Tình trạng xuất hiện các ổ lây nhiễm tập thể, vốn tập trung nhiều tại thành phố Deajeon, khu vực thủ đô Seoul, vùng phụ cận gồm thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, cũng có xu hướng lan rộng ra những địa phương khác. Nguy cơ đại dịch COVID-19 tái bùng phát trên quy mô rộng tại Hàn Quốc ngày càng hiện hữu trong bối cảnh đợt lây nhiễm COVID-19 thứ hai đã xuất hiện tại khu vực thủ đô Seoul.
Trên thực tế, ngay khi Hàn Quốc tuyên bố nới lỏng giãn cách xã hội vào tháng 5 để giảm bớt ảnh hưởng kinh tế, số ca nhiễm mới lại tăng đột biến, một phần do lây nhiễm tập thể ở hộp đêm và quán bar tại khu phố Tây Itaewon tại thủ đô Seoul vào kỳ nghỉ cuối tuần.
Bên cạnh các ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu là ở những nơi quy định giãn cách xã hội không được đảm bảo, tập trung đông người làm việc và sinh hoạt tập thể như nhà thờ, câu lạc bộ bóng bàn, bệnh viện, văn phòng lớn hay kho hàng, Hàn Quốc còn phải đối mặt với nguồn lây nhiễm từ nước ngoài khi số công dân Hàn Quốc và người nước ngoài từ các vùng dịch nhập cảnh vẫn rất lớn.
Tình hình này đã "đảo ngược" những thành quả Hàn Quốc đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19, khi quốc gia Đông Bắc Á từng được coi là một trong những hình mẫu chống dịch COVID-19 trên thế giới nhờ kiểm soát hiệu quả đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 đầu tiên hồi tháng Hai.
Những thực tế trên đã khiến giới chức y tế Hàn Quốc mới đây phải đánh giá lại tình hình dịch bệnh, thừa nhận dự đoán ban đầu cho rằng làn sóng thứ hai sẽ đến vào mùa Thu hoặc mùa Đông tới là sai, và khẳng định việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp diễn nếu người dân còn tiếp xúc gần với nhau. Một số quan chức còn cho rằng hiện Hàn Quốc đang phải đương đầu với làn sóng COVID-19 thứ hai khi các ca nhiễm đã xuất hiện ở 11/17 tỉnh thành trong nước.
Thực tế là làn sóng thứ hai này đã bắt đầu xuất hiện sau kỳ nghỉ cuối tuần hồi đầu tháng 5 từ khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới một nửa dân số Hàn Quốc. Nguy cơ lây nhiễm là rất lớn bởi quy định giãn cách xã hội không được đảm bảo như trước: Các cửa hàng ăn uống hoạt động bình thường, người dân đi làm và nhiều người phải ăn trưa bên ngoài, các trường học đã mở cửa trở lại và các phương tiện giao thông công cộng thì luôn đông khách vào giờ cao điểm.
Thị trưởng Seoul, ông Park Won Soon phải lên tiếng cảnh báo nếu tỉ lệ lây nhiễm gần đây vẫn tiếp diễn, Seoul sẽ sớm ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày. Thị trưởng Park Won Soon cũng cho rằng thủ đô Seoul có thể sẽ cần tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nếu như các ca nhiễm bệnh trong thành phố trung bình là 30 ca/ngày trong 3 ngày tới và nếu tỷ lệ tiếp nhận bệnh nhân cần giường bệnh trong các bệnh viện của thành phố vượt quá 70%.
Tại Hàn Quốc hiện có khoảng 200.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc, may mắn trong cộng đồng người Việt mới chỉ ghi nhận 3 ca nhiễm bệnh. Tỷ lệ nhiễm bệnh thấp có lẽ nhờ ý thức phòng chống dịch của cộng đồng người Việt, thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Trước làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai, bà con đã chủ động tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc là tình hình dịch kéo dài ảnh hưởng tới cuộc sống và việc làm, trong khi những người muốn về nước cũng chưa thể trở về vì chưa có chuyến bay thương mại giữa hai nước.
Anh Nguyễn Văn Sáng, một lao động Việt Nam ở thành phố Anseong, hết hạn hợp đồng với chủ lao động từ tháng 4, chia sẻ trước thực tế không có chuyến bay thương mại, Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Hàn Quốc đã gia hạn thị thực 50 ngày cho các lao động hết hợp đồng, song thời gian 50 ngày này cũng sắp hết mà anh chưa mua được vé bay về nước. Anh Sáng đã xin chính quyền địa phương gia hạn thêm thị thực, song không được chấp thuận. Và trong thời gian “thất nghiệp” này, anh Sáng vẫn phải nộp tiền bảo hiểm và trả các chi phí sinh hoạt nên khá khó khăn về tài chính.
Trịnh Mạnh Hùng, một lao động Việt Nam khác ở thành phố Suwon, cũng trong hoàn cảnh tương tự. Lao động này cho biết: “Em là lao động đã hết hợp đồng đang chờ chuyến bay về nước. Em cũng đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng như Ban Quản lý lao động Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để trình bày những khó khăn mà bản thân em và anh em lao động khác đang đối mặt”.
Hùng tâm sự muốn về nước đúng thời hạn để hoàn thành nghĩa vụ của một lao động mẫu mực, như thế mới có cơ hội tham dự kỳ thi tuyển và sớm quay trở lại Hàn Quốc làm việc cũng như lấy lại tiền ký quỹ 100 triệu và những quyền lợi khác của mình.
Thực tế là nếu không được Chính phủ Hàn Quốc gia hạn thị thực, các lao động Việt Nam hết hợp đồng lao động này sẽ trở thành những người sinh sống bất hợp pháp tại đây và theo quy định hiện nay, họ sẽ không được hoàn trả số tiền ký quỹ trước khi sang Hàn Quốc làm việc.
Trước tình hình này, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như Hàn Quốc tìm kiếm giải pháp thích hợp trong thời gian tới. Theo thống kê của Đại sứ quán, hiện có tới 3.000 người Việt tại Hàn Quốc đăng ký về nước, song tới nay mới có một chuyến bay đưa bà con ta về nước do khả năng tiếp nhận của các cơ sở cách ly ở Việt Nam.
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ hai đã bùng phát tại nhiều địa phương của Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cảnh báo nước này cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống dịch kéo dài. Hiện KCDC cho biết vẫn đủ khả năng xử lý và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 và vẫn chưa tiến hành tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, song khi tình hình số ca nhiễm mới tăng đều hằng ngày như hiện nay, các cơ quan y tế Hàn Quốc có thể buộc phải cân nhắc lại quan điểm này trước khi quá muộn.
Bà Youngmee Jee, Giáo sư thỉnh giảng Trường Hành chính công, Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng do các ca lây nhiễm bệnh mới ở khu vực Seoul-vùng phụ cận và tỷ lệ ca nhiễm không rõ nguồn gốc tăng, nên khó dự đoán tình hình dịch bệnh ở những khu vực đô thị này. Do đó, theo bà, Chính phủ Hàn Quốc nên có sự điều chỉnh, nới lỏng hay tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để làm sao đảm bảo sự cân bằng giữa việc giảm ảnh hưởng kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khỏe người dân.
Dĩ nhiên, theo chuyên gia này, các nguồn lực y tế để đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai và thứ ba là rất quan trọng, trong đó có các cơ sở, thiết bị và nhân viên y tế của tư nhân. Để đảm bảo việc này, Chính phủ Hàn Quốc nên có chính sách thiết lập sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân.
Giáo sư Jee cũng cho rằng Hàn Quốc nên đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển vaccin cũng như cách thức điều trị, tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với sự hợp tác của các nước. Hiện Hàn Quốc đã dành nhiều ngân sách cho nghiên cứu và phát triển vaccine cũng như cách thức điều trị, song theo giới chuyên gia, vẫn cần đầu tư nhiều hơn nữa.
Hàn Quốc đã viết nên một câu chuyện thành công trong phòng chống làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19, song làn sóng lây nhiễm thứ hai này cho thấy đại dịch sẽ tiếp diễn trong nhiều tháng nữa nếu Chính phủ Hàn Quốc cũng như các chính quyền địa phương không thay đổi quy định phòng chống dịch hiện nay.