5 nghị sĩ sẽ định hình chính sách đối ngoại của Mỹ

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã chứng kiến sự soán ngôi của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, đồng nghĩa với việc đảng này đã kiểm soát được lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Tiếng nói của các nghị sĩ Cộng hòa sẽ quyết định tới chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh trong nửa cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Dưới đây là 5 gương mặt nghị sĩ Cộng hòa sẽ đóng vai trò chủ chốt trong hoạch định đường lối ngoại giao và an ninh trong thời gian tới của Mỹ.

Mitch McConnell - nhân vật chống tổng thống hàng đầu

Sau khi đánh bại đối thủ trong cuộc chạy đua, thượng nghị sĩ Mitch McConnell (ảnh) đến từ bang Kentucky đã tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ thông báo kế hoạch tham vọng kiểm soát Thượng viện của đảng Cộng hòa. Trên cương vị là Lãnh tụ phe đa số tại Thương viện thay Thượng nghị sĩ (TNS) Harry Reid của Bang Nevada, ông McConnell sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc xác định những cơ sở của chính sách đối ngoại của Mỹ.

Là TNS thứ 15 của đảng này  giữ cương vị trên, nhưng trước đó, suốt từ tháng 1/2007 tới ngày 4/11 vừa qua, ông McConnell đã là lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Với bang Kentucky, McConnell là TNS thứ 2 được vinh dự là thủ lĩnh phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông còn giữ kỷ lục là vị TNS phục vụ lâu năm nhất trong lịch sử của bang này. Theo đánh giá của chính giới, ông hiện là nhân vật quan trọng thứ 4 của đảng Cộng hòa và nằm trong danh sách 7 quan chức cao cấp nhất của Thượng viện Mỹ.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell.


Theo tờ New York Times, trong những năm đầu hoạt động chính trị tại bang Kentucky, TNS McConnell giữ quan điểm chính trị tương đối ôn hòa. Những năm sau đó, ông chuyển dần sang xu hướng bảo thủ, thay đổi quan điểm trên một số vấn đề, trong đó có việc từ bỏ các quyền thương lượng tập thể (collective-bargaining rights), tăng lương tối thiểu mà trước đây ông vẫn ủng hộ.

Năm 1984, Ông bước vào Thượng viện Mỹ và ghi dấu ấn với việc cùng TNS Chris Dodd ủng hộ đạo luật chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. Ông cũng là kiến trúc sư của chương trình tài trợ mới của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho Ai Cập và Israel và thúc đẩy hoạt động bầu cử tự do, đối xử công bằng với người Hồi giáo tị nạn tại Myanmar, Campuchia và Macedonia.

Tuy nhiên, chính trị gia đã phục vụ Thượng viện Mỹ suốt 30 năm này chưa bao giờ là một chính trị gia được yêu thích. Không giống như nhiều đồng nghiệp luôn cố gắng lấy cảm tình của công chúng, McConnell trái lại thậm chí tạo dựng sự nổi tiếng cho mình bởi khía cạnh phản diện trong con người ông. Ông tạo dựng danh tiếng “bàn tay sắt” trên chính trường qua tính kỷ luật, sự khôn ngoan và đôi khi bằng nỗi khiếp sợ. “Đôi mắt luôn mở to nhìn trực diện của ông dường như đã đủ để ngăn cản những ai có ý định qua mặt ông ấy. Ông không nói nhiều, chỉ ngồi và nhìn trừng trừng vào bạn”, tờ Politico viết.

Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, ông McConnel luôn là nhân vật “phá rối” đi đầu của đảng Cộng hòa chống lại chính quyền đương nhiệm. Một trong những câu nói khiến ông trở nên nổi tiếng đó là vào năm 2010, ông tuyên bố: “mục tiêu số 1 của tôi là ngăn Tổng thống Obama chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai”.

Khi được hỏi về những vấn đề chính có thể hợp tác với Tổng thống Obama, ông McConnell chỉ đưa ra một trong số các ưu tiên về đối ngoại của tổng thống đương nhiệm: “Các thỏa thuận thương mại”. Đây cũng là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà TNS McConnell có tiếng nói đồng thuận với Tổng thống Obama. Trước đó, tháng 12/2012, ông từng kêu gọi bỏ phiếu trao cho tổng thống quyền được tự nâng mức trần nợ liên bang. Liên quan tới quan điểm tài chính cởi mở này, có một thông tin đáng chú ý là trong giai đoạn 2003-2008, trong danh sách 20 nhà tài trợ nhiều nhất cho TNS McConnell luôn có mặt 5 tập đoàn tài chính/đầu tư là Ngân hàng UBS, Citigroup, Ngân hàng New York, Merrill Lynch và FMR.

Với quan điểm ủng hộ tự do hóa thương mại, Thượng nghị sĩ McConnell rất lạc quan về thương mại quốc tế, điều này báo hiệu khả năng các chủ trương của chính phủ Mỹ thúc đẩy thương mại sẽ được thông qua nhanh chóng. Đây cũng là điều mà Tổng thống Obama theo đuổi, trong đó, đáng chú ý là hiệp định thương mại tự do đang trong quá trình thương lượng với châu Âu và với khu vực châu Á – Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, người tiền nhiệm Harry Reid của đảng Dân chủ đã không có bước đi mạnh dạn trong vấn đề này do lo ngại thương mại toàn cầu sẽ làm giảm thu nhập và việc làm của người Mỹ. Nay với các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ thương mại tự do đang chiếm đa số tại Ủy ban Tài chính Thượng viện, các rào cản đã được dỡ bỏ.

Ông McConnell được cho là có quan điểm khá diều hâu liên quan tới hoạt động quân sự và cuộc chiến chủ nghĩa khủng bố. Tháng 10/2002, ông từng bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết Iraq, cho phép Mỹ tấn công quân sự nước này. Sau đó đến năm 2007, ông cũng ủng hộ việc tăng quân tại Iraq và lớn tiếng chỉ trích các nghị sĩ kêu gọi rút binh lính Mỹ tại đây. Về cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, ông McConnell cho rằng cần phải có hành động quyết liệt và thực tế hơn nữa. Năm 2010, dưới thời của Tổng thống Obama, TNS McConnell đã “cáo buộc Nhà Trắng quan tâm nhiều tới một chiến lược truyền thông hơn là theo đuổi một cuộc chiến (thực sự) chống lại chủ nghĩa khủng bố”.

Một hồ sơ quan trọng khác là về chương trình hạt nhân của Iran, lâu nay đảng Dân chủ vẫn tìm cách ngăn không cho một dự luật áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Tehran đến được Thương viện vì Nhà Trắng lo ngại có thể làm tiến trình đàm phán giữa Iran với các cường quốc đổ vỡ. Tuy nhiên, phe Cộng hòa không quan ngại điều này. “Áp lực đang đè nặng lên Tổng thống Obama trong việc đưa ra và đạt được một thỏa thuận có lợi (với Iran), nếu không ông sẽ phải đối mặt với một thất bại chính trị khi phe Cộng hòa nói không với thỏa thuận này”, Mark Dubowitz, Giám đốc của Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ nhận định.

Giờ đây, có lẽ McConnell là một trong những TNS Cộng hòa hạnh phúc nhất khi đã đạt được các mục tiêu của mình: chiến thắng trong bầu cử, nắm trong tay khả năng ngăn cản các dự luật của chính quyền Obama, bác đề xuất sống chung với đảng Dân chủ. Đây là các mục tiêu mà ông theo đuổi như từng tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Đồi Capitol vài năm trước khi nói một câu đầy ẩn ý: “Darth Vader đã tới” (Darth Vader là một nhân vật phản diện chính trong seri phim Chiến tranh giữa các vì sao).


Thái Nguyễn
(Còn tiếp)

‘Làn sóng’ Cộng hòa sẽ chi phối chính sách đối ngoại Mỹ
‘Làn sóng’ Cộng hòa sẽ chi phối chính sách đối ngoại Mỹ

Chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua của Mỹ sẽ mở đường cho sự kiểm soát Thượng viện của các nghị sĩ phe Cộng hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN