Sự dàn trải trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Những diễn biến bất ngờ tại Iraq đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông. Cùng với những điểm "nóng" mới đang nổi lên ở Đông Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Barack Obama đang bị dàn trải và có nguy cơ bị nhấn chìm trong nửa cuối nhiệm kỳ thứ hai này.

Sự lớn mạnh của lực lượng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni – Nhà nước Hồi giáo và vùng Levant (ISIL) - đang đe dọa sự tồn vong của nhà nước Iraq và đẩy Mỹ vào tình thế khó xử. Kể từ khi phát động cuộc chiến tranh lật độ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein dưới danh nghĩa chống khủng bố cách đây hơn 10 năm, Washington được xem là “chiếc ô” đảm bảo an ninh cho các chính thể tại Baghdad ngay cả khi đã rút toàn bộ binh lính về nước.

Vì thế, Mỹ không thể đứng ngoài những diễn biến ngày một xấu đi tại quốc gia Vùng Vịnh này. Trong cuộc khủng hoảng an ninh tại Iraq, Mỹ không có nhiều lựa chọn và buộc phải can dự (hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp). Trong bước đi đầu tiên, Washington một lần nữa buộc phải điều động hàng trăm cố vấn quân sự và có thể phải tiến hành một chiến dịch không kích để ngăn chặn nguy cơ thủ đô Baghdad bị thất thủ.

Tuy nhiên, chính quyền Obama có những lý do riêng để không can dự quá sâu vào cuộc khủng hoảng Iraq. Thứ nhất, nền kinh tế đang phục hồi khá mong manh không cho phép Washington mạnh tay trong các quyết định chi tiêu cho cỗ máy chiến tranh. Trong cuộc chiến được khơi mào cách đây 11 năm, ngoài tổn thất về nhân lực, Mỹ còn gánh chịu mức chi phí khổng lồ. Ước tính, đến năm 2011, Washington đã chi gần 802 tỷ USD cho cuộc chiến tại Iraq. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Washington lựa chọn can dự trực tiếp, điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải chấp nhận nhiều nguy cơ. Ngoài mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, Washington sẽ phải đối mặt với kẻ thù mới là ISIL và lực lượng này sẽ có thêm lý do để coi Mỹ là kẻ thù "không đội trời chung".

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: TTXVN


Bên cạnh đó, kể từ khi tình hình Iraq trở nên phức tạp, Mỹ và Iran đã có những dấu hiệu xích lại gần nhau để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Sự hỗ trợ vội vàng của Mỹ trong việc giải cứu chính phủ của Thủ tướng Iraq Maliki theo dòng Hồi giáo Shiite có thể khiến cộng đồng người Hồi giáo Sunni tin rằng Iran cùng với Mỹ đang trên cùng một mặt trận ủng hộ Thủ tướng Maliki và Tổng thống Syria Basar Al-Assad để làm suy yếu các nhóm thánh chiến hoặc cách ly những người Arập Sunni ở Iraq và Syria.

Điều đó chắc chắn sẽ làm gia tăng sự bất bình và chống đối của những người Arập Sunni ở bên trong và bên ngoài Iraq.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng Iraq chỉ là một phần trong bức tranh Trung Đông nhiều màu xám và những nỗ lực ngoại giao của Washington đối với khu vực này vẫn còn bế tắc. Sau các nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Ke-ri), tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine vẫn trì trệ. Trong khi đó, mặc dù đã trải qua 5 vòng đàm phán, nhưng các nỗ lực của Mỹ và Nhóm P5+1 nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran vào thời hạn chót 20/7 chưa có dấu hiệu khả quan do các bên vẫn bất đồng về những điểm then chốt.

Có thể nói toàn cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ trong nửa đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama đang bị "sa lầy". Chính sách xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vốn được Tổng thống Obama đưa ra trong nhiệm kỳ đầu, hiện vẫn chưa có những bước tiến rõ rệt dù Washington đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ cũng như thực hiện hàng loạt chuyến công du nhằm khẳng định chính sách tái cân bằng với khu vực này.


Trong bối cảnh đó, cuộc khủng hoảng tại "điểm nóng" Ukraine với những bước đi ngày càng cứng rắn và quyết đoán của Nga đã buộc chính quyền Obama phải điều chỉnh hướng đi của mình với việc thắt chặt trở lại chính sách với châu Âu sau một thời gian bị cho là "sao lãng". Trong vòng chưa đầy hai tháng, ông chủ Nhà Trắng đã hai lần công du “Lục địa già” với mong muốn lấp đầy các “lỗ hổng” trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và khẳng định sự “kề vai sát cánh” với các đối tác châu Âu. Trong khi Washington đang bị "co kéo" bởi chính sách "xoay trục" sang châu Á và trở lại sát cánh với châu Âu, việc tình hình Iraq diễn biến phức tạp và ngày càng cấp bách càng khiến chính sách đối ngoại của Mỹ bị dàn trải và căng như dây đàn.

Những thực tế không mấy dễ chịu trên ít nhiều cho thấy chính quyền Mỹ khá bị động trong chính sách đối ngoại của mình khi nguồn lực bị dàn trải trên nhiều mặt trận. Điều đó dẫn tới hệ lụy tất yếu là suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong cộng đồng quốc tế và khiến hình ảnh của Tổng thống Obama trong con mắt người dân bị méo mó. Theo kết quả thăm dò do Wall Street Journal/NBC News công bố mới đây, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama trong việc thực thi chính sách đối ngoại đã giảm xuống mức thấp chưa từng có, chỉ còn 37%, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 57% - cao nhất kể từ khi ông lên cầm quyền cách đây hơn 5 năm. Rõ ràng, Tổng thống Obama đang phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về di sản đối ngoại sau 8 năm là chủ nhân của tòa Bạch ốc.


Hồ Phương
Châu Âu trong sự điều chỉnh chính sách của Mỹ
Châu Âu trong sự điều chỉnh chính sách của Mỹ

Trở lại châu Âu chỉ sau hai tháng, hành trang của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại các chặng dừng chân ở Ba Lan và Bỉ là những cam kết về đảm bảo an ninh cho Đông Âu cũng như đề cao vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN