Báo "Liên hợp Buổi sáng" của Singapore mới đây đã đăng bài phân tích của tác giả Trương Vệ Đông về bản chất chiến lược đối ngoại của Mỹ. Theo tác giả, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, trọng điểm chiến lược của Mỹ trong một thời gian dài là ở châu Âu.
Binh sĩ Mỹ tới Ba Lan tập trận chung ngày 23/4. |
Chiến tranh Lạnh kết thúc, tình hình châu Âu cơ bản ổn định, trọng điểm chiến lược của Mỹ bắt đầu chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã khiến cho quá trình dịch chuyển này bị đình trệ. Sau khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, tiến trình chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ lại được khởi động và không ngừng gia tăng.
Xem qua các biểu hiện hiện nay có thể thấy trọng tâm chiến lược của Mỹ chính là việc sử dụng nhiều các biện pháp, phòng ngừa và ngăn chặn tất cả các kẻ thù hoặc đối thủ tiềm tàng, duy trì vị trí “siêu cường” thế giới. Trong bài phát biểu năm 2010, ông Obama đã đề cập đến việc Mỹ quyết không chịu đứng ở vị trí thứ hai. Cho dù Mỹ không thừa nhận sự tồn tại của chiến lược kiềm chế, song thực tế cho thấy một loạt hành động của chính phủ Mỹ đều là trợ giúp cho chiến lược kiềm chế của họ.
Ở một góc độ nào đó, kiểu chiến lược kiềm chế này được thực hiện một cách toàn diện. Đối với các đồng minh Nhật Bản và châu Âu, cách Mỹ thực hiện là kiềm chế mang tính hợp tác. Một mặt thông qua hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự để thiết lập một liên minh thống nhất; mặt khác luôn thận trọng ngăn chặn đồng minh thoát khỏi vòng ảnh hưởng và kiểm soát, tạo ra sự uy hiếp đối với mình. Kiểu kiềm chế này khi Mỹ cảm thấy không bị uy hiếp có thể biểu hiện thành ôn hòa và phòng ngừa. Một khi tình hình biến động, sự phòng ngừa nhanh chóng trở thành kiềm chế. Trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng, Mỹ đều thâm nhập rất sâu vào các khu vực của đồng minh, đồng thời giữ thế chủ động rất lớn, để khi cần có thể dễ dàng khống chế.
Đối với đối thủ truyền thống có thực lực tương đối mạnh là Liên Xô trước kia và Nga sau này, cách thức mà Mỹ áp dụng là khống chế mang tính đối đầu. Do mối quan hệ kinh tế giữa hai bên khá lỏng lẻo, đồng thời hai bên khó tìm được tiếng nói chung về mặt chính trị, do vậy Mỹ muốn tăng cường kiềm chế Nga. Tuy nhiên, tiềm lực của Nga cũng tương đối lớn và sức uy hiếp của nước này cũng không hề nhỏ, nên Mỹ cố gắng tránh đối đầu trực diện.
Đối với Trung Quốc, Mỹ luôn sử dụng kiểu kiềm chế mang tính đa dạng. Cách thức mà Mỹ nhìn nhận đối với một Trung Quốc trỗi dậy rất phức tạp, tức là không muốn bỏ qua những lợi ích có được từ sự phát triển của Trung Quốc, song cũng lo lắng rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc đe dọa lợi ích của mình, vì vậy có sự phòng bị nhiều mặt, thậm chí có lúc chủ động gây nên sự vụ. Tuy nhiên, do hai bên có sự ràng buộc rất lớn về lợi ích, nên đã dẫn đến tình trạng một mặt không ngừng tăng cường hợp tác, mặt khác tiếp tục gia tăng tính đối kháng. Có thể nói, trong tất cả các lĩnh vực giao lưu giữa hai nước Mỹ - Trung đều vừa có tính hợp tác, vừa có tính đấu tranh.
Đối với các nước nhỏ ở khu vực Trung Đông dám thách thức Mỹ, Mỹ sẽ không chút do dự thực hiện kiểu kiềm chế bằng cách tiến đánh. Ở Iraq, Afghanistan, Mỹ đều thực hiện đánh đòn phủ đầu, sử dụng sức mạnh tuyệt đối để tiến hành một cuộc chiến tranh, làm đòn uy hiếp các nước khác.
Nhìn từ góc độ lợi ích quốc gia, kiểu chiến lược đối ngoại như vậy là dễ hiểu. Đặc biệt đối với nước Mỹ, lĩnh vực kinh tế và chính trị đều được xây dựng trên nền tảng “anh cả” của thế giới. Nếu như địa vị “anh cả” này không được bảo đảm, một loạt yếu tố như vị thế của đồng USD, sứ mệnh đạo đức và chính trị, quyền phát ngôn quốc tế, quan hệ đồng minh sẽ bị tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ quan hệ quốc tế lại là một chuyện khác. Bất kỳ nước nào cảm thấy bị kiềm chế đều không cảm thấy thoải mái, huống hồ, những nước bị Mỹ xem là đối thủ hoặc kẻ thù tiềm tàng đều không muốn làm nước nhỏ yếu đuối, và cũng không chịu ngồi yên. Như vậy, đối kháng và xung đột sẽ khó tránh khỏi.
Lê Hải