Bài diễn văn định hình 'học thuyết chính sách đối ngoại Obama'

Trọng tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được nêu bật trong bài phát biểu của ông trước hàng trăm sĩ quan trẻ tại buổi lễ tốt nghiệp tại Học viện Quân sự West Point ngày 28/5. Tại học viện danh giá ở bang New York này, ông nói: "Các bạn là thế hệ đầu tiên tốt nghiệp kể từ sau ngày 11/9/2001, là những người có thể chưa từng tham chiến ở Iraq hay Afghanistan".

 

Ông Obama có bài phát biểu quan trọng nhân lễ tốt nghiệp của học viên Học viện quân sự West Point.


Ông Obama đã từng được biết đến với tư cách một nhà lập pháp trẻ ở bang Illinois phản đối cuộc xâm lược Iraq và lãnh đạo làn sóng phản đối chiến tranh. Bài phát biểu về chính sách đối ngoại của ông ngày 28/5, mà trong đó ông vạch ra kế hoạch chi tiết về cách thức nước Mỹ sẽ lãnh đạo thế giới mà không phải sa lầy vào cuộc chiến quân sự, cũng một phần đề cập đến vấn đề chính trị. James Goldgeier, Chủ nhiệm Trường Quân sự Quốc tế thuộc Đại học Mỹ, nói: "Thông điệp chính mà ông Obama đưa ra kể từ khi nhậm chức đó là 'Tôi sẽ đưa đất nước thoát khỏi hai cuộc chiến mà tôi thừa hưởng'. Ông ta đã nói ông ta sẽ làm điều đó, và đó cũng chính là những gì ông đã làm được".


Bài diễn văn của ông Obama, nỗ lực mới nhất nhằm định hình học thuyết chính sách đối ngoại của ông trong bối cảnh ông đang phải liên tiếp đối mặt với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, có rất nhiều ý nghĩa. Đây chính là lời giải thích cho các sử gia - những người bắt đầu chỉ trích di sản của ông trong vòng hai năm rưỡi qua - và cho những ai sẽ đặt các câu hỏi như kiểu: Tại sao ông Obama lại can thiệp vào Libya nhưng không can thiệp vào Syria? Đây cũng là cách để giải tỏa các nghi ngờ về chính trị: Ông Obama đã phải hứng chịu các lời chỉ trích trong nhiều tháng gần đây từ John McCain và các nghị sĩ Cộng hòa khác, những người đánh giá ông là vô trách nhiệm và cho rằng ông đang bị Tổng thống Nga Vladimir Putin vượt mặt.


Ông đã nhắc đến Tư lệnh tối cao Dwight Eisenhower, người mà nhiệm kỳ tổng thống giai đoạn 1953-1961 của ông (Eisenhower) được nhớ đến như là thời kỳ hòa bình giữa Chiến tranh Thế giới thứ II và chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. Dẫn lại lời Eisenhower, Tổng thống Obama nói: "Chiến tranh là hành động ngu ngốc và bi kịch nhất của nhân loại".


Ông Obama cũng vạch ra kế hoạch chi tiết cho các tổng thống trong tương lai về cách thức nước Mỹ sẽ lãnh đạo thế giới mà tránh được đổ máu. Mark Jacobson, cựu quan chức cấp cao của NATO ở Afghnistan, cho rằng ông Obama đã gửi một thông điệp rằng "một chính sách đối ngoại cứng rắn hay một nước Mỹ theo chủ nghĩa quốc tế không có nghĩa là sẽ phải can thiệp quân sự".


Bài phát biểu của ông Obama được đưa ra một ngày sau khi ông tuyên bố kế hoạch chỉ để lại 9.800 quân ở Afghanistan để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, song ông cho biết thêm tất cả binh lính Mỹ sẽ rút về nước trước khi ông hoàn tất nhiệm kỳ tổng thống vào đầu năm 2017.


Ông Obama cho biết cụm từ "lãnh đạo" trong từ điển của ông không có nghĩa là vội vàng can thiệp vào các cuộc chiến lớn bên ngoài hay triển khai quân đội để giải quyết mọi vấn đề. Ông nhấn mạnh: "Việc chúng ta có được chiếc búa tốt nhất không có nghĩa mọi vấn đề đều là cái đinh". Điều này được phản ánh thông qua kế hoạch trị giá 5 tỷ USD để giúp trang bị cho các đồng minh chiến đấu chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan từ Nam Á cho tới Sahel (châu Phi).


Tổng thống Obama nói rõ rằng trong chính trị, sự lựa chọn chính xác phải nằm ở giữa chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa biệt lập. Quan trọng hơn hết, ông Obama nhấn mạnh Mỹ chỉ dùng tới quân sự trong trường hợp đó là biện pháp khả thi cuối cùng. Ông nói: "Mỹ sẽ sử dụng lực lượng quân sự một cách đơn phương nếu cần thiết, khi các lợi ích cốt lõi của chúng ta cần đến nó, khi người dân của chúng ta bị đe dọa, khi cuộc sống của chúng ta gặp nguy hiểm và khi an ninh của các đồng minh của chúng ta bị đe dọa". Nói cách khác, "các cuộc mạo hiểm" như ở Iraq sẽ không xảy ra.


Ông Obama nói rằng cuộc bầu cử thành công ở Ukraine cuối tuần qua đã chứng minh tính đúng đắn của chính sách xây dựng liên minh quốc tế nhằm cô lập Nga và ủng hộ nền dân chủ mong manh ở Kiev. Ông cũng cho rằng cách tiếp cận tương tự đối với các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đã mang lại khả năng đạt được thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này gần hơn bao giờ hết.


Tuy nhiên, những người chỉ trích ông Obama sẽ bác bỏ hai quan điểm trên và cho rằng bài phát biểu của ông dường như chỉ làm kích động thêm các chỉ trích về cách tiếp cận của ông. Các nhà bảo thủ cho rằng ông Obama đã chế nhạo các luận điệu của họ, và đưa ra các lựa chọn sai lầm giữa một bên là can thiệp quân sự quy mô lớn và một bên là không hành động.


Thomas Donnelly, chuyên gia của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói: "Đây chỉ là cuộc đua lớn của các anh hùng rơm. Các nước trên thế giới - cả các nước đồng minh và thù địch - sẽ hoàn toàn xem thường quan điểm này. Ông ta chỉ là một tổng thống chuyên đưa ra các phát biểu và ông ta không thực thi nhiều hành động". Các nhà chỉ trích khác cũng cho rằng bài phát biểu không chứa đựng nhiều biện pháp mang tính xây dựng cho cuộc bạo động ở Trung Đông, một nước Nga đang phục thù và một Trung Quốc trỗi dậy đang "chế giễu" sự lãnh đạo của Mỹ.


Tuy nhiên, chuyên gia Jacobson - hiện là cố vấn cấp cao của Dự án Truman - cho rằng ông Obama đã làm chính xác những gì ông cần làm với tư cách một nhà lãnh đạo có suy nghĩ, đó là không can dự vào tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Ông nói: "Chúng ta cần những tổng thống có chương trình nghị sự lâu dài".

 

TTTK

Obama: Mỹ không được vội vàng tham chiến ở nước ngoài
Obama: Mỹ không được vội vàng tham chiến ở nước ngoài

Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo nước này không được trông cậy vào sức mạnh quân sự trong các vấn đề thế giới, đồng thời khẳng định rằng một chiến lược như vậy sẽ là "ngây thơ và không thể được ủng hộ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN