Những tiến bộ trong hoạt động tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và kiểm soát dịch trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dỡ bỏ dần các hạn chế để mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản khiến đà phục hồi của kinh tế thế giới trở nên mong manh.
Trong dự báo mới nhất, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tỏ ra lạc quan về hoạt động thương mại - công cụ quan trọng để thúc đẩy khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu. WTO dự báo năm 2021, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt tới 10,8%, tăng 2,8% so với con số công bố tháng 3 vừa qua. Mức dự báo cho năm 2022 là 4,7%, tăng 0,7%. WTO nhận định từ năm sau, mọi hoạt động thương mại sẽ dần quay trở lại mức vào thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Cơ sở để các chuyên gia đưa ra dự báo khả quan là sự gia tăng trở lại của các hoạt động thương mại trên thế giới năm 2021 sau một năm đình trệ nghiêm trọng, đặc biệt rơi xuống mức thấp tồi tệ trong quý II/2020. Trong cả năm 2020, thương mại toàn cầu đã giảm 5,3% do ảnh hưởng của các biện pháp đóng cửa phòng dịch.
Một lĩnh vực khác góp phần thúc đẩy nền kinh tế là du lịch đang ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trở lại. Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) cho biết, trong tháng 7 vừa qua, khoảng 54 triệu lượt người trên thế giới đi du lịch nước ngoài, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch thế giới bắt đầu phục hồi sau khi nhiều nước - chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ, mở cửa trở lại các điểm đến du lịch với khách nước ngoài. Với những dữ liệu tích cực này, UNWTO hy vọng du lịch toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2022 và đến năm 2023-2024 có thể quay trở về mức tăng trưởng ghi nhận trước đại dịch COVID-19.
Dấu hiệu khởi sắc của “ngành công nghiệp không khói” đã có tác động tích cực đến triển vọng của lĩnh vực hàng không. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định hoạt động kinh doanh của ngành hàng không thế giới sẽ dần phục hồi và mức thua lỗ được dự báo sẽ giảm mạnh từ 51,8 tỷ USD của năm nay xuống còn 11,6 tỷ USD năm 2022.
Theo IATA, trong năm tới, các hãng hàng không tại tất cả các khu vực đều sẽ ghi nhận sự phục hồi, thậm chí các hãng hàng không tại Bắc Mỹ được dự báo làm ăn có lãi. Tổ chức trên dự báo nhu cầu đi lại quốc tế sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 và đạt 44% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhu cầu đi lại bằng đường không trong nước ước tính đạt 93% mức trước đại dịch, tăng 20% so với mức của năm nay. Tổng lượt hành khách dự kiến sẽ tăng từ 2,3 tỷ lượt người trong năm 2021 lên 3,4 tỷ lượt vào năm tới. Trong khi đó, doanh thu bán vé của các hãng hàng không được dự báo tăng 67% lên 378 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng phân phối vaccine không công bằng và nguy cơ lạm phát trong bối cảnh đại dịch là những trở ngại chính kìm hãm đà phục hồi này, khiến tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp hơn mức dự báo 6% mà tổ chức này đưa ra trước đó.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhưng “tình trạng bất cân bằng lớn về vaccine” đang là một rào cản. Bà Georgieva cảnh báo nếu không thể thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm phòng hiện nay giữa các nước phát triển và các nước nghèo hơn, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể mất đi 5.300 tỷ USD trong 5 năm tới. WTO cũng cảnh báo sự chênh lệch về tiếp cận vaccine phòng COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới có khả năng kháng vaccine, dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch ở nhiều nước, khiến cho các hoạt động kinh tế bị tê liệt trở lại.
Ngoài ra, những vấn đề tồn tại trong chuỗi cung ứng cũng đang đặt ra không ít khó khăn đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuần qua, thế giới đã chứng kiến những ví dụ điển hình về tình trạng căng thẳng nguồn cung, từ việc Trung Quốc khan hiếm than đá cung cấp cho các nhà máy điện, Anh thiếu lái xe bồn chở nhiên liệu tới các điểm phân phối trên cả nước, đến việc giá khí đốt tăng mạnh trên toàn châu Âu khi cầu vượt quá cung. Những diễn biến này làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vốn lao đao vì dịch COVID-19 trong gần hai năm qua. Hiện giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đang ở gần mức cao kỷ lục, trong khi tại Mỹ, mức giá cũng chạm mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Theo các chuyên gia, giá khí đốt và xăng dầu tăng cao có thể khiến lạm phát trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, thêm trầm trọng. Lạm phát leo thang đang gây sức ép buộc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải sớm cắt giảm chương trình mua tài sản và thậm chí tăng lãi suất từ năm 2022, kéo theo tác động mạnh đến thị trường tài chính không chỉ ở nền kinh tế số một thế giới mà còn trên toàn cầu.
Trong khi đó, với Trung Quốc, khủng hoảng thiếu điện cũng làm gia tăng áp lực vào đúng thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc vì những yếu tố như biện pháp kiểm soát COVID-19 và hạ sốt thị trường bất động sản. Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 8,2% xuống còn 7,8% trong năm 2021, và còn 5,5% cho năm 2022, với lý do “cắt giảm sản lượng mạnh trong những ngành công nghiệp cần tiêu thụ nhiều năng lượng”. Theo Tổng Giám đốc IMF, việc lạm phát tăng liên tục có thể khiến các nước tăng lãi suất và siết chặt các điều kiện tài chính, đặt ra thách thức lớn về nợ.
Các dữ liệu kinh tế đã bắt đầu phản ánh những khó khăn thực tiễn: hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 9 lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm nay. Tại Pháp, hoạt động sản xuất cũng rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 1/2021, trong khi Nhật Bản chứng kiến sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp. Các công ty ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm nguồn cung nguyên liệu thô và các phụ tùng cần thiết để duy trì các dây chuyền sản xuất do những biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch ở các điểm chủ chốt của chuỗi cung ứng. Ngành chế tạo ô tô đang chịu tác động nghiêm trọng do thiếu chip bán dẫn, còn ngành dệt may cũng nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn. Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), FED, Ngân hàng Trung ương Anh, nhận định tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu đang khiến lạm phát tăng và cản trở đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Jacob Kirkegaard tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) ở Washington, những vấn đề về chuỗi cung ứng khó thể gây ra một cú sốc đủ lớn để đẩy kinh tế toàn cầu về vùng suy giảm 2 chữ số. Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia đều nhất trí rằng đại dịch COVID-19 vẫn là yếu tố gây nguy cơ lớn nhất với tiến trình phục hồi kinh tế.
Nhằm tháo gỡ rào cản của đại dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, Tổng Giám đốc IMF Georgieva kêu gọi các nước giàu tăng phân phối vaccine đến các nước nghèo, dỡ bỏ các hạn chế thương mại và tăng quỹ hỗ trợ cho hoạt động xét nghiệm, truy vết và điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, bà cũng kêu gọi thúc đẩy nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo thay đổi công nghệ và tăng tính bao trùm bởi chính các nỗ lực này cũng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế. Việc chuyển sang năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm CO2 có thể tăng GDP toàn cầu khoảng 2% trong thập niên này và tạo ra 30 triệu việc làm mới.
Tuy nhiên, tập trung cho chiến lược bao phủ vaccine ngừa COVID-19 và chuyển đổi sang nền kinh tế “xanh” có thể là chưa đủ để xóa những gam màu tối trong bức tranh triển vọng phục hồi của thế giới. Nền kinh tế toàn cầu từ trước dịch COVID-19 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các rào cản của chủ nghĩa đơn phương và tranh chấp thương mại leo thang. Vì thế, theo các chuyên gia, để có thể đưa kinh tế toàn cầu vượt qua giai đoạn đầy thách thức hiện nay, các nước phải có các biện pháp tổng thể và kết nối nhằm kích thích nền kinh tế, giải quyết căng thẳng nguồn cung, kiểm soát lạm phát, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội… nhằm thúc đẩy sự phục hồi đồng đều sau đại dịch COVID-19.