Trong nhiều năm qua, để tránh cuộc nội chiến, người dân Syria đã tìm cách di cư đến Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ với số lượng lớn, song họ lại ít nghĩ tới những điểm đến ở các nước láng giềng vùng Vịnh giàu có với những hành trình có thể mang đến ít rủi ro hơn.
Người tị nạn Syria tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ ở Hatay. Ảnh: EPA |
Trên thực tế, người dân Syria có thể lựa chọn xin thị thực du lịch hoặc giấy phép lao động cho người nước ngoài để có thể nhập cảnh vào các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên quá trình này khá tốn kém, hơn nữa nhiều nước vùng Vịnh có những qui định và hạn chế riêng khiến cho việc thông qua thủ tục xin thị thực đối với người Syria không hề dễ dàng.
Đây là một rào cản lớn mà phần lớn người Syria phải đối mặt. Không có thị thực, họ không được cho phép nhập cảnh vào các nước Arập, ngoại trừ Algeria, Mauritania, Sudan và Yemen.
Những trường hợp người Syria đã kéo dài thời gian cư trú hoặc được phép nhập cư tại các nước vùng Vịnh được là bởi họ vốn có người thân và gia đình ở đó.
Giới truyền thông đã đặt câu hỏi liệu những quốc gia vùng Vịnh gần kề có nhiều nghĩa vụ với Syria (đất nước đang trải qua 4 năm nội chiến và những nhóm đối lập, nổi dậy đang xuất hiện như nấm sau mưa) nhiều hơn là các nước châu Âu xa xôi hay không.
Mới đây tờ nhật báo Makkah của Saudi Arabia đã đăng bức biếm họa đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, trong đó có một người đàn ông trong trang phục truyền thống của vùng Vịnh nhìn ra ngoài cửa có hàng rào sắt xung quanh rồi chỉ tay về phía chiếc cửa với cờ của EU trên đó và nói: "Những kẻ khiếm nhã này, tại sao lại không cho họ vào?".
Bức tranh biếm họa trên tờ nhật báo Makkah. |
Mặc dù dư luận là vậy song trên thực tế ngay bản thân những người tị nạn Syria cũng không mấy mặn mà với việc di cư tới các nước vùng Vịnh.
Còn nhiều ý kiến cho rằng, Saudi Arabia, quốc gia lớn nhất vùng Vịnh từ chối tiếp nhận người di cư là không chính xác. Ông Nabil Othman đại diện vùng Vịnh tại Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết đã có 500.000 người Syria tại Saudi Arabia. Tuy nhiên, do nước này không tham gia hiệp ước về người tị nạn của Liên hợp quốc nên những người Syria trên không chính thức được coi là người tị nạn và như vậy họ cũng mất đi rất nhiều quyền lợi.
Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến tranh cãi trong dư luận rằng trong khi Saudi Arabia có dân số gần 31 triệu người lại đứng ngoài cuộc thì Lebanon lại đã tiếp nhận tới 1,3 triệu người tị nạn Syria, tương đương hơn 1/4 dân số nước này.
Trước tình hình đó, một số nước vùng Vịnh đã có lý giải về cách giải quyết của riêng họ. Chính phủ UAE cho biết đã tài trợ 549 triệu USD trong hỗ trợ nhân đạo và ủng hộ các trại tị nạn ở Jordan và phía bắc Iraq. Theo họ việc này là giải pháp dài hạn hơn cho những người tị nạn Syria bởi khi cuộc nội chiến kết thúc, họ có thể quay trở về nhà một cách dễ dàng. Trong khi đó, các quan chức Saudi Arabia và Qatar vẫn chưa đưa ra ý kiến về điều này.
Ngoài ra, người nhập cư sẽ khó tạo được cuộc sống ổn định ở những quốc gia này do việc nhập quốc tịch vô cùng khó khăn, và hơn nữa việc tìm được việc làm cũng không hề đơn giản.
Thị trường việc làm tại các nước vùng Vịnh như Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và UAE hầu hết dựa vào lao động nhập cư Ấn Độ hoặc Đông Nam Á, đặc biệt là đối với những công việc lao động cơ bản. Tuy nhiên chính phủ các nước này vẫn ưu tiên cho các lao động là người bản xứ. Năm 2012, Kuwait thậm chí còn công bố chiến lược giảm 1 triệu lao động người nước ngoài trong 10 năm tới.
Một số chuyên gia kết luận, với những khó khăn nhãn tiền về thủ tục và hòa nhập cuộc sống như vậy tại các nước trong khu vực thì làn sóng người Syria muốn tìm đến những "miền đất hứa" ở châu Âu, bất chấp việc họ phải trải qua những hành trình đầy hiểm nguy trên biển, cũng là điều dễ hiểu.