vào mạng lưới buôn người bất hợp pháp, quản lý tốt quy trình cấp quy chế tị nạn…

Lực lượng cánh hữu cũng là nhân tố làm gia tăng chia cắt trong lòng châu Âu. Phó Chủ tịch đảng cánh hữu Mặt trận Nhân dân Pháp (NFP) Florian Philippot cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang tiếp tay thúc đẩy di cư bất hợp pháp tới châu Âu. Ông này thậm chí còn nói rằng việc Berlin “sẵn lòng” tiếp đón dòng người tị nạn là cốt để có “một thị trường nô lệ” giúp cung ứng nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp Đức.

Hoài Thanh (Theo Nytimes, DW)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN