Thứ nhất, Mỹ rút quân "nhanh quá mức" khỏi Trung Đông do bị ám ảnh về sự nổi lên của châu Á. Thứ hai, Mỹ không sớm nhìn thấy sự trở lại của Nga. Thứ ba, Mỹ thiếu quyết đoán với vai trò một cường quốc của khu vực châu Á-Thái Bình Dương...
Tổng thống Obama đã mắc nhiều sai lầm trong chính sách đối ngoại?. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chơi một ván bài lớn. Để đánh dấu sự trở lại trên trường quốc tế, ông Putin đã triển khai trên chiến trường tại Syria toàn bộ vũ khí mới của Nga: Chiến đấu cơ Sukhoi S35, trực thăng tấn công M28 và tiến hành phóng 26 tên lửa liên lục địa tầm xa từ biển Caspian, cách các mục tiêu tại Syria tới 2.000 km. Hơn nữa, ông Putin còn cho triển khai cả lực lượng phản ứng nhanh, có khả năng tác chiến trên mặt đất và có thể chiếm "chỗ trống" do không quân tạo ra; thành lập một trung tâm phối hợp thông tin tình báo chung với Iran và Iraq. Theo đó, nước Nga đã phô diễn tất cả các sức mạnh của một cường quốc quân sự mà từ trước đến nay dư luận vẫn tin rằng chỉ Mỹ mới có.
Tình hình ở thực địa và tuyên bố của Moskva cho thấy lực lượng không quân Nga đã tiến hành không kích cường độ cao tại Syria. Lượng bom đạn của Nga trong một ngày tương đương lượng bom đạn mà liên minh quốc tế dùng để tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong một tháng. Đây là một thông điệp mạnh mẽ mà Nga muốn gửi đến Mỹ sau quãng thời gian bị xếp vào "cường quốc hạng hai". Nếu chỉ tính trên chiến trường Trung Đông, Nga đã một lần nữa trở thành một siêu cường quân sự như trong thời Chiến tranh Lạnh. Moskva cho thấy có khả năng can thiệp đến cả các mục tiêu ở xa các căn cứ của mình để bảo vệ đồng minh và buộc thế giới chấp nhận ý niệm của mình về trật tự thế giới.
Từ năm 2011, ông Obama đã thực hiện chiến lược mới đối với khu vực Trung Đông bằng việc rút quân ra khỏi Iraq theo 2 nguyên tắc: Một là, Mỹ chỉ giữ vai trò lãnh đạo từ phía sau, chỉ hỗ trợ thông tin và hậu cần. Hai là, Mỹ buông dần quan hệ với Saudi Arabia và xích lại gần hơn với Iran (cường quốc khu vực trong tương lai và không thừa nhận sự tồn tại của nhà nước Israel).
Tại Trung Đông, các lực lượng Mỹ rút khỏi Iraq đã tạo ra một "khoảng trống" để IS giành đất và mở rộng ảnh hưởng ở Syria. Tại Afghanistan, ông Obama dường như đã nhận ra sai lầm của mình và đã quyết định hoãn việc rút toàn bộ quân đội khỏi nước này cho tới cuối nhiệm kỳ của mình. Chính quyền Obama biện minh cho việc rút lui khỏi Trung Đông là để dành ưu tiên cho chiến lược "xoay trục" sang châu Á.
Thực tế là Mỹ đã giữ vai trò chi phối tình hình chính trị, quân sự và các căng thẳng ở Trung Đông, Đông Âu và cả Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao Mỹ có thể duy trì "địa vị độc tôn" của mình với các điểm nóng này trong giai đoạn hiện nay, khi mà cán cân lực lượng và vai trò của các cường quốc đã thay đổi rất nhiều? Ở Thái Bình Dương, Mỹ còn phải đương đầu với một vấn đề nhạy cảm là tự do hàng hải trên Biển Đông và tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Đây là thử nghiệm mới cho một siêu cường với một ngân sách quốc phòng khổng lồ 577 tỷ USD trong năm 2015 (tăng 10% so với năm 2014) nhưng vẫn chưa tìm thấy một chính sách đối ngoại nhất quán và hiệu quả trong một thế giới đa cực.