Các lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác nhằm khống chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Philippines, khiến hàng triệu người mất việc làm và đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Kendrick Chua cho biết chi phí lâu dài mà thế hệ hiện tại và tương lai của Philippines phải gánh chịu vì dịch COVID-19 và các biện pháp chống dịch có thể lên tới 41.400 tỷ peso (tương đương 810 tỷ USD). Con số này cao hơn gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines vào năm 2020 mà Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính là 361,5 tỷ USD. Xã hội Philippines sẽ cảm nhận được những tổn thất này trong 10 đến 40 năm tới.
Cũng theo ông Kendrick Chua, hiện gần 70% nền kinh tế, bao gồm 23,3 triệu lao động, vẫn phải tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt để chống dịch. doanh thu từ tiêu dùng, đầu tư và thuế sẽ phải chật vật để phục hồi khi các quy định về giãn cách xã hội khiến các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch và nhà hàng không thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Ngoài ra, năng suất của người lao động cũng sẽ thấp hơn do nhiều lao động đã tử vong, bệnh tật và học sinh không được tới trường học trực tiếp.
Ông Kendrick Chua nhận định nền kinh tế Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng 4% đến 5% trong năm nay, song sẽ phải mất tới 10 năm để có thể quay trở lại mức tăng trưởng thời tiền đại dịch, trung bình là 6,4% trong 10 năm trước khi COVID-19 ập đến.
Từ tháng 3/2020, Philippines đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở các mức độ khác nhau. Mặc dù thời gian phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài hơn, quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang phải "vật lộn" với số bệnh nhân COVID-19 đang gia tăng mỗi ngày. Tới nay, Philippines đã ghi nhận trên 2,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 38.000 ca tử vong. Tuy nhiên, hiện mới chỉ hơn 25% dân số trưởng thành đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.