Châu Âu trong sự điều chỉnh chính sách của Mỹ

Trở lại châu Âu chỉ sau hai tháng, hành trang của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại các chặng dừng chân ở Ba Lan và Bỉ là những cam kết về đảm bảo an ninh cho Đông Âu cũng như đề cao vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Tổng thống Obama tới Bỉ hôm 4/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Động thái của ông chủ Nhà Trắng nhằm trấn an các đồng minh châu Âu và tái khẳng định các cam kết của Mỹ đối với khu vực này trước những quan ngại rằng Washington lơ là đối tác xuyên Đại Tây Dương để hướng tới châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách “xoay trục” của mình.


Tại Ba Lan, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc củng cố quan hệ và đảm bảo an ninh cho các nước thành viên Trung và Đông Âu của NATO là một trong những "nền tảng" trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Ông không quên nhắc lại rằng Washington và NATO đã tăng cường triển khai quân trên lãnh thổ Ba Lan trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Để tăng sức nặng cho những tuyên bố trên, Nhà Trắng đã thông báo về một kế hoạch an ninh cho Đông Âu, được biết đến với tên gọi “Sáng kiến củng cố an ninh châu Âu”. Theo kế hoạch này, Washington sẽ triển khai thêm lực lượng trên bộ, trên không và trên biển ở Đông Âu, đồng thời hỗ trợ nâng cao khả năng phòng thủ của các quốc gia không thuộc khối NATO như Ukraine, Gruzia, Moldova.


Tổng thống Obama hối thúc các đồng minh châu Âu trong NATO tăng ngân sách quân sự, thực hiện "đầy đủ trách nhiệm thành viên", trong đó có việc đảm bảo chi tiêu quốc phòng ở mức tối thiểu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).


Trước chuyến thăm một ngày, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Derek Chollet khẳng định Washington tiếp tục duy trì cam kết đảm bảo hòa bình và ổn định tại Đông Âu thông qua hàng loạt hành động trợ giúp các đồng minh NATO và các đối tác của Mỹ.


Những tuyên bố trên của Washington không khiến giới phân tích quốc tế ngạc nhiên. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu, Mỹ bị chỉ trích vì phản ứng chậm trễ và thiếu quyết đoán trước Moskva, quan hệ Nga - phương Tây “rơi tự do”, ông chủ Nhà Trắng dường như ý thức rõ hơn hết sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cân bằng hơn giữa châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Chuyến trở lại châu Âu lần này của Tổng thống Obama không nằm ngoài mục tiêu đó. Rõ ràng, Mỹ không có nhiều lựa chọn trong chính sách đối ngoại sau cuộc khủng hoảng Ukraine và thái độ cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Và hiện là thời điểm quan trọng để các nước hai bên bờ Đại Tây Dương nhìn lại chặng đường đã qua và củng cố lập trường cần sát cánh vì an ninh của Đông Âu nói riêng và châu Âu nói chung.


Trước chuyến trở lại châu Âu, Tổng thống Obam đã khẳng định sự điều chỉnh chính sách ngoại giao qua bài phát biểu quan trọng tại Học viện quân sự West Point. Trong bài diễn văn, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh Washington sẽ không theo đuổi cái mà ông gọi là "các cuộc phiêu lưu quân sự" và thể hiện sức mạnh Mỹ theo nhiều cách khác. Ông Obama miêu tả chính sách đối ngoại mới của Mỹ là chính sách đề cao sự kiềm chế và "hành động tập thể", gia tăng sức ép kinh tế và chỉ đơn phương triển khai lực lượng quân sự khi công dân Mỹ bị đe dọa. Điều đáng chú ý là trong bài phát biểu, ông hầu như không đề cập cụm từ “xoay trục sang châu Á” - khái niệm được hiểu là khi Mỹ chấm dứt sự can dự ở Afghanistan và Iraq, nguồn lực quân sự và ngoại giao sẽ được chuyển sang tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Washington sẽ sao lãng chính sách "xoay trục", mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng cùng với châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu sẽ trở lại vị trí chiến lược trong chính sách an ninh của Mỹ thời gian tới.


Giới phân tích cho rằng với chuyến công du châu Âu lần này, Tổng thống Obama đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng hơn giữa quan hệ với châu Âu và với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nửa cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều này là cần thiết để Nhà Trắng lấy lại vị thế phần nào đã bị tổn thương trong thời qua.


HỒ PHƯƠNG

‘Xoay trục’ tới châu Á: Putin đã vượt qua Obama?
‘Xoay trục’ tới châu Á: Putin đã vượt qua Obama?

Thế giới đã chứng kiến sự xoay trục sang châu Á, nhưng không phải Mỹ mà là Nga với chính sách “hướng Đông” của mình. Thỏa thuận năng lượng mới giữa Moskva và Bắc Kinh cho thấy 2 đối thủ “đáng gờm” nhất của Mỹ đã bắt tay nhau. Nó đánh dấu một thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN